Bố trí chỗ ở tạm thời cho hộ dân trong vụ sập nhà cổ

"Chúng tôi đang khẩn trương thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn. Hiện vẫn còn 1 nạn nhân nữ tên là Nga đang mắc kẹt bên trong", là thông tin từ Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, Nguyễn Quốc Hoa vào chiều 22/9 tới đại diện các cơ quan báo chí, tại hiện trường vụ sập căn biệt thự 107 Trần Hưng Đạo.


Lực lượng chức năng khẩn trương khắc phục sự cố. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN


Gia đình nạn nhân Nga đã nhiều lần gọi điện cho nạn nhân, chuông điện thoại đổ nhưng không có trả lời. Lực lượng chức năng đang đưa máy dò đến hỗ trợ việc tìm kiếm nạn nhân. Công tác cứu hộ, cứu nạn đang được tiến hành và phải đảm bảo an toàn cho nạn nhân cũng như người tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Hoa, giáp 2 bên của ngôi nhà số 107 Trần Hưng Đạo là 54 hộ dân liền kề, trong số này có nhiều hộ bị ảnh hưởng từ vụ sập nhà. Hiện UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo UBND quận Hoàn Kiếm bố trí chỗ ở tạm thời cho những hộ gia đình này.

"Lực lượng chức năng quận Hoàn Kiếm đang tích cực kiểm đếm, thống kê thiệt hại và ảnh hưởng của vụ sập nhà đối với 54 hộ dân sống xung quanh. Theo phương án được đưa ra, những hộ bị ảnh hưởng nặng có thể được di dời đến ở tạm tại khu Đền Lừ hoặc Kim Liên. Đồng thời, quận tổ chức thăm hỏi người bị thương và thân nhân các nạn nhân, hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người bị thương và 5 triệu đồng cho nạn nhân không may tử vong", Ông Hoa cho hay.

Có mặt tại hiện trường vụ sập nhà, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng và các chuyên gia của Cục Giám định nhà nước các công trình xây dựng đã trực tiếp kiểm tra hiện trường ngôi nhà 107 Trần Hưng Đạo để xác định nguyên nhân sự cố.

Thứ trưởng Hùng yêu cầu các lực lượng cứu hộ phải bốc dỡ toàn bộ phương tiện, vật liệu đổ nát để đưa người bị thương ra ngoài; khoanh vùng và hạn chế đi lại trong tầm ảnh hưởng của tòa nhà; tháo dỡ phần đổ vỡ và kiểm định lại các kết cấu còn lại.​

Trước đó như Báo Tin Tức đã đưa tin, vào 12 giờ 45 phút ngày 22/9 đã xảy ra vụ sập căn biệt thự Pháp cổ tại 107 Trần Hưng Đạo là nơi làm việc của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đang giao Ban Quản lý dự án đường sắt khu vực 1 quản lý, có 33 cán bộ làm việc.

Vụ sập nhà đã khiến 1 nạn nhân bị tử vong là bà Lê Thị Hường (làm nghề bán rau tại khu vực tầng 1 của căn nhà). Bà Hường được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện lúc 15 giờ cùng ngày. Do thương tích nặng nên đã bị tử vong ngay sau đó 10 phút.

Những nạn nhân còn lại trong vụ tai nạn được xác định gồm: Bà Nguyễn Thị Tiêu (sinh năm 1951, bị tường nhà đổ vào người), Vũ Thị Thu Hằng (sinh năm1978, bị chấn thương sọ não, chấn thương xương chậu), Nguyễn Văn Nức (sinh năm 1971, thường trú tại thôn Sâm Khúc, Việt Hưng, Văn Lâm, Hưng Yên, bị thương tích ở chân) và bà Tào Thị Hiện (sinh năm 1965, ở Cát Động, Kim Bài, Thanh Oai, Hà Nội, bị thương tích ở chân).

Hiện vẫn chưa có thông tin chính thức nguyên nhân vụ sập nhà. Tuy nhiên, theo những người dân chung quanh hiện trường, nguyên nhân nhà sập là do ngôi nhà quá cũ, trời mưa lâu ngày làm thấm dột, nhất là trận mưa lớn vào đêm 21/9 kéo dài đến sáng 22/9 đã khiến nhà bị thấm nước, giảm khả năng chịu lực dẫn đến sập.

Hạnh Quỳnh (TTXVN)
Khẩn trương công tác cứu hộ vụ sập nhà cổ
Khẩn trương công tác cứu hộ vụ sập nhà cổ

Các đơn vị chức năng: Công an, Quân đội, điện lực, vệ sinh môi trường đô thị… đã huy động lực lượng tham gia cứu nạn, cứu hộ khẩn cấp để giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN