Khoảng 50% tàu đánh cá của ngư dân Bạc Liêu hiện nằm bờ, do giá các loại vật tư, nguyên nhiên liệu đầu vào tăng mạnh, trong khi cơ quan quản lý sản xuất đối với lĩnh vực khai thác biển lại quá chậm chạp trong việc phối hợp với địa phương để có những giải pháp cấp bách tổ chức lại sản xuất thích ứng với tình hình mới.
Tổ hậu cần nghề cá là biện pháp hữu hiệu duy nhất trong thời điểm này để giúp ngư dân tiết kiệm nhiên liệu ra vào bến, bám biển khai thác dài ngày. Đáng tiếc là hiện vẫn chưa có cơ quan nào đứng ra phối hợp tổ chức có bài bản, qui củ cho ngư dân làm theo.
Những tổ hậu cần nghề cá hiện có rất ít, và chủ yếu do sáng kiến của ngư dân trước "bão giá". Họ tự liên kết theo dòng tộc, xóm làng; ngành nghề khai thác để tự thích ứng và duy trì sản xuất, bảo quản ngư lưới cụ, phương tiện và hơn thế là để ''nuôi sống'' hàng ngàn ngư phủ là ''bạn tàu'' của các chủ phương tiện cùng đồng cam cộng khổ lâu nay.
Với giá nhiên liệu tăng trên 4.000 đồng lít sau 2 đợt điều chỉnh giá, các tàu ra khơi khai thác biển phải gánh thêm nhiều chục triệu đồng cho phần nhiên liệu. Giá ngư lưới cụ, thực phẩm cũng tăng theo từ 15 đến 25% tùy loại làm cho giá đầu vào tăng quá lớn, quá sức chịu đựng của các chủ phương tiện. Trong khi đó, ngư trường khai thác trên biển diễn bíến xấu, suy giảm sản lượng khai thác đặc biệt là đối với con tôm.
Cho nên, dù hết sức cố gắng bám ngư trường, nhưng sản lượng tôm biển khai thác được của trên 1.000 phương tiện đánh bắt hiện có của Bạc Liêu trong quí I/2011 cũng chỉ bằng 58% sản lượng so với cùng kỳ năm 2010, trong khi đó con tôm chiếm hơn 50% giá trị của một chuyến đi biển của từng phương tiện.
Giá bán nguyên liệu tôm, cá tuy cũng tăng, nhưng không đáng kể so với giá nhiên liệu vật tư đã tăng, cho nên nếu khi thác sản lượng đạt thấp sẽ không bù nổi chi phí cho một chuyến đi biển, lỗ vài chục triệu đồng là chuyện rất dễ xảy ra cho một chuyến ra khơi đối với loại tàu có công suất trên 45CV khai thác từ 15 đến 20 ngày trên biển.
Các cấp, các ngành có trách nhiệm cần có giải pháp phối hợp với các cơ sở bán nhiên liệu, chủ vựa cá ký kết hợp đồng với các chủ phương tiện để ứng trước nhiên liệu cho các tàu đánh cá; sau khi về bến, tàu cá bán lại tôm, cá nguyên liệu theo giá thị trường cho các chủ vựa trong cảng, sau đó thanh toán tiền tạm ứng nhiên liệu cho chủ cơ sở bán xăng dầu cho tàu cá đã tạm ứng trước đó và theo đà đó thực hiện tiếp cho những chuyến đi biển về sau.
Làm được việc này sẽ giúp cho các tàu đánh cá có điều kiện bám trụ ra khơi khai thác, ổn định đời sống của hàng chục ngàn lao động nghề cá, bảo đảm an sinh xã hội đối vùng ven biển Bạc Liêu.
Nếu để tàu cá tiếp tục nằm bờ, ngư lưới cụ, tàu cá sẽ dễ hư hỏng do phơi nắng, lãng phí tiền của công sức của người dân và sẽ phát sinh các vấn đề phức tạp về an sinh xã hội không đáng có từ hàng ngàn lao động trẻ không có việc làm. Cùng chung tay gỡ khó với ngư dân là việc cần làm ngay ở Bạc Liêu hiện nay.
Cao Thăng