Bình Định: Đối phó với nguy cơ cháy rừng

Từ tháng 5 đến tháng 8 là cao điểm mùa khô - “mùa cháy rừng” ở Bình Định. Công việc của các kiểm lâm viên vì thế cũng vất vả hơn những dịp khác. Chi cục Kiểm lâm đang thường xuyên cử cán bộ bám sát địa bàn, phối hợp với chủ rừng và nhân dân phòng cháy chữa cháy rừng.

Lấy phòng làm chính

“Thường là từ tháng 5 đến tháng 8, tại Bình Định nắng nóng, cũng là mùa cao điểm cháy rừng. Những ngày này, nhiệm vụ phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) được đặt lên hàng đầu trong công tác quản lý bảo vệ rừng”, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Định Lê Văn Vinh cho biết.

Diễn tập phòng chống cháy rừng. Ảnh: Hoàng Hải - TTXVN

Thành phố Quy Nhơn và huyện Tuy Phước nằm phía Đông Nam của tỉnh Bình Định có 34 phường, xã, thị trấn. Trong đó, 25 phường, xã, thị trấn có rừng và đất lâm nghiệp. Diện tích đất lâm nghiệp là 55.000 ha. Theo Hạt trưởng Hạt kiểm lâm liên huyện Tuy Phước - TP Quy Nhơn Trần Duy An, nguyên nhân dẫn đến hầu hết các vụ cháy rừng ở địa phương đều do con người, vì người dân sống gần rừng, ven rừng và đời sống chủ yếu dựa vào rừng nên gây áp lực cho rừng. Chính vì thế, trong PCCCR, lực lượng kiểm lâm ưu tiên hàng đầu là tuyên truyền cho người dân ý thức bảo vệ rừng và PCCCR. Kinh nghiệm trong PCCCR của Hạt kiểm lâm Tuy Phước - TP Quy Nhơn là lấy “phòng” làm chính. Nhờ vậy, trong mấy tháng đầu năm, ở hai địa bàn này đã xảy ra hai vụ cháy nhưng nhờ những biện pháp kịp thời, thiệt hại về rừng không đáng kể, tuy nhiên, nguy cơ cháy rừng trong thời gian tới vẫn rất cao.

Phó Chi cục trưởng Lê Văn Vinh cho biết, hiện Chi cục kiểm lâm đã hoàn tất mọi kế hoạch PCCCR. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành kế hoạch PCCCR trên phạm vi toàn tỉnh. Các biển pa nô, cảnh báo nguy cơ cháy rừng được củng cố và sửa sang. Sở chỉ huy và Ban PCCCR các cấp tỉnh, huyện, xã, các tổ đội dưới cơ sở được kiện toàn. Chi cục đã vừa tổ chức diễn tập PCCCR tại 3 huyện: Tây Sơn, Phù Cát, Hòa Nhơn. Tăng cường công tác tuyên truyền về nguy cơ cảnh báo cháy rừng…

Chủ rừng bắt tay người dân phòng cháy

Bên cạnh lực lượng kiểm lâm, nhiều công ty lâm nghiệp cũng rất quan tâm và tích cực tham gia PCCCR. Theo đại diện Xí nghiệp Lâm nghiệp Pisico (Tổng Công ty sản xuất đầu tư dịch vụ xuất nhập khẩu Bình Định), việc phòng cháy được làm ngay từ khâu quản lý phân loại rừng. Xí nghiệp này trực tiếp ký hợp đồng với các xã. Đích thân Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch xã đứng ra ký Dự án quản lý bảo vệ rừng với doanh nghiệp.

Pisico có các tổ quản lý bảo vệ tổng cộng 37 người đến trực tiếp địa bàn, cùng địa phương hàng ngày tuần tra, kiểm soát, vận động bà con tham gia phòng chống cháy rừng. Ở những nơi trọng điểm, có nguy cơ cháy cao, xí nghiệp làm chòi canh lửa để quan sát.

Ngoài ra, mỗi xã có một đội tự quản PCCCR do xã lập ra, gồm dân quân, công an xã... khoảng 200 người. Khi xảy ra cháy, lực lượng chính chữa cháy trực tiếp là đội chuyên trách phòng cháy chữa cháy rừng của doanh nghiệp và có huy động thêm sự tham gia của đội bảo vệ rừng.

“Xí nghiệp xác định công tác quản lý bảo vệ rừng phải đặt lên hàng đầu, quan trọng nhất là quản lý phân loại, phòng cháy chữa cháy. Hàng năm, xí nghiệp chi trên 200 triệu đồng cho việc bố trí phương tiện, dụng cụ… cho công tác phòng cháy chữa cháy rừng. Vài năm trở lại nay, nhờ hợp đồng với xã nên người dân tham gia canh rừng với doanh nghiệp đã tốt hơn trước”, ông Phan Tấn Đạt - Phó Giám đốc Xí nghiệp Pisico cho biết.

Trong quá trình PCCCR của doanh nghiệp, kiểm lâm luôn sát cánh. Theo lãnh đạo Pisico, kiểm lâm thường xuyên nhắc nhở, kiểm tra việc thực hiện của doanh nghiệp. Quy chế phối hợp giữa xí nghiệp với hạt kiểm lâm được thực hiện chặt. Những cuộc họp dân ở những thôn có rừng đều có kiểm lâm hỗ trợ.

“Khi thuê các hộ dân trồng rừng, trong hợp đồng có cam kết với dân để gắn trách nhiệm bảo vệ rừng. Xí nghiệp cung cấp phương tiện, quần áo bảo hộ. Khi có cháy, xí nghiệp huy động ngày công lao động để chữa cháy, trả công ngày 120 ngàn đồng/người. Cứ 2 tiếng đồng hồ được tính là 1 buổi. Nửa tiếng đồng hồ cũng tính cho họ. Làm thế, khi có cháy, cần huy động người dân tham gia ngay”, ông Đạt nói.

Cùng với các biện pháp kiểm tra phương án, kế hoạch của các đơn vị chủ rừng, kiểm lâm còn hướng dẫn đồng bào các nơi sản xuất nương rẫy cách dọn thực bì, cách đốt để tránh chuyện khi họ làm rẫy, bị cháy lan: “Trong quá trình thực hiện PCCCR, tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, góp phần làm giảm thiệt hại về môi trường, kinh tế - xã hội do cháy rừng gây ra”, đại diện lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Bình Định cho biết.

Mạnh Minh


Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN