Video Chợ Phú Đô bỏ hoang hơn nửa thập kỷ sau khi hoàn thành:
Những năm qua, hàng loạt khu chợ dân sinh tại Thủ đô được các cấp chính quyền địa phương đầu tư nhiều tỷ đồng theo hình thức xã hội hóa để quy hoạch, xây dựng. Tuy nhiên, nhiều chợ trong số này đã và đang bị bỏ hoang, cơ sở vật chất, trang thiết bị... chưa khai thác, sử dụng đã xuống cấp nghiêm trọng vì nhiều nguyên do.
Theo tìm hiểu của phóng viên, chợ Phú Đô thuộc Dự án mở rộng chợ dân sinh phường Phú Đô, được UBND quận Nam Từ Liêm phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2014, khởi công xây dựng cuối năm 2016 và hoàn thành cuối năm 2017, nhưng từ đó đến nay, công trình vẫn "đắp chiếu". Do bị phơi sương phơi nắng, nên theo thời gian, bên trong chợ, các khung sắt, cửa cuốn chia kios đã hoen gỉ; khuôn viên sân, hàng rào, đường đi trong chợ... trở thành nơi tập kết rác thải, sinh lầy, tù đọng sau mưa, gây ô nhiễm môi trường.
Thậm chí, nhiều vị trí bên trong sảnh của chợ được quây bằng những tấm gỗ, tấm tôn tạm bợ để thành nơi cư ngụ của công nhân, người lao động; khu vực chợ ẩm thực, rau quả, hải sản... hoang lạnh, xuống cấp, ẩm mốc, thích hợp cho cây cỏ dại mọc. Hệ thống đường dây, thiết bị điện, phòng cháy chữa cháy, đồ đạc, thiết bị, máy móc mới... hỏng hóc, bị vứt bỏ bừa bãi, chỏng chơ từ trong các phòng chức năng tới sân chợ.
Chưa hết, đường dẫn vào cổng chợ Phú Đô xuống cấp, cửa ra vào hàng ngày đóng im ỉm, biến tuyến đường trước chợ trở thành điểm dừng đỗ, trông giữ xe ô tô ngày đêm. Nhìn cảnh chợ Phú Đô trị giá hàng chục tỷ đồng bị bỏ hoang phế, thấy xót xa tiền của đầu tư.
Trong khi đó, ngay sau bức tường ngăn chợ mới Phú Đô, người dân vẫn họp chợ tạm bợ hàng ngày, nhiều hộ dân bày bán hàng hóa tràn ra hết lòng đường, còn chợ Phú Đô cũ (sát chợ mới khang trang bỏ hoang) vẫn hoạt động trong cảnh nhếch nhác...
Các hộ tiểu thương, buôn bán nhỏ tại đây cho hay, trước đây, khi chợ mới được xây dựng, chính quyền phường thông tin với các hộ tiểu thương có nhu cầu đăng ký vào kinh doanh trong chợ, nhưng đã gần 7 năm qua, chợ vẫn chưa hoạt động và các hộ tiểu thương vẫn phải vất vả họp chợ bên ngoài. Nguyên nhân được chính quyền phường giải thích là chưa hoàn thiện hệ thống phòng cháy chữa cháy, nên tiếp tục phải chờ đợi...
Theo ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, ngay từ khi bắt tay vào nghiên cứu quy hoạch xây dựng chợ, các cấp chính quyền địa phương cần phải định hướng vị trí chợ theo đúng nghĩa "trung tâm của các loại trung tâm, trung tâm của các dịch vụ”, không thể xây dựng chợ tại những vị trí giao thương, giao lưu không thuận tiện.
Hà Nội hiện nay có nhiều khu chợ dân sinh xây xong rồi bỏ hoang, giải bài toán tháo gỡ vướng mắc, đưa chợ dân sinh vào hoạt động theo đúng công năng không dễ. Do vậy, để ngăn tình trạng chợ xây dựng xong rồi bỏ không, gây lãng phí vốn đầu tư, quỹ đất công, chính quyền các cấp cơ sở và các cơ quan liên quan cần phải phối hợp khảo sát kỹ việc xây dựng chợ gắn liền với đời sống người dẫn trong khu vực và cần có quy chế gắn trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong quy hoạch, xây dựng và đưa chợ vào hoạt động.
Tháng 6/2023, UBND TP Hà Nội đã giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp UBND quận Nam Từ Liêm làm rõ thông tin chợ Phú Đô bỏ hoang 6 năm qua, khiến dư luận xã hội bức xúc về tình trạng lãng phí đất đai, ngân sách, mặc dù chủ trương xây dựng chợ dân sinh phục vụ người dân và tiểu thương là chủ trương đúng đắn. Do đó, các cấp chính quyền và cơ quan chức năng cần sớm kiểm tra, làm rõ những vướng mắc tại dự án này, sớm đưa chợ vào hoạt động.
Theo kế hoạch của UBND TP Hà Nội, giai đoạn 2021 - 2025, thành phố sẽ xây mới, xây dựng lại 141 chợ và nâng cấp, cải tạo 168 chợ. Trong năm 2023, UBND thành phố đã ban hành kế hoạch dự kiến xây mới 48 dự án chợ, cải tạo 57 chợ. Việc xây mới chợ nhằm làm giảm tình trạng chợ cóc, chợ tạm phát sinh, gây mất mỹ quan đô thị, mất an toàn giao thông. Song, bài toàn chống lãng phí ngân sách, đất đai cần ưu tiên hàng đầu.