Những dấu hiệu nhận biết
BS. Ngô Anh Vinh, Phó trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: "Hiện Tổ chức y tế thế giới (WHO) đã xem nghiện mạng xã hội, nghiện game là một bệnh lý tâm thần với hậu quả nặng nề ảnh hưởng đến tâm thần, thể chất, chất lượng sống của trẻ. Hậu quả lâu dài trẻ mất hòa nhập với cộng đồng, xã hội".
"Tuy nhiên, hiện nay nhiều phụ huynh cũng chủ quan, chưa ý thức được rõ ràng về vấn đề nghiện mạng xã hội, những hậu quả, tác động như thế nào. Do vậy, cơ quan chức năng cần có những cảnh báo sớm, hướng dẫn để các bậc phụ huynh biết cách nhận biết trẻ nghiện mạng xã hội, biết cách phòng ngừa để giúp trẻ sử dụng một cách hợp lý, tránh rơi vào tình trạng nghiện", BS Ngô Anh Vinh đề xuất.
Theo đó, các dấu hiệu điển hình để nhận biết trẻ có nghiện mạng xã hội gồm: Trẻ không có khả năng kiểm soát mức độ sử dụng mạng (có thể sử dung ở bất cứ đâu, bất cứ nơi nào, tuần suất liên tục, không có giới hạn thời gian thậm chí sử dụng cả ngày); trẻ liên tục thường trực điện thoại, máy tính trên tay; trẻ luôn ưu tiên cho việc sử dụng mạng xã hội, bỏ bê những thứ xung quanh; tiếp tục sử dụng ngày càng nhiều, bất chấp hậu quả, mặc dù bố mẹ khuyên bảo nhưng trẻ phớt lờ…
Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Viện nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững MSD cho rằng: “Internet bây giờ đã trở thành một phần của cuộc sống. Do đó, bên cạnh những lợi ích mà internet mang lại thì trẻ em cũng sẽ gặp rất nhiều rủi ro trên môi trường mạng. Qua đại dịch COVID-19 vừa qua, trẻ em ở nhà dùng internet để học trực tuyến đã làm thay đổi nhiều thói quen và phương pháp sử dụng internet ở trẻ em. Trẻ em tiếp xúc mạng xã hội sớm từ 6-7 tuổi và thời gian từ 1-2 tiếng lên 6-7 tiếng mỗi ngày.
“Độ tuổi của trẻ chưa đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết để có thể sử dụng internet thông minh và an toàn. Những rủi ro trên môi trường mạng ngày càng nhiều, đa dạng và không lường hết được. Nếu như trước đây, những rủi ro trên internet thường được nhắc đến như: Mất thông tin cá nhân khiến các em có thể bị lừa đảo, hay bị bắt nạt ở trên mạng thì bây giờ có rất nhiều rủi ro như nội dung độc hại, sai lệch. Tiếp đó, nếu trẻ em không đủ tỉnh tháo và nhận thức đúng thì các em có thể bắt chước và kéo theo ảnh hưởng đến cả thể chất và tinh thần.
Theo Tổng đài 111, số lượng trẻ em có thể là nạn nhân tình trạng xâm hại trên mạng tăng cao gần đây là hồi chuông cảnh tỉnh về việc phải xây dựng những thói quen, phương pháp giáo dục, phòng ngừa mới để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng một cách an toàn, thích ứng với cái sự thay đổi của thời đại”, bà Nguyễn Phương Linh chia sẻ.
