Hơn 20.000 học sinh trượt lớp 10 công lập
Qua tính toán điểm thi học kỳ II, tỷ lệ chọi của các trường, điểm trúng tuyển vào trường những năm trước và được giáo viên chủ nhiệm tư vấn, em Trần Hoàng Nam, học sinh trường THCS Hoa Lư (thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) vẫn quyết định giữ nguyên nguyện vọng vào các trường mình đã chọn trước đó. Theo đó, nguyện vọng 1 của Nam là trường THPT Phước Long, nguyện vọng 2 là trường THPT Dương Văn Thì và nguyện vọng 3 là trường THPT Linh Trung.
“Các trường này đều có tỷ lệ chọi không quá cao, phù hợp với lực học của em và ở gần nhà. Do dịch bệnh, trong suốt học kỳ vừa qua em chủ yếu học online nên tiếp thu bài vở cũng bị ảnh hưởng khá nhiều. Tuy nhiên, em cũng không quá căng thẳng và chọn những trường học phù hợp với khả năng của mình. Hiện nay, ngoài thời gian ôn tập trên trường, em còn học phụ đạo thêm hai môn Toán và môn Anh văn”, Hoàng Nam cho biết thêm.
Qua bảng thống kê đăng ký nguyện vọng 1 vào các trường THPT được Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh công bố, năm nay, các trường THPT ở tốp đầu có tỷ lệ chọi giảm so với những năm trước. Tuy nhiên, tỷ lệ chọi này vẫn ở mức cao, còn các trường ở tốp khá thì có tỷ lệ chọi tăng.
Cụ thể, nếu như năm học trước, tỷ lệ chọi vào trường THPT Nguyễn Hữu Huân (thành phố Thủ Đức) có tỷ lệ chọi là 2,79 thì năm nay tăng lên 3,21. Đây cũng là trường có tỷ lệ chọi cao nhất trong tổng số các trường THPT công lập tại TP Hồ Chí Minh. Nhiều trường khác có tỷ lệ chọi cao như THPT Bùi Thị Xuân có tỷ lệ 1 chọi 2,02 (năm trước là 1,93); THPT Trưng Vương có tỷ lệ 1 chọi 2,01 (năm trước là 2,0)… Một số trường tốp đầu tỷ lệ chọi giảm như trường Trung học thực hành (ĐH Sư phạm) năm trước 1 chọi 2,74 năm nay còn 1,6; trường THPT Lê Quý Đôn năm trước 1 chọi 2,31 nay còn 2,1…
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, năm học 2022-2023 có hơn 107.000 học sinh tốt nghiệp THCS nhưng chỉ tiêu tuyển sinh vào trường THPT công lập của Thành phố chỉ có khoảng hơn 72.000 học sinh. Như vậy, trong năm học này, sẽ có khoảng gần 34.000 học sinh sẽ không vào lớp 10 công lập.
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho biết, trong số những học sinh tốt nghiệp THCS năm nay có khoảng 92.000 em đăng ký dự thi vào lớp 10 công lập, còn lại hơn 10.000 em không đăng ký vì đã chủ động chọn các loại hình khác như học nghề, trường phổ thông tư thục, trường quốc tế hoặc đi du học… Như vậy, trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập sẽ có khoảng 20.000 học sinh sẽ rớt khỏi đợt xét tuyển lần này.
Đảm bảo đủ chỗ học
Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh khẳng định, học sinh tốt nghiệp THSC tại TP Hồ Chí Minh không lo thiếu chỗ học. Hiện nay, hệ thống giáo dục trung học trên địa bàn thành phố rất đa dạng, đáp ứng mọi nhu cầu học tập của học sinh theo hướng phát triển năng lực và định hướng nghề nghiệp. Ngoài hệ thống các trường THPT công lập, Thành phố còn có 126 cơ sở giáo dục, bao gồm hệ thống các trường dân lập, tư thục, trường có vốn đầu tư nước ngoài, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, trường trung cấp nghề…
Cụ thể, Thành phố có 60 trường Trung cấp nghề có thể đáp ứng 30.000 chỗ học; 90 trường ngoài công lập đáp ứng gần 30.000 chỗ học; gần 30 Trung tâm Giáo dục thường xuyên cũng đáp ứng được gần 10.000 chỗ học cho học sinh lớp 10 tại thành phố.
Theo thầy Nguyễn Văn Minh Tiến, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Bách khoa Sài Gòn, học sinh sau khi tốt nghiệp lớp 9 không vào lớp 10 vẫn có thể vào các trường trung cấp nghề, cao đẳng nghề theo chương trình 9 +. "Học sinh học xong lớp 9 thay vì học thêm 3 năm để lấy bằng THPT và đăng ký kỳ thi THPT để xét tuyển vào các trường cao đẳng hoặc đại học và phải tới 22 tuổi các em mới xong chương trình đại học. Nhưng với hệ 9+, học sinh sẽ được học thẳng vào chương trình nghề và trong vòng 4 năm, các em có thể lấy được tấm bằng cao đẳng chính quy, đi làm luôn theo ngạch Kỹ sư thực hành khi vừa 19 tuổi", thầy Nguyễn Văn Tiến phân tích.
Bên cạnh đó, học sinh vẫn nhận được chứng nhận hoàn thành THPT và nếu học sinh có nhu cầu đăng ký tham gia kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia, nhà trường sẽ tạo điều kiện đăng ký cho các em ở trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên gần nhất để các em học bổ sung môn đủ điều kiện theo quy định của Bộ Giáo dục, có thể tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho biết, với các cơ sở giáo dục tư thục, ngoài công lập, trường có vốn đầu tư nước ngoài, để được giao chỉ tiêu tuyển sinh phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, giảng dạy, được Sở Giáo dục và Đào tạo thẩm định, xem xét mới được cấp phép hoạt động. Vì thế, các trường này đều đảm bảo chất lượng giáo dục và đào tạo.
Đối với hệ thống trường nghề, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố cũng đảm bảo giảng dạy, trang bị cho học sinh về cả văn hoá, định hướng nghề nghiệp, giúp các em có nhiều lựa chọn về nghề nghiệp sau này.