Con voi ngà lệch dẫn đầu đoàn voi khoảng 12 con thường xuyên kéo về phá rẫy của người dân huyện Định Quán trong đêm. Ảnh: TTXVN |
Voi thường xuyên kéo về ăn cây ăn trái, phá tài sản của người dân, đe dọa trực tiếp tính mạng, ảnh hưởng đến đời sống của những hộ dân sống ven rừng thuộc huyện Định Quán, Đồng Nai.
Dẫn chúng tôi vào khu rẫy trồng chuối và điều tại tổ 2, ấp 4, xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, ông Nguyễn Văn Khơi có rẫy hơn 2 ha điều và chuối ngao ngán: Sổ đất của gia đình được thế chấp ở ngân hàng để vay vốn trồng chuối trên khu rẫy khoảng 2ha.
Rẫy chuối đang chuẩn bị đến kỳ thu hoạch, gia đình đã ký hợp đồng bán toàn bộ cho thương lái. Thế nhưng sau một đêm, đàn voi rừng khoảng 12 cá thể kéo về dẫm nát và ăn sạch hơn 400 gốc chuối. Ngoài chuối, đàn voi còn kéo đổ và quật gãy rất nhiều cây điều, phá hỏng 2 thùng phuy đựng nước, nhiều đoạn đường ống nhựa và 12 m2 bạt.
Tương tự, tại rẫy của gia đình ông Đỗ Văn Đinh, thuộc ấp 5, xã Thanh Sơn, chỉ trong một đêm, đàn voi 6 cá thể kéo về phát nát toàn bộ 3 ha cây trồng. Trong đó, có 1.500 cây chuối sứ, 300 gốc tiêu, 20 cây mít 14 năm tuổi và nhiều tài sản khác như ống nước, dây tưới.
Ông Đinh Cao Hùng Vương, ngụ ấp 5 cho biết: Khoảng 21 giờ ngày 12/2/2017, một đàn voi 9 cá thể vào rẫy của ông dẫm nát 70 cây xoài Đài Loan 8 năm tuổi và phá, ăn sạch khoảng 2 tấn trái xoài chuẩn bị thu hoạch.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Định Quán đến khu vực rẫy của dân bị voi phá để thống kê thiệt hại. Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN |
Theo Hạt Kiểm lâm huyện Định Quán, từ đầu tháng 2/2017 đến nay đàn voi rừng liên tục kéo về phá hoại cây trái, hoa màu và tài sản của người dân sống gần bìa rừng.
Đến thời điểm này khoảng 28 hộ dân có cây trái và tài sản bị đàn voi phá. Ngoài cây trái, hoa màu, một số hộ dân còn bị đàn voi quật phá, làm đổ và hư hỏng chòi canh, bể đựng nước, lều bạt…
Ông Nguyễn Văn Chiểu, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Định Quán cho biết: Hạt đã tăng cường lực lượng tại một số đội để phối hợp với Tổ phản ứng nhanh cùng với người dân kịp thời ngăn chặn và hạn chế sự xung đột giữa voi và người.
Voi rừng thường kéo về phá rẫy của dân vào ban đêm, khoảng từ 21 giờ đến 3 giờ sáng hôm sau. Đàn voi rừng này có khoảng 12 – 15 cá thể gồm có cả voi trưởng thành và voi con.
Khi vào rẫy của dân, Tổ phản ứng nhanh sẽ xuống hiện trường cùng với người dân sử dụng đèn pha công suất lớn rọi thẳng vào voi, sau đó dùng loa, còi, đốt lửa để xua đuổi voi.
Lực lượng kiểm lâm cũng thường xuyên tuyên truyền và nhắc nhở người dân không sử dụng thuốc nổ, bắn điện và sử dụng các biện pháp xâm hại đến đàn voi. Đàn voi này mặc dù thường xuyên kéo về phá rẫy nhưng chúng khá hiền và chưa khi nào rượt đuổi đe dọa người dân.
28 hộ dân có rẫy bị voi phá chủ yếu thuộc địa bàn ấp 4 và ấp 5 xã Thanh Sơn. Đây là khu vực tiếp giáp giữa rừng tự nhiên và vườn rẫy nên voi thường xuyên kéo về tìm thức ăn.
Ông Nguyễn Văn Chiểu giải thích, nguyên nhân khiến đàn voi kéo về rẫy của dân những ngày qua là do vùng Đông Nam bộ đang vào đợt cao điểm của mùa khô. Cây trái và nhiều loại thức ăn trong rừng không đủ cung cấp cho voi do đó chúng di chuyển đến khu vực bìa rừng vào rẫy của dân tìm thức ăn.
Theo điều tra của Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), hiện trên cả nước chỉ có 3 địa phương còn các đàn voi châu Á sinh sống đó là Nghệ An, Đắk Lắk và Đồng Nai.
Riêng tại Đồng Nai, theo báo cáo điều tra tổng thể loài voi châu Á của các chuyên gia Việt Nam và Ấn Độ vào tháng 12/2001, số lượng voi ở khu vực Vườn Quốc gia Cát Tiên và các đơn vị phụ cận Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, Công ty Lâm nghiệp La Ngà có từ 15 - 20 cá thể. Đàn voi ở đây có cấu trúc đàn tốt, có khả năng sinh sản cao, trong đàn có các cá thể voi đực, voi cái và voi con.
Trước năm 2000, vùng hoạt động của đàn voi trên là khoảng 50.000 ha, chủ yếu tập trung ở Vườn Quốc gia Cát Tiên. Đến năm 2005, vùng hoạt động của voi chỉ thu hẹp ở diện tích 14.000 ha ở khu vực Tây Nam Vườn Quốc gia Cát Tiên.
Từ 2006 - 2009 các cuộc điều tra cho thấy, vùng hoạt động của voi ở khoảng 34.000ha và có chiều hướng voi đến gần các cánh rừng giáp khu dân cư sinh sống như các xã Mã Đà, Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu).
Từ năm 2012 đến nay, voi lại xuất hiện nhiều ở các khu vực rừng gần khu dân cư ở xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) và một phần thuộc Công ty lâm nghiệp La Ngà.
Hiện Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai đang triển khai Dự án khẩn cấp bảo tồn voi rừng, góp phần phát triển bền vững quần thể đàn voi hoang dã và giúp cho các hộ dân cư ở khu vực ven rừng yên tâm sản xuất và ổn định cuộc sống.
Dự án hiện được triển khai xây dựng tại huyện Vĩnh Cửu, Định Quán, đây là những địa phương còn diện tích rừng tự nhiên lớn và có đàn voi thường xuất hiện để kiếm ăn.
Dự án đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng, xây dựng các trạm cấp điện để lắp đặt hệ thống hàng rào điện tử dài 30km. Trong đó có 20km hàng rào cố định và 10km hàng rào di động tại những khu vực rừng thuộc xã Thanh Sơn (huyện Định Quán), Phú Lý, Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu).
Hàng rào điện sử dụng nguồn điện từ hệ thống pin năng lượng mặt trời chỉ phát ra với cường độ đủ để gây giật và hoảng sợ nhưng không làm chết người và động vật.
Tại huyện Định Quán, dự án đã hoàn thành 50% khối lượng công việc. Dự kiến cuối năm 2017 hàng rào điện tử bảo vệ voi sẽ đưa vào sử dụng.