Sự đồng hành của cha mẹ và nhà trường
Theo BS. Ngô Anh Vinh, khi thấy trẻ sử dụng mạng quá mức, cha mẹ cần đặt các câu hỏi như: Mạng xã hội có ảnh hưởng đến học tập, thời gian học tập, khả năng tập trung vào các mục tiêu học tập của trẻ hay không? Nếu trẻ sử dụng mạng xã hội nhưng kết quả học tập vẫn tốt, giờ giấc học tập đảm bảo, thì có thể yên tâm. Nhưng ngược lại trẻ có biểu hiện như hay đi học muộn, học lực sụt giảm bất ngờ, không muốn làm bài tập, thì đó là dấu hiệu đáng báo động. Cha mẹ cũng cần để ý trẻ có biểu hiện khác ở các mối quan hệ với gia đình không như: Trẻ không muốn quan tâm đến ai, không muốn nói chuyện với ai, thu mình trong phòng kín; hay tâm trạng của trẻ thay đổi bất thường…
Tuy nhiên, bác sĩ cũng lưu ý, với trẻ vị thành niên, cha mẹ cần có sự giám sát đúng mức, tôn trọng sự riêng tư của trẻ, tránh giám sát quá mức. Có một số trẻ, bố mẹ giám sát quá mức khiến trẻ có những phản ứng chống đối một cách mãnh liệt.
Cha mẹ cần biết cách đưa ra lời khuyên với con, để con biết cách phòng ngừa, không bị nghiện khi sử dụng mạng xã hội. Trong cơ chế về nghiện mạng xã hội, khi trẻ sử dụng quá mức thì não bộ sẽ giải phóng ra các hoocmone nội sinh giúp trẻ khoan khoái, dễ chịu; càng dùng nhiều trẻ càng cảm thấy dễ chịu, các màu sắc, hình ảnh trong các trò chơi, bộ phim khiến trẻ càng bị cuốn vào, chìm đắm trong thế giới có màu sắc riêng đó; càng ngày các loại hoocmone này sản xuất ra càng nhiều khiến trẻ khó cưỡng lại việc sử dụng mạng xã hội.
“Dựa vào cơ chế này, cần có kế hoạch chiến lược giúp trẻ cai mạng xã hội hoặc sử dụng một cách hiệu quả; chứ không phải cứ đưa ra hành động cấm đoán, áp đặt trẻ; hậu quả trẻ phản kháng có thể dẫn tới những sự việc đau lòng. Nhất là ở tuổi vị thành niên, việc không tôn trọng, áp đặt, phán xét trẻ là một nguyên tắc cư xử không đúng với độ tuổi này. Cha mẹ cần dành nhiều thời gian tâm sự với trẻ, nói rõ cho trẻ hiểu về những tác hại lâu dài của nghiện mạng xã hội; bố mẹ giám sát đúng mức; phát hiện sớm các dấu hiệu; hiểu được tâm tư, nguyện vọng của trẻ để có điều chỉnh phù hợp”, BS. Ngô Anh Vinh khuyến cáo.
Theo đó, nếu sử dụng mạng xã hội đúng mục tiêu, đúng thời điểm, vừa phải thậm chí còn có ích cho trẻ, đặc biệt với trẻ vị thành niên đang cần tìm hiểu kiến thức xã hội. Bố mẹ và trẻ cần thảo luận để đưa ra mục tiêu sử dụng mạng xã hội hợp lý, phù hợp lứa tuổi.
“Trẻ đã thành thói quen dùng mạng rất nhiều trong thời gian nghỉ dịch nên sau dịch là lúc này trẻ cần được hoạt động thể chất. Những thời gian rảnh của trẻ, trẻ cần được hoạt động thể chất lành mạnh như: Tập thể thao, đi dã ngoại, tham gia các hoạt động tập thể, các hoạt động có ích, làm việc nhà giúp cha mẹ để tránh những thời gian rảnh này, trẻ có điều kiện để sử dụng mạng” BS. Ngô Anh Vinh tư vấn.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng cần phối hợp với gia đình để cảnh báo các hậu quả, tác hại do sử dụng mạng xã hội. Nhà trường cũng nên có các hoạt động, sân chơi lành mạnh để trẻ được hoạt động ngoài thời gian học tập. Các hoạt động tập thể sẽ giúp trẻ hòa đồng hơn với mọi người, cải thiện các mối quan hệ xã hội, để tách dần với mạng xã hội.
