Mạng xã hội có thể giúp trẻ học hỏi, tìm kiếm thông tin hữu ích nhưng trẻ cũng dễ gặp những cạm bẫy, lừa đảo, bị xâm hại và khi bị cuốn vào gây nghiện dẫn đến những hậu quả khó lường.
Rình rập cạm bẫy từ môi trường ảo
Tại Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 (Tổng đài), những ca tư vấn, hỗ trợ trẻ em khi gặp hậu quả sử dụng mạng xã hội cũng gia tăng trong 3 năm trở lại đây. Điển hình như vụ việc của em gái tên M, 15 tuổi, ở Bình Phước, có quen một người bạn qua mạng. Em M chia sẻ với nhân viên Tổng đài: “Em không biết nhiều về anh ấy, chỉ biết số điện thoại, sau đó em đã gặp người bạn này và có quan hệ tình dục. Anh ta đã quay video clip lại và tống tiền em 5 triệu đồng, mặt khác còn đe dọa và bắt em livestream việc em thủ dâm, nếu không anh ta sẽ tung clip hai người quan hệ lên mạng. Em rất lo sợ và không biết xử lý vấn đề này như thế nào vì em không biết nhà anh ấy ở đâu”.
Hoặc trường hợp trước đó, người mẹ tên N gọi đến Tổng đài cho biết: “Tôi có con gái 15 tuổi đang có thai 12 tuần. Con gái tôi có quen biết với 1 thanh niên 25 tuổi cùng huyện qua Facebook, thường xuyên ở lại gia đình người bạn trai. Hiện vợ chồng tôi đã ly dị và con gái đang ở với tôi nhưng mối quan hệ mẹ con không hòa hợp. Khi đi khám ở bệnh viện, bác sĩ sản khoa cho biết nếu phá thai sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của cháu”, chị N chia sẻ.
Tuy nhiên để đảm bảo cho tương lai của trẻ, chị N vẫn quyết định cho con đi phá thai. Chị N mong muốn đưa sự việc ra pháp luật, cậu thanh niên phải bị xử lý về tội xâm hại tình dục. Trong khi đó, con chị N lại phản đối mẹ và muốn giữ bí mật sự việc.
Gần đây nhất là em T (sinh năm 2006) ở Phú Yên gọi điện đến Tổng đài 111 chia sẻ, vào cuối tháng 12 năm 2021, em T bị một người mới quen mượn tiền qua mạng, nhưng không trả tiền, sau đó người này yêu cầu em quay các video về các bộ phận trên cơ thể mới trả. Vào ngày 25/1/2022, em phát hiện các video trên được chia sẻ trên các mạng xã hội, nên đang rất lo lắng. Em T đã có ý định dùng dao cắt tay nhưng sau đó dừng lại. Bố mẹ em T vẫn chưa biết chuyện, em mong Tổng đài 111 hỗ trợ ngăn các clip phát tán và xử lý những người đã lừa em. Em đã có trình báo sự việc lên cơ quan công an đề nghị khóa các trang mạng xã hội.
Clip ông Nguyễn Việt Dũng, chuyên viên Tổng đài 111 chia sẻ các hình thức xâm hại qua mạng:
Sau khi nghe chia sẻ, Tổng đài 111 đã kết nối A05 - Bộ Công an đề nghị hỗ trợ và kết nối với bố mẹ trẻ để hướng dẫn cách chăm sóc và hỗ trợ tâm lý cho trẻ. Đại diện A05 cho biết các trường hợp share video trên ứng dụng telegram, hiện tại Công an Việt Nam chưa can thiệp được. Về website có đăng video của cháu T được đăng ký ở nước ngoài và người đăng ký ẩn danh nên cũng không can thiệp được. Tuy nhiên A05 sẽ làm việc để ngăn chặn việc truy cập trang web này từ Việt Nam.
Bà Lê Thị Thảo, Phó trưởng Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 cho biết, đây là trong số hàng trăm vụ việc đã gọi đến Tổng đài 111 trong hơn 2 năm qua xin tư vấn và can thiệp. “Trong ba năm trở lại đây, trẻ em tiếp cận và sử dụng mạng xã hội ngày càng nhiều hơn. Việc học online và giải trí trên mạng gia tăng và đi kèm nguy cơ trẻ em bị xâm hại trên môi trường. Số liệu thống kê qua Tổng đài 111 cho thấy, tính từ năm 2020 đến nay, trẻ em và người lớn chăm sóc trẻ gọi đến để trao đổi về những cái trường hợp trẻ bị xâm hại trên mạng có xu hướng tăng. Năm 2020, tỷ lệ trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng chiếm khoảng hơn 2 % trong số những cái cuộc gọi tư vấn và can thiệp chuyên sâu. Đến năm 2021, tỷ lệ này chiếm khoảng 3,5 % và trong sáu tháng đầu năm 2022 thì tỷ lệ này đã được hơn 4 %”, bà Lê Thị Thảo đánh giá.
