Báo Tin tức (TTXVN) đã có cuộc phỏng vấn với Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH (Bộ Công an) xung quanh nội dung khuyến cáo người dân chủ động các biện pháp PCCC, các tình huống thoát nạn; nhất là đối với các hộ dân sinh sống ở chung cư cao tầng, nhà ống…
Trong một tháng trở lại đây, trên địa bàn cả nước đã xảy ra nhiều vụ cháy nghiêm trọng, trong đó có vụ cháy nhà trên đường Nguyễn Thị Định, phường Cát Lái, TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) làm 6 người chết, và vụ cháy tại số nhà 311 Tôn Đức Thắng (Hà Nội) làm chết 4 người (có 1 phụ nữ mang thai). Ông có nhận định gì về nguyên nhân của những vụ việc thương tâm này?
Qua những vụ cháy gần đây có thể thấy, điểm chung là sự cố cháy xảy ra vào ban đêm và rạng sáng, những căn nhà bị cháy chỉ có duy nhất một lối thoát nạn là cửa ra vào, khi có sự cố cháy, hệ thống khoá cửa quá kiên cố nên người dân không thể thoát ra ngoài, dẫn đến tử vong.
Video Đại tá Nguyễn Minh Khương nhận định về vụ cháy tại số nhà 311 Tôn Đức Thắng, Hà Nội và lý do vì sao các nạn nhân không thể thoát khỏi đám cháy:
Có những vụ cháy nằm sâu trong ngõ nhỏ, xe cứu hoả không thể vào được, chưa kể đến tình huống nhà chung cự tự ý cơi nới lồng sắt kiên cố; nhà ở kết hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh; thậm chí tận dụng làm kho lưu trữ hàng hoá… nên khi đám cháy xảy ra, việc xử lý trở nên khó khăn và thậm chí là không khả thi.
Bên cạnh đó, cũng phải kể đến mặt bằng chung về nhận thức của người dân trong công tác PCCC là chưa cao, chưa hiệu quả; nhiều gia đình không trang bị các thiết bị thoát hiểm như búa, rìu để phá cửa trong những tình huống khẩn cấp; mặt nạ phòng khói độc, bình cứu hoả; thiết bị cảnh báo cháy tự động…
Nhằm hạn chế tối đa những thiệt hại do cháy, nổ gây ra, Cục PCCC và CNCH có những khuyến cáo gì để giúp người dân chủ động trong PCCC?
Để đảm bảo an toàn PCCC trong các khu dân cư, cần thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động người dân dân nêu cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa cháy, nổ cũng như ý thức trách nhiệm vì cộng đồng trong hoạt động PCCC, kiên quyết đấu tranh với tư tưởng “Cháy nhà hàng xóm, bình chân như vại”.
Người dân cần lưu ý việc sử dụng điện, bình ga vào việc đun nấu; thực hiện chế độ kiểm tra nguồn lửa, điện, chất cháy vào thời điểm có nguy cơ cháy cao và trước khi đi ngủ.
Cụ thể, đối với nhà riêng, người dân không để nhiều đồ dùng, hàng hoá dễ cháy ở nơi đun nấu; không dự trữ xăng, dầu, khí đốt và các chất lỏng dễ cháy ở trong nhà. Trường hợp cần phải dự trữ thì chỉ dự trữ với số lượng ít nhất. Với các phương tiện cá nhân như ô tô, xe máy và các phương tiện sử dụng xăng dầu, chất lỏng dễ cháy để trong nhà ở phải cách xa bếp đun nấu, nguồn sinh nhiệt, thiết bị chứa, dẫn xăng, dầu...
Việc sử dụng vật liệu như gỗ, tấm nhựa, mút xốp... để ốp tường, trần, vách ngăn cần phải thi công đảm bảo. Khi sử dụng bàn là, bếp điện, lò sấy phải có người trông coi, không để trẻ nhỏ, người già mắt kém, người bị tàn tật, người bị tâm thần sử dụng các thiết bị điện...
Video Cục Cảnh sát PCCC và CNCH hướng dẫn người dân các kỹ năng thoát nạn khi cháy nhà cao tầng:
Đối với dạng nhà chung cư mini, nhà cao tầng…, người dân cần lắp đặt thiết bị bảo vệ (aptomat) cho hệ thống điện có công suất lớn. Bên cạnh đó, cần có hệ thống bình chữa cháy kết hợp mặt nạ phòng khí độc để khi có cháy xảy ra, người dân có thể di chuyển an toàn ra khỏi vùng cháy. Trong tình huống không thể di chuyển ra cầu thang thoát nạn, với độ cao như ở các khu chung cư, cần trang bị thêm hệ thống dây tự cứu hạ chậm hoặc thang dây để chủ động hạ xuống đất trong tình huống khẩn cấp.
Với dạng nhà tập thể cũ, có cơi nới thêm lồng sắt, người dân trang bị thêm các thiết bị như búa, kìm,... có thể cắt các thanh sắt; đặc biệt là thiết kế thêm hệ thống cửa thoát hiểm trên lồng sắt.
Đối với dạng nhà ống, người dân cần thiết kế cửa ra vào từ phía ngoài có thể mở khoá bằng chìa, phía trong có thể mở khoá bằng chốt. Khi có sự cố cháy, từ bên trong có thể nhanh chóng thoát ra ngoài. Cần chủ động thiết kế thêm các lối thoát hiểm sang hai bên tường hoặc phía sau lưng nhà; với dạng nhà ống liền kề, cần thiết kế thêm phương án thoát hiểm trên mái nhà để từ đó có thể di chuyển sang các công trình liền kề, tránh tình trạng “cửa nhà là lối thoát hiểm duy nhất”.
Và cuối cùng, chính là kiến thức về PCCC và thoát nạn trong những tình huống khẩn cấp. Những kỹ năng, kiến thức này được đăng tải rất chi tiết và cụ thể trên Trang Thông tin điện tử của Cục, theo đường link: http://canhsatpccc.gov.vn
Những nội dung trên đã được thực hiện bằng các hình thức phong phú, trực quan như ảnh, video… giúp người dân có thể tham khảo và rèn luyện. Từ đó, khi xảy ra cháy hay sự cố, người dân có thể chủ động xử lý.
Xin trân trọng cảm ơn ông!