Bệnh viện Đa khoa Hoà Bình cứu sống ca bệnh Whitmore nguy kịch

Khi đi cày, bệnh nhân B.V.Q (53 tuổi ở Tân Lạc, Hoà Bình) bị một chiếc cọc ở ruộng xuyên vào bàn chân, vết thương sâu tạo điều kiện cho vi khuẩn Whitmore xâm nhập và nhiễm trùng vào máu, gây suy đa tạng, hoại tử bàn chân.

Theo bà Bùi Thị Thơm (vợ của bệnh nhân), trong lúc đi làm ngoài đồng, ông Q. đã bị cọc tre nhọn ở bờ ruộng đâm vào bàn chân. Vết thương sâu, rộng, khiến bàn chân sau đó nhiễm khuẩn và hoại tử. Ông Q. đã điều trị 1 tuần ở nhà bằng kháng sinh, nhưng bệnh tiến triển nặng hơn. Khi nhập viện đã trong tình trạng suy đa phủ tạng, với biểu hiện hôn mê sâu, suy hô hấp, phải thở bằng máy, huyết áp không đo được phải dùng nhiều thuốc co mạch để nâng huyết áp...

Chia sẻ với phóng viên báo Tin tức, TS. Bác sĩ Hoàng Công Tình cho biết: Vi khuẩn gây bệnh Whitmore không phải vi khuẩn ăn thịt người. Ngoài việc nhanh chóng lấy bệnh phẩm (máu và mủ vết thương) nuôi cấy tìm vi khuẩn, bệnh nhân được sử dụng kháng sinh phối hợp phổ rộng, trong đó có kháng sinh đặc trị Whitmore. Ngoài ra, bệnh nhân được hô hấp nhân tạo bằng máy thở; lọc máu liên tục để đảo thải các cytokine, điều chỉnh rối loạn nước-điện giải và toan-kiềm; nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch và chăm sóc toàn diện.

"Hiện tại, toàn trạng bệnh nhân tiến triển tốt. Các tạng suy đã có dấu hiệu hồi phục, đã giảm được liều thuốc co mạch. Chúng tôi hy vọng, bệnh nhân sẽ được cứu sống", Bác sĩ Tình cho hay.

Theo BS. Hoàng Công Tình, trong 2 năm trở lại đây, đã ghi nhận 5 bệnh nhân mắc vi khuẩn Whitmore tại tỉnh Hoà Bình, hầu hết các bệnh nhân đều đến bệnh viện trong tình trạng nặng vì không biết mắc bệnh này.

"Rất may chúng tôi đều tìm được nguyên nhân và điều trị đúng phác đồ, cứu sống được người bệnh. Với các bệnh nhân mắc Whitmore ngay khi nhập viện phải lập tức sử dụng kháng sinh đặc hiệu để điều trị. Vi khuẩn Whitmore gây ra bệnh truyền nhiễm nhưng lây theo đường máu, một phần qua đường không khí nhưng rất ít. Với những ai tiếp xúc với bùn đất và có vết thương trầy xước thì mới có yếu tố nguy cơ, còn người khoẻ mạnh không có vết xây xát khi tiếp xúc với bùn đất và có đồ bảo hộ lao động thì không có nguy cơ mắc bệnh. Trong số các bệnh nhân đã từng mắc bệnh điều trị tại Bệnh viện, tất cả các trường hợp đều có vết thương trên người và đã tiếp xúc với bùn đất", bác sĩ Hoàng Công Tình cho biết.

BS. Hoàng Công Tình cũng khuyến cáo: Với người dân lao động trên đồng ruộng, bùn đất cần có đồ bảo hộ lao động, tránh để các vết trầy xước tiếp xúc với bùn đất để vi khuẩn Whitmore không có cơ hội xâm nhập vào cơ thể. Trong điều trị, các bác sĩ sẽ hoàn toàn dựa vào yếu tố dịch tễ, khi không có vết thương, trầy xước, không có nhiễm khuẩn tại chỗ, không tiếp xúc bùn đất thì người dân yên tâm không thể mắc vi khuẩn Whitmore và không phải dùng thuốc dự phòng.

Một số hình ảnh của bệnh nhân:

 

Chú thích ảnh
Bệnh nhân B.V.Q đang được các bác sĩ chăm sóc tận tình.
Chú thích ảnh
Bệnh nhân được lọc máu liên tục để loại bỏ các chất độc cytokine,
cân bằng nước, điện giải trong cơ thể.
Chú thích ảnh
Xét nghiệm máu và mủ vết thương của bệnh nhân được nuôi cấy và cho kết quả dương tính với vi khuẩn Whitmore.
Chú thích ảnh
Vết thương của bệnh nhân sau khi chiếu tia Plasma luôn được các bác sĩ kiểm tra kỹ lưỡng.

 

Nhị Nguyên/Báo Tin tức
Chuyên gia y tế khuyến cáo cách phòng tránh bệnh Whitmore
Chuyên gia y tế khuyến cáo cách phòng tránh bệnh Whitmore

Vụ hai cháu bé trong một gia đình ở Hà Nội tử vong do bệnh Whitmore vừa qua đang khiến nhiều người dân hoang mang, lo sợ căn bệnh nguy hiểm này có khả năng lây nhiễm từ người sang người và gây thành dịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN