Clip và hình ảnh phóng viên báo Tin tức ghi nhận:
Theo ghi nhận của phóng viên báo Tin tức, khá nhiều cầu vượt bộ hành trên địa bàn Hà Nội vắng khách qua lại do đặt sai vị trí, nơi nhu cầu người dân không lớn; hoặc đặt đúng vị trí, nhưng thiết kế đường dẫn bất hợp lý, người đi bộ phải vòng vèo, khả năng tiếp cận chưa thuận lợi, nhất là với người già, trẻ em, người khuyết tật…
Đơn cử như những cầu vượt Láng Hạ (quận Đống Đa), cầu vượt Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy)... được xây dựng hiện đại, nhưng do thiếu đồng bộ với hạ tầng xung quanh, nên ít người sử dụng. Những cầu vượt này hiện đều đã xuống cấp, hoen gỉ, khiến người dân càng thêm e ngại sử dụng và đang cho thấy sự lãng phí đầu tư xây dựng.
Một số cầu vượt khác như cầu vượt Đại Cồ Việt (quận Hai Bà Trưng), Chùa Bộc (quận Đống Đa)... không chỉ hoen gỉ cùng thời gian, mà hiện đang trở thành điểm tập kết xe thùng chở rác tại các vị trí chân cầu. Do vậy, nhiều người dân sinh sống xung quanh khu vực các cầu vượt này vẫn băng cắt qua đường vào giờ cao điểm mà không đi lên cầu. Thậm chí, bất chấp nguy hiểm, len lỏi, vừa đi vừa tránh dòng xe cộ đang lao nhanh về phía mình...
Song, một phần cũng xuất phát từ sự thiếu ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của không ít người dân, coi thường sự an toàn của bản thân, bỏ quên cầu vượt. Nhiều người dù biết băng qua đường nguy hiểm, nhưng vì muốn nhanh, tùy tiện, nên bất chấp nguy hiểm mà không đi lên cầu. Bên cạnh đó việc không đảm bảo hỗ trợ, khiến một số người cao tuổi không đủ sức leo thang, nên cũng chọn đi bộ băng qua đường.
Để khắc phục tình trạng người dân thờ ơ với cầu vượt, hầm bộ hành, phát huy hiệu quả của các công trình này, Sở GTVT Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó ưu tiên tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông, đưa nội dung giáo dục về an toàn giao thông vào các bậc học phổ thông để từng bước tạo ý thức, văn hóa giao thông cho học sinh, sinh viên; đồng thời, tăng cường các biện pháp cưỡng chế người vi phạm như: Lắp hàng rào, trồng cây xanh tại dải phân cách giữa để ngăn chặn tình trạng người đi bộ cố tình băng qua đường, gây mất an toàn giao thông...
Về lâu dài, Sở GTVT đề nghị với các cơ quan chức năng bổ sung chế tài xử phạt đối với người đi bộ vi phạm vào Luật Giao thông đường bộ để răn đe.
Hành vi “Vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn” được nêu tại điểm a, khoản 1, Điều 9, Nghị định số 100/CP/2019. Tuy nhiên, chế tài xử phạt đối với người đi bộ vi phạm quá nhẹ, không đủ sức răn đe (tối thiểu là 60.000 đồng và tối đa là 200.000 đồng)... Đây cũng là nguyên nhân khiến cho người đi bộ “nhờn luật”.