Đề nghị phân cấp
Bên cạnh những mặt được của kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia với hai mục đích (công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để tuyển sinh ĐH, CĐ) được Bộ GD - ĐT ra trong những thông tin gần đây; những vấn đề kỹ thuật của kỳ thi này vẫn khiến các địa phương, trường ĐH băn khoăn.
Về việc thi, tuyển sinh 2015, các ý kiến cho rằng, gộp kỳ thi là chưa hợp lý và gây ra những căng thẳng trong xã hội. Bên cạnh đó, Bộ GD - ĐT đang ôm đồm quá nhiều việc của địa phương, các trường ĐH. Theo ông Võ Thế Huân, Hiệu trưởng Trường THPT Đông Đô, Hà Nội, sáp nhập hai kỳ thi vừa nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh. Các trường ĐH tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT cho các Sở GD - ĐT là không đúng phân cấp trong quản lý giáo dục. Việc tổ chức các cụm thi khiến thí sinh phải dồn về một địa phương để thi, kỳ thi kéo dài trong một tuần tạo ra những sức ép không cần thiết trong xã hội. Hoặc như đưa môn tự chọn vào thi tốt nghiệp được áp dụng từ năm 2014, nhưng thực tế việc dạy ở trong trường học vẫn là 13 môn bắt buộc; dẫn đến việc ngay khi học, thí sinh chỉ học những môn liên quan đến thi, nên có hiện tượng học lệch.
Đánh giá về kỳ thi vừa qua, GS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Lương Thế Vinh cho rằng, cả 3 mục đích của kỳ thi này là làm giảm nhẹ căng thẳng, giảm nhẹ tài chính và chọn đúng thí sinh đều không làm được. Lý do là vì Bộ đã làm hết mọi việc, tạo sự quá tải không cần thiết. Bộ nên phân công trách nhiệm cho các đơn vị cấp dưới.
“Phải xem xét lại hai kỳ thi với quan điểm: Kỳ thi THPT giao cho cơ sở và làm rất nhẹ nhàng. Có thể làm bài như kiểu của ĐH Quốc gia, gồm nhiều môn thi trong một bài và kết hợp với xét học bạ. Còn kỳ thi ĐH thì giao quyền tự chủ cho các trường. Trường nào không thi thì có thể xét tuyển”, GS Văn Như Cương nói.
Đồng tình với nhiều ý kiến, GS Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Đại học, còn tuyển sinh ĐH, CĐ để các trường tự chủ, không cần điểm sàn; điểm của kỳ thi do các trường tự quyết.
Tiếp thu để điều chỉnh
Trả lời trước những ý kiến này, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD - ