Để chủ động ứng phó với áp thấp có khả năng mạnh thêm và mưa lớn có thể xảy ra do hoàn lưu của áp thấp nhiệt đới, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ Quảng Bình trở ra thực hiện tốt một số nội dung:
Đối với khu vực ven biển, theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến của vùng áp thấp, gió mùa Tây Nam trên biển; thông báo, hướng dẫn cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền, tàu vận tải đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Đối với khu vực đồng bằng, chủ động kiểm tra hệ thống đê điều, kênh mương, các công trình tiêu, thoát nước để chủ động vận hành khi cần thiết.
Đối với khu vực vùng núi, tổ chức kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sẵn sàng các phương án đảm bảo an toàn cho tính mạng, tài sản của người dân. Theo dõi chặt chẽ diễn biến lưu lượng đến hồ chứa để chủ động tích nước cũng như phương án điều tiết đảm bảo an toàn công trình và an toàn hạ du. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để triển khai ứng cứu khi có yêu cầu.
Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Văn phòng Uỷ ban ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Từ ngày 1/7 đến 3/7, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo kiểm tra tình hình thực hiện công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang (đoàn do Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Hồng Hải làm Trưởng đoàn).
Theo bản tin lúc 13 giờ ngày 1/7 của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 17,8-18,8 độ Vĩ Bắc; 113,7-114,7 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa.
Dự báo trong 24 giờ tới (từ 13 giờ ngày 1/7 đến 13 giờ ngày 2/7), vùng áp thấp ít dịch chuyển, sau đó dịch chuyển chậm về phía Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5-10km và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 13 giờ ngày 2/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 19,2 độ Vĩ Bắc; 111,7 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 80km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (từ 13 giờ ngày 1/7 đến 13 giờ ngày 2/7), gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên: phía Bắc vĩ tuyến 17,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 110 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Trong 24 giờ đến 48 giờ tiếp theo (từ 13 giờ ngày 2/7 đến 13 giờ ngày 3/7), áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 13km và tiếp tục có khả năng mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 3/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 20,2 độ Vĩ Bắc; 109,5 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Bắc vịnh Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Cảnh báo, với việc hình thành, phát triển ngay trên Biển Đông trong thời gian ngắn và kết hợp các yếu tố như nhiệt độ bề mặt nước biển cao, tương tác với các hệ thống thời tiết ở lục địa nên diễn biến của vùng áp thấp/áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh thành bão sẽ rất phức tạp, có khả năng di chuyển về phía đất liền nước ta, ảnh hưởng trực tiếp đến Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ trong khoảng thời gian từ ngày 3-4/7/2019.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam có cường độ trung bình đến mạnh nên trong đêm 1/7 và ngày 2/7, ở vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa dông, gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 8. Sóng biển cao 2-3 mét. Biển động. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.