Đặc biệt, nếu trẻ có các dấu hiệu nghiện mạng xã hội như cảnh báo ở trên, thì cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế, gặp bác sĩ tâm lý để được đưa ra chẩn đoán đúng đắn, can thiệp phù hợp nhất với trẻ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Việt Dũng, chuyên viên Tổng đài 111 cho biết, sau khi hỗ trợ cho trẻ ổn định tâm lý thì chuyên viên Tổng đài sẽ hỏi trẻ hoặc bố mẹ trẻ về những mong muốn, nguyện vọng. Tuỳ vào trường hợp cụ thể, chúng tôi sẽ có tư vấn hỗ trợ. Chúng tôi có một mạng lưới về bảo vệ trẻ em như kết nối tới cơ quan công an để xác minh, hỗ trợ bảo vệ kịp thời an toàn cho trẻ.
“Từ những ca tư vấn đã thực hiện cho trẻ em bị xâm hại từ môi trường mạng, chúng tôi cho rằng phụ huynh cũng phải có kỹ năng sử dụng mạng internet an toàn và hướng dẫn cách mà cha mẹ tương tác với con cái để giảm thiểu tình trạng mà trẻ em tiếp xúc nhiều trên mạng internet. Khi mà tương tác giữa cha mẹ và các em tốt thì những cái khó khăn mà các em gặp phải sẽ chia sẻ và từ đó có hướng giải quyết và có thể nhờ cơ quan chức năng hỗ trợ kịp thời cho các em”, ông Nguyễn Việt Dũng chia sẻ.
Trong quá trình bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, Viện MSD và các tổ chức xã hội tập trung vào đến phòng ngừa. Bảo vệ trẻ em có ba cấp độ: Phòng ngừa, can thiệp và hỗ trợ. “Để trẻ em không trở thành nạn nhân của những rủi ro trên môi trường mạng, khâu phòng ngừa đóng vai trò quan trọng. Trong đó, chúng ta tập trung vào việc giáo dục trẻ em, để trẻ em trở thành những công dân số có trách nhiệm. Trẻ em cần có kỹ năng để bảo vệ bản thân, bảo vệ thông tin cá nhân, cả gia đình, bạn bè. Người đồng hành cho quá trình này chính là gia đình và nhà trường. Chúng tôi đã xây dựng chương trình hỗ trợ giáo viên và nhà trường hướng dẫn trẻ sử dụng internet thông minh và an toàn”, bà Nguyễn Phương Linh cho biết.
“Chúng tôi không khuyên cha mẹ kiểm soát vì không thể kiểm soát một cách thái quá nhưng cũng cũng không thờ ơ mà hãy đồng hành cùng con em mình. Cha mẹ mỗi ngày đều có thể hỏi han và dành thời gian cho con để xem hôm nay con sử dụng Internet thế nào? ra sao? có những vấn đề gì? có những rủi ro gì? mà cha mẹ là người sẵn sàng ở bên cạnh để hỗ trợ và giúp đỡ các em. Bản thân các mạng xã hội lớn như là Facebook hay là Tiktok cũng có quy định đối với cả người dùng là trẻ em. Nếu các em sử dụng chung tài khoản với bố mẹ, có nghĩa là các em sẽ tiếp cận luôn cả những cái cái thông tin dành cho người lớn, chưa phù hợp với độ tuổi. Do đó, người lớn hãy đọc hướng dẫn cộng đồng của những mạng xã hội khi có những tiêu chuẩn cộng đồng phù hợp”, bà Nguyễn Phương Linh cho biết.
Bên cạnh đó, các chương trình truyền thông để nâng cao nhận thức cho trẻ có vai trò quan trọng như suy nghĩ trước khi share thông tin; xử lý những tình huống khi bị bắt nạt, lấy thông tin trên mạng…. Qua đó, các chương trình rèn luyện cho các em ý thức, cách thức có thể sử dụng internet đúng theo những tiêu chuẩn. Khi đồng hành cùng các em có những kiến thức, kỹ năng đầy đủ giúp các em trở thành những công dân số.
Bài cuối: Cần vaccine số bảo vệ trẻ em