Vụ hơn 100 người dân thôn Bản Luồng, xã Tú Mịch, huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) vào rừng chặt phá gần 30.000 cây lâm nghiệp chủ yếu là cây thông Mã vĩ được trồng trên diện tích hơn 15 ha của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Lộc Bình đã gây thiệt hại lớn. Đây là bài học đắt giá về sự tắc trách và thiếu minh bạch.
Theo điều tra ban đầu, tổng thiệt hại khoảng 1,7 tỷ đồng. Vụ việc tuy đã xảy gần 3 tháng, qua công tác tuyên truyền vận động của các cơ quan chức năng cùng chính quyền địa phương, tình hình trật tự, an toàn xã hội nơi đây đã được ổn định, tuy nhiên, qua vụ việc này, một câu hỏi đặt ra là do đâu mà người dân nơi đây đã có những hành động “quá khích” như vậy?
Đội lâm nghiệp Tú Mịch được giao nhiệm vụ xác định vị trí khu rừng và lập danh sách các hộ nhận giao khoán, chăm sóc và bảo vệ rừng theo kế hoạch số 23 của Công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp Lộc Bình về công tác quản lý bảo vệ rừng năm 2012.
Một người dân ở Bản Luồng kể lại chuyện những đồi thông bị chặt - Ảnh: tuoitre.vn |
Thực hiện v iệc giao khoán quản lý và bảo vệ rừng cho các hộ dân là đúng với chủ trương của Nhà nước, nhưng điều đáng nói là các bước triển khai thực hiện của Đội lâm nghiệp Tú Mịch lại không theo đúng trình tự và phản ánh sự tắc trách và thiếu minh bạch của cán bộ của công ty.
Đội lâm nghiệp Tú Mịch đã không thông báo, tổ chức họp thôn mà chỉ gọi điện cho Trưởng thôn Bản Luồng là ông Hoàng Văn Trường ra đội để thống nhất danh sách các hộ giao khoán, sau đó phó thôn đã được cử ra thống nhất danh sách giao khoán với chủ trương chỉ ưu tiên cho 21/176 hộ dân là cán bộ và các hộ dân đã cùng với đội tham gia trồng rừng từ năm 2003.
Trước sự việc trên, những hộ dân không nằm trong diện được giao khoán bảo vệ rừng đã tự họp với nhau (khoảng hơn 100 hộ), không qua thôn, tập trung tại Đội lâm nghiệp Tú Mịch, yêu cầu được xem danh sách giao khoán và đơn nhận giao khoán.
Sau đó, các hộ gia đình này lại tiếp tục đến nhà của trưởng thôn để yêu cầu giải thích về cơ chế giao khoán.
Trước tình hình diễn biến phức tạp, lúc này ông Hoàng Văn Trường, Trưởng thôn Bản Luồng mời bà con tập trung tại nhà văn hóa thôn, đồng thời gọi điện cho ông Lê Công Oanh, bảo vệ của Đội lâm nghiệp Tú Mịch đến để cùng giải đáp những thắc mắc của người dân, nhưng ông này không đến với lý do chưa được sự nhất trí, ủy quyền của lãnh đạo.
Trưởng thôn Bản Luồng tiếp tục gọi điện cho Đội Trưởng đội Lâm nghiệp Tú Mịch là bà Thi Thị Nẩm, nhưng một lần nữa cán bộ của đ ội không đến với lý do đang làm việc với xã khác.
Sự tắc trách và thiếu trách nhiệm của các cán bộ Đội lâm nghiệp Tú Mịch như “đổ thêm dầu vào lửa”, đã thổi bùng các mâu thuẫn. Đây chính là kẽ hở để kẻ xấu lợi dụng lôi kéo, kích động bà con.
Đến 13h30 phút ngày 25/5 hơn 100 người dân thôn Bản Luồng đã kéo đến 4 lô rừng tại khoảnh 8, tiểu khu 383 chặt phá 12 ha rừng thông; sự việc chỉ dừng lại khi có sự can thiệp của lực lượng chức năng và chính quyền địa phương.
Nhưng đến sáng 26/5, số đông người dân Bản Luồng tiếp tục đến đồi H1 và lô 1b khoảnh 7 chặt phá tiếp hơn 3ha rừng. Theo thống kê đã có tới 29.562 cây lâm nghiệp gồm thông và cây tái sinh trên diện tích 15,3ha bị chặt, phá, thiệt hại ước tính lến đến trên 1,7 tỷ đồng.
Ông Đoàn Văn Tinh, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Lộc Bình cho biết: Cơ quan chức năng bước đầu xác định có 117 người tham gia chặt phá rừng, trong đó đã sàng lọc được 9 đối tượng có biểu hiện kích động, lôi kéo người dân tham gia.
Hiện tình hình an ninh trật tự ở xã Tú Mịch đã trở lại ổn định. Thông qua công tác tuyên truyền, các hộ dân tham gia phá rừng đã nhận thức được hành động sai trái của mình, thậm chí có những người dân tự giác viết kiểm điểm nộp cho cơ quan chức năng.
Hiện các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tiếp tục điều tra để tiến hành xử lý theo đúng pháp luật đối với những cá nhân có sai phạm.
Tuy nhiên, qua vụ việc này cho thấy nguyên nhân sâu xa là sự tắc trách, thiếu trách nhiệm của cán bộ và sự thiếu công khai, minh bạch trong cơ chế giao khoán quản lý bảo vệ rừng của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Lộc Bình.
Từ sự việc trên, nếu Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Lộc Bình nói riêng và các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn nói chung không nghiêm túc rút kinh nghiệm thì rất có thể sự việc sẽ còn tiếp tục xảy ra đối với những khu vực khác.
Một người dân thôn dân Bản Luồng, xã Tú Mịch cho biết: "Biết việc phá rừng là chúng tôi sai rồi, nhưng giá như người dân chúng tôi được tham gia ý kiến vào việc giao khoán rừng và cán bộ của Công ty biết lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân và giải thích, công khai cho nhân dân biết, thì sự việc đã không trở nên phức tạp như vậy".
Thái Thuần