Hiện nay, vẫn còn hàng nghìn container đang tồn đọng tại các cảng biển gây nhiều hệ luỵ về môi trường.
Trong phiên họp báo Chính phủ chiều 1/10, các phóng viên quan tâm tới việc sau khi Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo thì giải pháp nào để xử lý triệt để tình trạng container vô chủ tại các cảng biển?
Trả lời về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Công Thành cho biết, theo thống kê đến 6/9, số container tồn đọng quá 90 ngày (coi như vô chủ) có khoảng trên 4.900 container, chiếm 32% số container còn tồn đọng. Hướng xử lý có thể phân làm 2 loại.
Thứ nhất là những lô hàng phế liệu do các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện nhập khẩu, sản xuất. Có 116 tổ chức cá nhân, chiếm 42%. Cơ quan hải quan yêu cầu khẩn trương làm thủ tục thông quan theo quy định.
Trường hợp các lô hàng phế liệu không đáp ứng yêu cầu bảo đảm môi trường thì sẽ được xử lý theo 2 hướng: Buộc tái xuất hoặc tiêu huỷ và chi phí xử lý do tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm chi trả.
Đối với các lô hàng phế liệu do 158 tổ chức, cá nhân nhập khẩu không có giấy xác nhận, chiếm 58%, thì cơ quan hải quan tiếp tục xác minh các tổ chức nhập khẩu và xử lý như các tổ chức buôn lậu phế liệu theo hướng xử lý như trên.
Đối với các lô hàng phế liệu nhập khẩu vô chủ thì xác minh các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện xử lý như chất thải nguy hại hoặc tái chế. Quá trình này phải thực hiện theo các quy định của Chính phủ, trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản và thời hạn sau 5 tháng thì xử lý theo quy trình này.