Từ tháng 10 - 12/2024, bão, áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện cao hơn trung bình nhiều năm (4 - 5 cơn/năm). Số cơn bão đổ bộ vào đất liền có thể cao hơn so với trung bình nhiều năm (1,9 cơn/năm); tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và các tỉnh phía Nam; đề phòng khả năng bão, áp thấp nhiệt đới hình thành ngay trên khu vực Biển Đông.
Đối với tình hình mưa, ông Nguyễn Văn Hưởng lưu ý, mùa mưa ở Trung Bộ có khả năng bắt đầu từ khoảng giữa tháng 9 ở phía Bắc của miền Trung và cuối tháng 9 ở khu vực Trung Bộ; cảnh báo nguy cơ cao xảy ra mưa lũ dồn dập ở Trung Bộ trong tháng 10 - 11.
Cùng với đó, không khí lạnh có khả năng hoạt động mạnh trong tháng 11 - 12/2024, trong đó hiện tượng rét đậm ở Bắc Bộ có khả năng xuất hiện từ nửa cuối tháng 12 (tương đương so với trung bình nhiều năm).
Thông tin tổng lượng mưa và tình hình lũ tại các khu vực, ông Nguyễn Văn Hưởng dự báo, tổng lượng mưa ở Bắc Bộ trong tháng 10 - 11 phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 10 - 20%; tháng 12 phổ biến từ 20 - 40mm; thấp hơn từ 5 - 10mm so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Khu vực Trung Bộ, tháng 10 - 11 phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 10 - 30%. Tháng 12, khu vực Bắc Trung Bộ phổ biến từ 15 - 30mm, riêng khu vực các tỉnh Nam Nghệ An - Hà Tĩnh phổ biến 50 - 100mm, thấp hơn trung bình nhiều năm từ 5 - 10mm; các tỉnh Quảng Bình - Quảng Trị phổ biến 100 - 200mm, cao hơn trung bình nhiều năm 10 - 15mm, các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa phổ biến 250 - 500mm, có nơi cao hơn trung bình nhiều năm 30 - 60mm; khu vực Ninh Thuận - Bình Thuận phổ biến 30 - 80mm, cao hơn trung bình nhiều năm 15 - 30mm.
Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có tổng lượng mưa từ tháng 10 - 11 cao hơn từ 5 - 20% so với trung bình nhiều năm. Tháng 12, tại khu vực Tây Nguyên phổ biến từ 30 - 50mm, riêng một số nơi ở khu vực Nam Tây Nguyên và Nam Bộ phổ biến 50 - 80mm, có nơi cao hơn từ 10 - 30mm so với trung bình nhiều năm cùng kỳ.
Trong tháng 10/2024, trên các sông Bắc Bộ khả năng xuất hiện các đợt lũ với mực nước đỉnh lũ trên các sông chính ở mức báo động 1, các sông nhỏ ở mức báo động 1 - báo động 2. Từ tháng 10 - 12, dòng chảy trên các sông khu vực Bắc Bộ phổ biến ở mức xấp xỉ hoặc cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 10 - 20%, hồ Tuyên Quang (tại sông Gâm) và Thác Bà (tại sông Chảy) cao hơn trung bình nhiều năm từ 30 - 70%; riêng dòng chảy đến các hồ chứa lớn trên sông Đà thiếu hụt từ 5 - 10% so với trung bình nhiều năm.
Khu vực Bắc Trung Bộ từ tháng 10 - 11, các sông ở Thanh Hóa có khả năng xuất hiện 1 - 2 đợt lũ nhỏ; các sông ở Nghệ An, Hà Tĩnh xuất hiện 3 - 4 đợt lũ. Mực nước đỉnh lũ hạ lưu sông Mã còn dưới mức báo động 1, hạ lưu sông Cả, La ở mức báo động 1 - báo động 2. Lưu lượng dòng chảy trên các sông ở Thanh Hóa cao hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 60 - 160% trong tháng 9 - 11 và cao hơn 10% trong tháng 12; hạ lưu các sông ở Nghệ An cao hơn từ 10 - 40% trong tháng 11 - 12, sông Ngàn Sâu cao hơn từ 40 - 45% trong tháng 11 - 12.
Khu vực Trung Trung Bộ, nửa cuối tháng 9, mực nước trên các sông khả năng có 1 - 2 đợt lũ và dao động. Từ tháng 10 - 12, trên các sông ở khu vực Trung Trung Bộ khả năng xuất hiện 3-5 đợt lũ, trong đó lũ lớn trên các sông tập trung chủ yếu từ tháng 10 - 11. Đỉnh lũ trên các sông khả năng ở mức báo động 2 - báo động 3, có sông trên báo động 3. Đỉnh lũ năm có khả năng ở mức xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm. Từ tháng 10 - 12, lưu lượng dòng chảy trên các sông Quảng Bình đến Quảng Ngãi xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm từ 10 - 29%.
Khu vực Nam Trung Bộ, trong tháng 10 - 12, trên các sông trong khu vực xuất hiện 2 - 4 đợt lũ, đỉnh lũ các sông ở Bình Định, Khánh Hòa ở mức báo động 2 - báo động 3, có nơi trên báo động 3; đỉnh lũ các sông chính Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận dao động ở mức báo động 2. Lượng dòng chảy trên các sông phổ biến ở mức xấp xỉ và cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 30 - 50%; riêng sông La Ngà (Nam Bình Thuận) ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm.
Trong nửa cuối tháng 9 - 11, trên các sông ở khu vực Tây Nguyên có khả năng xuất hiện 3 - 5 đợt lũ, đỉnh lũ lên mức báo động 2 - báo động 3, có sông trên báo động 3. Tổng lượng dòng chảy trên các sông phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ, các sông ở Bắc Tây Nguyên thấp hơn trung bình nhiều năm từ 15 - 60%, các sông ở Nam Tây Nguyên thấp hơn từ 3 - 38%; riêng sông Krông Ana, sông EaKrông, sông Đăk Nông ở mức cao hơn trung bình nhiều năm.
"Mực nước sông Cửu Long lên dần, đạt đỉnh vào khoảng tháng 10/2024 và dao động ở mức báo động 1, đỉnh lũ tại các trạm hạ nguồn sông Cửu Long ở mức báo động 2 - báo động 3 và trên báo động 3, xuất hiện vào tháng 10 - 12. Vùng ven biển khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ cần lưu ý đề phòng sóng lớn kết hợp với nước dâng do ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới trong tháng 10-12, nguy cơ cao gây sạt lở bờ sông, bờ biển", ông Nguyễn Văn Hưởng cho biết.
Từ tháng 10 - 12, do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc, độ cao sóng ở khu vực vịnh Bắc Bộ, vùng biển ngoài khơi Trung Bộ, trên khu vực Bắc và giữa Biển Đông có thể đạt trên 4m, biển động mạnh. Các tỉnh, thành phố ven biển Đông Nam Bộ cần đề phòng các đợt triều cường trong thời gian này có khả năng gây ngập úng các vùng trũng, thấp, ven sông và vùng ngoài đê bao khu vực này.