TP Hồ Chí Minh hiện có hơn 31.000 bệnh nhân nhiễm HIV đang điều trị tại các Khoa Tham vấn hỗ trợ cộng đồng, trực thuộc 24 Trung tâm Y tế quận, huyện. Tuy nhiên sắp tới, khi nguồn viện trợ quốc tế rút đi, các bệnh nhân nhiễm HIV bắt buộc phải chuyển sang điều trị do Bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán, các cơ sở điều trị này lại loay hoay chưa tìm được phương án khả thi.
Đùn đẩy trách nhiệm, bệnh nhân HIV “bơ vơ” Dù là địa phương có số lượng bệnh nhân nhiễm HIV ít nhất TP Hồ Chí Minh nhưng đến thời điểm này 112 bệnh nhân HIV đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ đang có nguy cơ rơi vào cảnh “bơ vơ”, không có nơi điều trị. Theo bác sỹ Phạm Thị Kim Hoa, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ, từ trước đến nay, việc điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV do Khoa Tham vấn hỗ trợ cộng đồng thuộc Trung tâm Y tế huyện phụ trách, Bệnh viện huyện Cần Giờ hỗ trợ việc xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh cận lâm sàng… Tuy nhiên, khi chuyển sang điều trị theo Bảo hiểm y tế, đơn vị này không có chức năng khám chữa bệnh và không thể ký hợp đồng với Bảo hiểm xã hội.
Tìm phương án tổ chức điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV do Bảo hiểm y tế thanh toán. Ảnh: Phương Vy/TTXVN |
Theo hướng dẫn của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ đã gửi hồ sơ xin thành lập Phòng khám đa khoa nhưng Trung tâm này không có bác sỹ chuyên khoa ngoại, không có bác sỹ chẩn đoán hình ảnh, do vậy không đủ điều kiện để thành lập Phòng khám đa khoa. Trước những khó khăn đó, Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ đã đề nghị chuyển toàn bộ 112 bệnh nhân sang điều trị tại Bệnh viện huyện Cần Giờ.
Theo lộ trình đến tháng 12/2017, khoảng 1/3 bệnh nhân sẽ được chuyển trước và đến quý II năm 2018 sẽ chuyển tất cả các bệnh nhân HIV. Mặc dù đã thống nhất từ 2 tháng trước nhưng đến nay sự việc vẫn “án binh bất động” do phía Bệnh viện huyện Cần Giờ chưa triển khai điều trị cho bệnh nhân HIV và cũng không cử bác sỹ sang Trung tâm Y tế huyện để được hướng dẫn cách thức điều trị.
Tương tự, Trung tâm Y tế Quận 1, nơi đang điều trị cho 1.200 bệnh nhân nhiễm HIV cũng gặp khó khăn khi không thể thành lập Phòng khám đa khoa để điều trị theo Bảo hiểm y tế. Theo Bác sỹ Nguyễn Văn Thể, Giám đốc Trung tâm Y tế Quận 1, để thành lập Phòng khám đa khoa theo quy định có quá nhiều điều kiện phải đáp ứng đủ như: cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự, giấy phép hành nghề của bác sỹ, có đủ các chuyên khoa, an toàn bức xạ, xử lý chất thải…trong khi đa số các Trung tâm Y tế quận, huyện hiện nay đa phần không đáp ứng đủ các điều kiện này.
Không quá khó khăn như các đơn vị trên, do chuẩn bị sớm nên đến nay, Trung tâm Y tế quận Gò Vấp đã có được giấy phép thành lập Phòng khám đa khoa. Song, việc Phòng khám có vận hành hay không còn phải chờ Bảo hiểm xã hội Việt Nam cấp mã số khám bệnh. “Chúng tôi đã làm hồ sơ gửi Bảo hiểm xã hội Việt Nam hơn 1 tháng trước nhưng không biết đến bao giờ mới nhận được mã số khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế để triển khai công tác khám chữa bệnh”, Bác sỹ Nguyễn Trung Hòa, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Gò Vấp băn khoăn.
Linh động chuyển hướng điều trị Để tháo gỡ vướng mắc, bà Tiêu Thị Thu Vân, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS TP Hồ Chí Minh cho hay, các quận, huyện có thể tìm phương án phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Bà Vân đưa ra một số mô hình có thể triển khai trong thời gian tới như: Thành lập Phòng khám đa khoa tại các Trung tâm Y tế quận, huyện, trực tiếp ký hợp đồng khám chữa bệnh ban đầu với Bảo hiểm xã hội.
Ưu điểm của mô hình này là sử dụng được đội ngũ nhân sự điều trị có kinh nghiệm từ trước đến nay, trong khi bệnh nhân được tiếp tục sử dụng dịch vụ tại cơ sở cũ, hạn chế tình trạng bỏ trị và kháng thuốc. Bên cạnh đó, các phòng khám này còn có thể lồng ghép hoạt động điều trị HIV với các bệnh khác như Lao, điều trị Methadone cho người nghiện ma túy… Tuy nhiên, việc xin giấy phép, cấp mã số Bảo hiểm y tế cần nhiều điều kiện và thời gian.
Phương án thứ hai mà các trung tâm y tế quận, huyện có thể áp dụng là chuyển toàn bộ bệnh nhân sang các bệnh viện tuyến quận, huyện. Tuy nhiên, mô hình này sẽ gây áp lực lớn cho bệnh viện bởi có những quận có số lượng bệnh nhân lên đến hơn 2.000 người.
Ngoài ra, mô hình này cũng bất cập khi đội ngũ bác sỹ bệnh viện quận, huyện chưa có kinh nghiệm trong điều trị HIV, dẫn đến vấn đề theo dõi bệnh nhân để không bỏ trị giữa chừng dường như bị bỏ ngỏ. Phương án thứ 3 theo bà Vân khả thi hơn cả là thành lập phòng khám chuyên khoa điều trị HIV trực thuộc các bệnh viện quận, huyện. Theo đó, các phòng khám này sẽ thông qua bệnh viện quận, huyện để được điều trị cho bệnh nhân HIV.