Đây là hoạt động nhằm giúp người sử dụng lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai thực hiện tốt chính sách được quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Cẩm nang bao gồm các nội dung chính: hướng dẫn chung; hướng dẫn dành cho người sử dụng lao động; hướng dẫn dành cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp; hướng dẫn dành cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội...
Cuốn cẩm nang được ban hành nhằm hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu tác động tiêu cực, ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo đời sống, an toàn cho người lao động.
Đối tượng hỗ trợ là người sử dụng lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp gồm: Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động không xác định thời hạn, xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng.
Người sử dụng lao động thuộc đối tượng được hỗ trợ khi đáp ứng đủ các điều kiện: đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ; phải thay đổi cơ cấu, công nghệ theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động; thay đổi quy trình, công nghệ, máy móc, thiết bị sản xuất, kinh doanh gắn với ngành, nghề sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động; thay đổi sản phẩm, cơ cấu sản phẩm; có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so với doanh thu cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020; có phương án hoặc phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ trong thời gian từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022.
Mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề tối đa 1.500.000 đồng/người lao động/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng khóa học.
Trường hợp khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề có những ngày lẻ không đủ tháng thì được tính theo nguyên tắc: Dưới 15 ngày tính là 1/2 tháng, từ đủ 15 ngày trở lên tính là 1 tháng để xác định mức hỗ trợ.
Đối với khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề có mức chi phí cao hơn mức hỗ trợ theo quy định tại khoản này, phần vượt quá mức hỗ trợ do người sử dụng lao động tự chi trả.
Thời gian hỗ trợ là tối đa 6 tháng cho tất cả các nghề đào tạo, bồi dưỡng. Phương thức chi trả hỗ trợ theo hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam tại Công văn số 1988/BHXH-TST ngày 8/7/2021 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc chi trả hỗ trợ trực tiếp cho người sử dụng lao động theo phương án hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề đã được phê duyệt bằng hình thức chuyển khoản từ cơ quan bảo hiểm xã hội cho người sử dụng lao động (không chi bằng tiền mặt).
Việc thực hiện chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động được thực hiện theo quy trình chung bao gồm các 5 bước chính:
Người sử dụng lao động đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận việc đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp.
Người sử dụng lao động nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đặt trụ sở chính.
Cấp kinh phí đào tạo cho người sử dụng lao động của cơ quan bảo hiểm xã hội.
Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho người lao động của người sử dụng lao động.
Thanh, quyết toán kinh phí đào tạo, bồi dưỡng.
Báo cáo kết quả đào tạo, bồi dưỡng của người sử dụng lao động.
Thời hạn giải quyết thủ tục đối với việc xác nhận đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động là tối đa 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của người sử dụng lao động.
Việc phê duyệt quyết định hỗ trợ theo đề nghị của người sử dụng lao động là tối đa 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của người sử dụng lao động theo quy định.
Người sử dụng lao động nộp hồ sơ đề nghị xác nhận đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp và thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng qua cổng thông tin Dịch vụ công trực tuyến của cơ quan bảo hiểm xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đặt trụ sở chính hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia (nếu có); nộp hồ sơ trực tiếp đến cơ quan bảo hiểm xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Đồng thời, người sử dụng lao động cũng có thể nộp hồ sơ qua đường bưu điện đến cơ quan bảo hiểm xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.