Đây là ý kiến chỉ đạo của PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh tại Hội nghị hướng dẫn triển khai kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện và khảo sát hài lòng người bệnh, nhân viên y tế năm 2018 được Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội ngày 2/11.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết, qua 5 năm thực hiện Bộ Tiêu chí về chất lượng bệnh viện đã cho thấy những thay đổi rõ rệt về chất lượng khám, chữa bệnh. Sự hài lòng của người bệnh nội trú đã đạt gần 80 % đã phản ánh những nỗ lực của hệ thống khám bệnh, chữa bệnh trong nâng cao chất lượng bệnh viện.
Làm chất lượng phải làm từ những điều nhỏ nhất, từ người giám đốc đến người bảo vệ đều phải làm chất lượng. Bệnh viện chưa làm được những cái lớn nhưng phải quan tâm đến những cái nhỏ như vệ sinh bệnh viện, gọn đẹp. Những bảng điện tử, ghế ngồi, những chỉ dẫn không cần nhiều tiền nhưng đã giúp người bệnh hài lòng hơn. “Hôm nay chưa có ghế thì ngày mai có ghế chờ cho bệnh nhân, hôm nay chưa thực hiện được kỹ thuật thì lập kế hoạch thực hiện” , PGS.TS Lương Ngọc Khuê chia sẻ.
Công tác kiểm tra, đánh giá tập trung vào việc thực hiện các hoạt động chuyên môn, cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh của bệnh viện; đánh giá thực trạng chất lượng hoạt động và cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh, làm cơ sở xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng bệnh viện; từng bước xếp loại chất lượng hoạt động và dịch vụ khám, chữa bệnh của các bệnh viện và cung cấp căn cứ xét thi đua, khen thưởng năm 2018.
Theo Cục trưởng Lương Ngọc Khuê, công tác kiểm tra, đánh giá được thực hiện ở tất cả các bệnh viện Nhà nước và tư nhân trên toàn quốc, viện có giường bệnh điều trị nội trú, bao gồm: Bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến Trung ương; Bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh; Bệnh viện tuyến huyện và tương đương (trung tâm y tế huyện có giường bệnh điều trị nội trú); Bệnh viện trực thuộc Y tế các bộ, ngành; Bệnh viện trực thuộc các trường đại học; Bệnh viện tư nhân. Hướng dẫn các nội dung về đánh giá chất lượng bệnh viện và khảo sát sự hài lòng người bệnh, nhân viên y tế.
ThS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh khẳng định: Để đánh giá trung thực khách quan, thành viên đánh giá tuân thủ chắt chế các nguyên tắc toàn diện, công bằng, thận trọng nghề nghiệp, bảo mật thông tin, độc lập, dựa trên bằng chứng. Các thành viên là những thành viên làm chất lượng các bệnh viện, có kiến thức, trình độ về chất lượng bệnh viện. Các thành viên đoàn kiểm tra, đánh giá của cơ quan quản lý cần thực hiện đăng ký để nhận “Mã đánh giá viên” bằng cách điền thông tin cá nhân, quá trình đào tạo về chuyên môn và kiến thức quản lý chất lượng trên phần mềm trực tuyến. Điều này sẽ giúp quá trình đánh giá có hiệu quả, phát hiện các vấn đề chất lượng đã hoặc chưa đáp ứng các tiêu chí, cung cấp thông tin để tổ chức có thể thực hiện các hoạt động cải tiến chất lượng.
Bên cạnh đó, để việc đánh giá thực chất, hiệu quả, các chuyên gia đánh giá chất lượng phải là người đã được đào tạo, tập huấn về đánh giá chất lượng, có kinh nghiệm công tác cần thiết với kiến thức, kỹ năng yêu cầu thực hiện đánh giá. Đặc biệt, sau khi có kết luận của cuộc đánh giá, các đơn vị được đánh giá cần tiếp tục thực hiện cải tiến chất lượng, khắc phục những hạn chế, triển khai các đề án chất lượng nhằm đáp ứng Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện phiên bản 2.0 một cách tốt nhất trong khả năng của đơn vị.
“Việc đánh giá chất lượng bệnh viện cần được thực hiện khách quan, trung thực, đánh giá đúng chất lượng, không để xảy ra tình trạng dễ dãi hoặc tranh cãi giữa đoàn đánh giá và bệnh viện. Các đơn vị cần tuân thủ đánh giá theo Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện phiên bản 2.0, không che giấu những sai phạm nếu có, không bỏ qua những việc chưa làm được…”, Phó Cục trưởng Nguyễn Trọng Khoa nhấn mạnh.