Những phản ứng tiêu cực
Gần đây, sau một thời gian dài trẻ nghỉ dịch COVID-19, học trực tuyến tại nhà, Khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương, liên tục tiếp nhận điều trị các trẻ mắc rối loạn tâm thần có nguyên nhân từ việc sử dụng mạng xã hội. Nhiều trường hợp nhẹ chỉ cần can thiệp tư vấn nhưng cũng có nhiều trường hợp nặng, thậm chí trẻ có hành động trầm cảm, tự tử.
TS.BS Ngô Anh Vinh, Phó trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “Sau dịch COVID-19, số lượng trẻ đến khám các bệnh về tâm thần có liên quan đến mạng xã hội tăng lên, thậm chí một số ca khá nghiêm trọng. Nhiều trẻ phải điều trị tại bệnh viện liên quan đến nghiện mạng xã hội; với những bệnh cảnh khá đặc biệt. Một số trường hợp trẻ vào viện khi đã có hành động tự tử”.
Đơn cử như trường hợp có trẻ sử dụng mạng xã hội quá nhiều trong thời gian nghỉ dịch, bố mẹ không muốn con sử dụng mạng xã hội nhiều nên đã cấm đoán trẻ dùng điện thoại; trẻ đã phản ứng rất gay gắt. Khi người mẹ không thuyết phục được con, đã đánh con và trẻ đã uống thuốc ngủ tự tử. Rất may, trường hợp này được phát hiện và đưa tới bệnh viện cấp cứu kịp thời.
Có trẻ vì bố mẹ lắp camera giám sát việc chơi game, sử dụng mạng xã hội nên có phản ứng dùng khăn đỏ để thắt cổ tự tử.
Các trường hợp trên cho thấy, nghiện mạng xã hội để lại hậu quả rất lớn với trẻ, nhất là trẻ vị thành niên, khi trẻ đang có sự phát triển mạnh mẽ về thể chất và tinh thần. Theo TS.BS Ngô Anh Vinh, việc nghiện mạng xã hội ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển thể chất như: Trẻ bỏ ăn uống, không ngủ thậm chí chơi game, sử dụng mạng thâu đêm suốt sáng dẫn tới cơ thể gầy gò, ốm yếu, suy kiệt; mệt mỏi, bơ phờ… Trẻ còn có thể có một số biểu hiện về mặt tâm lý, tâm thần như: Bị rối loạn cảm xúc, hay cáu gắt, mệt mỏi, hay buồn ngủ, thờ ơ với mọi thứ xung quanh. Một số trường hợp nặng, tình trạng nghiện mạng xã hội kéo dài, có thể dẫn tới rối loạn tâm thần như: Lo âu, trầm cảm… lúc đó việc điều trị sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Hầu hết các trẻ nghiện mạng xã hội, sử dụng mạng thâu đêm suốt sáng hay bị rối loạn giấc ngủ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trí nhớ, việc học tập sa sút, dễ bỏ học, trốn học…
Một số trường hợp trẻ xem các nội dung trên mạng xã hội nhiều nên các hình ảnh, thông tin đó sẽ tác động đến tâm lý của trẻ; nhiều trẻ bắt chước theo các hành động trên mạng; học theo những hành động kích động, bạo lực, thậm chí có thể liên quan tới các vụ án hình sự.
Đặc biệt, với trẻ vị thành niên, độ tuổi trẻ đang muốn khám phá thế giới xung quanh, rất thích sử dụng mạng xã hội và xem đó như người bạn gần gũi, tri kỷ. Nhất là trong giai đoạn trẻ nghỉ dịch ở nhà, trẻ độ tuổi vị thành niên thường đã ở phòng riêng, thời gian ở trong phòng nhiều khiến trẻ sử dụng mạng xã hội nhiều hơn, dần dần khăng khít như người bạn, trẻ có thể sử dụng bất cứ lúc nào nên việc kiểm soát, giám sát rất khó.
Sau khi hết giai đoạn nghỉ dịch, trẻ quay lại cuộc sống bình thường nhưng nhiều trẻ đã lệ thuộc vào mạng xã hội thành thói quen. Thậm chí, một số trường hợp đã bị nghiện mạng xã hội, có những rối loạn về cả thể chất, tâm thần; nhiều trẻ khó có thể hòa nhập với xã hội, với cuộc sống.
Bài 2: Đồng hành, lắng nghe của cha mẹ, thầy cô