Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa và nguy cơ ô nhiễm nguồn nước ngày càng gia tăng đang khiến ngành Cấp nước đứng trước nhiều thách thức phải tháo gỡ, nhất là nguồn tài nguyên nước cạn kiệt và yêu cầu sớm có giải pháp bảo đảm, bảo vệ an ninh và sử dụng an toàn nguồn nước cấp đô thị trước khi quá muộn.
Để thảo luận, xây dựng các giải pháp đảm bảo an toàn cấp nước trong giai đoạn hiện nay, tiếp tục thực hiện hiệu quả Quyết định 1566/QĐ-TTg, ngày 28/8 tại Hà Nội, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội thảo Vật tư thiết bị cấp nước an toàn.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, đến tháng 8/2020, cả nước có 833 đô thị các loại (2 đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, 22 đô thị loại I, 31 đô thị loại II, 46 đô thị loại III, 86 đô thị loại IV, 646 đô thị loại V). Tỷ lệ đô thị hóa tính đến tháng 6/2020 là hơn 39%. Dân số đô thị tăng nhanh đang tạo ra sức ép đối với hạ tầng đô thị nói chung và ngành cấp nước nói riêng về nhu cầu sử dụng quá tải.
Tổng công suất thiết kế của các nhà máy nước hiện nay đạt khoảng 9 triệu m3/ngày đêm; tỷ lệ dân cư đô thị được cung cấp nước qua hệ thống cấp nước tập trung đạt trên 85%, với mức bình quân khoảng 105 lít/người/ngày đêm. Song, tỷ lệ thất thoát nước sạch tính trung bình mất khoảng 21%.
Bộ Xây dựng cũng chỉ rõ những thách thức và khó khăn hiện nay đối với nguồn tài nguyên nước Việt Nam. Cụ thể, nguồn nước mặt hiện chỉ có khoảng 37% lượng nước sinh ra ở phần lãnh thổ Việt Nam, còn lại 63% từ nước ngoài chảy vào (nguồn này phụ thuộc vào sự điều tiết bên ngoài, dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường, nhất là khó quản lý nguồn, ô nhiễm nguồn, hạn hán, xâm nhập mặn, phèn, ngập úng).
Nguồn nước dưới đất tập trung chủ yếu ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, Nam Bộ, Tây Nguyên... Do nhiều đô thị trong khu vực khai thác quá mức, nên mực nước ngầm đang suy giảm nghiêm trọng, chưa có dấu hiệu phục hồi. Trong khi đó, nguồn nước mưa, nước lợ, nước biển... có trữ lượng lớn, nhưng hiện chưa được xem là tài nguyên và chưa có công nghệ xử lý, nên khó khai thác.
Tốc độ đô thị hóa nhanh kéo theo nguồn nước thải chưa được xử lý triệt để còn đang gây ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm, cộng với tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, gây ngập lụt, nhiễm mặn, khô hạn liên tục... cũng đang làm cạn kiệt nguồn tài nguyên nước.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Xây dựng nhận định, trước các khó khăn, thách thức trên, các cơ quan liên quan đến ngành cấp nước Việt Nam vẫn có những cơ hội phát triển, tiếp cận, khai thác nguồn tài nguyên nước sạch và hành động để thực hiện các mục tiêu đảm bảo cấp nước an toàn theo Quyết định 1566/TTg, vì năng lực của nhiều doanh nghiệp ngành cấp nước Việt Nam hiện ngang tầm với các nước trong khu vực và thế giới, có thể thu hút đủ nguồn lực để đầu tư, phát triển, khai thác các nguồn tài nguyên nước; đồng thời, có thể ứng dụng công nghệ 4.0 vào quản lý nguồn nước.
Tại hội thảo này, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu thảo luận, đề xuất các địa phương triển khai ngay việc áp dụng "giải pháp xanh" đối với các công trình cấp nước đô thị gồm: Sử dụng nước hiệu quả và an toàn; sử dụng nước tiết kiệm; thu gom, lưu giữ và sử dụng nguồn nước mưa, nhằm nâng tỷ lệ dân cư đô thị được cung cấp nước qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 100%, với mức bình quân khoảng 120 lít/người/ngày đêm và giảm tỷ lệ thất thoát nước sạch xuống bình quân 15%.