Lộn xộn
Theo thống kê của Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị, cả nước hiện có khoảng 300.000 người hoạt động trong lĩnh vực môi giới BĐS, nhưng người được đào tạo và có chứng chỉ hành nghề chỉ chiếm tỷ lệ thấp, khoảng 10%. Đội ngũ môi giới BĐS hoạt động chủ yếu ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, những người hoạt động chuyên nghiệp chỉ chiếm số lượng bằng khoảng 50% tổng số người tham gia vào lĩnh vực này, phần còn lại là nghiệp dư hoặc chuyển nghề. Luật Kinh doanh BĐS năm 2014 đã có quy định về việc phạt tiền đối với người môi giới BĐS không có chứng chỉ hành nghề và kinh doanh môi giới không thành lập doanh nghiệp, nhưng trên thị trường chưa có thời điểm nào mà lượng “cò đất” lại bùng nổ về số lượng và hoạt động như hiện nay.
Thực tế, chính sách phát triển nhà ở, đất đai hiện nay đang khiến cho chủ đầu tư và nhà môi giới BĐS dễ bị mắc phải những sai phạm. Đó là vi phạm về điều kiện và thời điểm được chuyển nhượng đất nền, huy động vốn, bán nhà hình thành trong tương lai và một trong những nguyên nhân dẫn đến sai phạm là do nhà môi giới BĐS chưa được đào tạo bài bản. Trong khi đó, BĐS là sản phẩm hàng hóa có tác động mạnh mẽ và sâu rộng lên mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, thị trường ngày càng chịu nhiều ảnh hưởng từ các quyết sách kinh tế vĩ mô của chính phủ, xu hướng đầu tư, tiêu dùng của người dân.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho rằng, để hành nghề môi giới BĐS, mỗi người môi giới đều phải có kiến thức pháp luật, kỹ năng hành nghề và trách nhiệm xã hội. Hiện nay, tình hình hoạt động môi giới BĐS khá lộn xộn và chưa được quản lý chặt chẽ.
Còn theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, cần quản lý chặt chẽ hơn nữa những cá nhân hành nghề môi giới BĐS chính thức tại các Sàn giao dịch BĐS hiện nay, đây là lực lượng vô cùng quan trọng, đóng góp vào sự minh bạch, hiệu quả của thị trường, do đó cần đưa vào nề nếp. Tại nhiều địa phương hiện có hàng trăm cá nhân có nhu cầu được đào tạo và thi sát hạch, cấp chứng chỉ hành nghề, nhưng khó tổ chức dào tạo vì nhiều lý do. Hội đề nghị các cơ quan chức năng cần xem xét bịt “lỗ hổng” này, để những môi giới có điều kiện hành nghề đúng với các quy định của pháp luật.
"Việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu, bài bản cho nhà môi giới BĐS hiện nay là cần thiết. Tính chuyên nghiệp của người hành nghề môi giới sẽ nâng tầm vị thế và vai trò của nghề môi giới BĐS", Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị, TS Trần Hữu Hà cho hay.
Đào tạo nền tảng môi giới
Ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo BĐS nhận định, thị trường BĐS Việt Nam những năm qua liên tục có những bước phát triển nhanh chóng và có nhiều đóng góp hết sức giá trị cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đội ngũ môi giới BĐS ngày càng đông đảo và đã có nhiều đóng góp to lớn trong sự phát triển thị trường. Tuy nhiên, đông đảo nhà môi giới hiện nay có năng lực và trình độ hạn chế. Môi giới được thi cấp Chứng chỉ hành nghề như thí sinh tự do, chủ yếu đối phó để nhận Chứng chỉ mà không hề chăm lo đến việc tiếp thu kiến thức và kỹ năng để nâng cao trình độ năng lực. Người học không có nhu cầu nên các đơn vị đào tạo môi giới độc lập rời bỏ thị trường.
Bên cạnh đó, đa phần các chủ đầu tư, sàn giao dịch BĐS đào tạo môi giới như những nhân viên bán hàng, hầu như không đào tạo về những kiến thức pháp luật trong kinh doanh BĐS khi tham gia thị trường. Đây là "lỗ hổng" lớn về kiến thức. Do đó, nhiều môi giới tham gia bán những sản phẩm không đủ điều kiện pháp lý ra thị trường và thường để lại hậu quả nặng nề cho cả khách hàng, chính bản thân nhà môi giới và cho thị trường.
Trong thời điểm bùng nổ công nghệ, dưới tác động của dịch bệnh COVID-19 kéo theo sự dịch chuyển mạnh mẽ các mô hình kinh doanh, mô hình bán hàng, mô hình đầu tư BĐS, pháp luật kinh doanh BĐS cũng liên tục có sự điều chỉnh và thay đổi, đòi hỏi các nhà môi giới phải không ngừng nâng cao năng lực, tiếp cận các kiến thức và tri thức mới.
Trước thực tế trên, Viện Nghiên cứu và Đào tạo BĐS đề nghị Hội Môi giới BĐS Việt Nam phải nhanh chóng nhận lấy sứ mệnh tham gia tổ chức đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng để chuyên nghiệp hóa thị trường, tạo điều kiện sớm phát triển đội ngũ môi giới chuyên nghiệp. Cụ thể, Hội cần nhanh chóng xây dựng và đề xuất bộ khung giáo trình quốc gia về nghề môi giới BĐS thống nhất trong cả nước và ngân hàng câu hỏi thi cấp Chứng chỉ hành nghề quốc gia, đảm bảo chất lượng đồng đều, công bằng giữa các địa phương khi sát hạch.
Ngoài ra, Hội xây dựng hệ thống nền tảng công nghệ thông tin để liên thông dữ liệu định danh môi giới, quản lý thông tin nhà môi giới và dữ liệu cấp chứng chỉ hành nghề. Những môi giới BĐS trong nỗ lực dài hạn cần được cấp chứng chỉ hành nghề. Đó chính là mã số chứng chỉ hành nghề hay còn được gọi là mã số định danh môi giới. Mã số này sẽ giúp gia tăng sự minh bạch và bảo đảm quyền lợi khách hàng trong mỗi hoạt động giao dịch.
Từ bước đi này, thị trường BĐS sẽ dần tiến đến sự minh bạch mã số định danh trong hồ sơ hành nghề của môi giới, để tất cả các bên bao gồm khách hàng, công ty, các cơ quan chức năng có thể dễ dàng theo dõi và có các biện pháp chế tài cần thiết để đảm bảo chất lượng giao dịch và quyền lợi cho khách hàng, nâng cao chất lượng hoạt động môi giới.