Khan hiếm lao động
Cánh đồng rộng trên 30 ha gần khu vực chân đê tại xã Yên Đồng đã bị bỏ hoang gần một nửa. Xen kẽ ruộng lúa đang trổ bông chuẩn bị đến thời kỳ thu hoạch là những mảnh đất bỏ hoang cỏ mọc um tùm.
Theo ông Đặng Văn Căn - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Yên Đồng, toàn xã có trên 300ha đất hai lúa, vụ Xuân này nhiều gia đình vẫn còn cấy lúa nhưng đến vụ Mùa sẽ bỏ hoang nhiều hơn. Nhiều hộ chỉ cấy 1 vụ, còn vụ sau bỏ không rất lãng phí.
Gia đình anh Nguyễn Vũ Tuấn có gần 2 sào lúa ở khu vực chân đê xã Yên Đồng. Theo tính toán của anh Tuấn, tổng chi phí tiền cày, bừa đến giống, phân bón, thuốc trừ sâu, tiền thuê cấy, gặt đối với 1 sào lúa ước tính khoảng từ 800.000 - 900.000 đồng, trong khi năng suất chỉ đạt 200kg/sào. Với giá bán trên thị trường hiện vào khoảng hơn 5.000 đồng/kg, người trồng lúa cũng chỉ thu được trên 1 triệu đồng/sào. Sau khi trừ phí chí, tính ra 6 tháng trời nông dân chỉ được lãi khoảng 200.000 - 300.000 đồng/sào. Thu nhập từ cây lúa quá thấp chính khiến nhiều người không còn thiết tha với đồng ruộng.
Đi dọc theo các trục đường chính tại xã Yên Đồng dễ dàng nhận thấy đa phần lực lượng lao động chủ yếu đang bón phân, dọn cỏ bờ vùng bờ thửa, phun thuốc trừ sâu, chăm sóc cho lúa trên cánh đồng là người trung tuổi, học sinh tham gia phụ giúp gia đình; hiếm thấy lực lượng lao động thanh niên.
Bà Đặng Thị Mai, người dân trong xã cho biết, vài năm trở lại đây trong làng mở ra nhiều xưởng may mặc, cơ khí nên thanh niên phần lớn vào làm cho các xưởng sản xuất. Ở một số nơi đã có tình trạng đất nông nghiệp bỏ không, cho mượn miễn phí cũng không ai nhận làm.
Ông Phạm Văn Tình - Phó Chủ tịch UBND xã Yên Đồng cho biết, toàn xã có 4.000 hộ với gần 15.000 nhân khẩu; trong đó thanh niên trong độ tuổi lao động chiếm 65%. Xã hiện có trên 10 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may mặc và một số nghề truyền thống cho thu nhập từ 5 -7 triệu đồng/người/tháng, vì vậy đã thu hút rất nhiều lao động trẻ. Thanh niên giờ đây không còn thiết tha với công việc đồng áng. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến hơn 80ha đất "bờ xôi ruộng mật" trong xã bị bỏ hoang.
Để nông dân gắn bó với đồng ruộng
Đất đai là tài nguyên quốc gia vô cùng quý giá, là tư liệu sản xuất đặc biệt. Tuy nhiên, tại huyện Ý Yên nguồn tài nguyên quý giá này đang bị bỏ hoang một cách lãng phí. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ý Yên, tổng diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang trong vụ Xuân năm 2018 lên tới gần 260ha, tập trung chủ yếu tại các xã Yên Đồng, Yên Trị, Yên Tiến và Thị trấn Lâm.
Theo ông Trịnh Văn Mậu, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ý Yên, nông dân bỏ ruộng là do một số diện tích thuộc chân ruộng trũng hay bị ngập úng vào mùa mưa, đồng ruộng ở xa khu dân cư, chi phí đầu tư sản xuất cao, trong khi giá trị lợi nhuận thấp. Một số xã có ngành nghề phụ như may mặc, thủ công mỹ nghệ và đặc biệt là các khu, cụm công nghiệp đã giải quyết công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương nên nông dân không còn mặn mà với việc trồng cấy mà thay vào đó là đi làm công nhân.
Để nông dân gắn bó với đồng ruộng, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Đồng Phạm Văn Tình cho rằng, những diện tích đất kém hiệu quả hoặc những thửa ruộng manh mún, nhỏ lẻ nông dân không làm nữa cần chuyển đổi mục đích sử dụng sang chăn nuôi, hoặc cho người khác thuê để làm mô hình kinh tế vườn -ao - chuồng (VAC). Những chân ruộng xa cần phải đầu tư hạ tầng, hệ thống kênh mương thủy lợi đồng bộ và phải có cơ chế hỗ trợ nông dân.
Theo bà Trịnh Thị Kim Tình - Phó Chủ tịch UBND huyện Ý Yên, để khuyến khích nông dân làm giàu trên chính mảnh đất của mình, huyện đã quy hoạch phát triển các ngành hàng, sản phẩm chủ lực của từng địa phương; trong đó, tập chung vào các vùng sản xuất lúa cá, vùng chăn nuôi tập trung, vùng sản xuất rau sạch. Qua thử nghiệm mô hình trồng lúa kết hợp với thả cá tại các xã Yên Trị, Yên Đồng và triển khai mô hình chăn nuôi kết hợp với trồng cây ăn quả tại các xã Yên Hồng, Yên Lương bước đầu đã cho hiệu quả kinh tế cao, giá trị ước đạt 40 - 43 triệu đồng/ha.
Thời gian tới, huyện sẽ tập trung đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng. Huyện cũng có chính sách ưu đãi kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, nhất là khuyến khích thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác gắn kết các hộ nông dân, tổ chức sản xuất quy mô lớn để giúp nông dân yên tâm phát triển kinh tế.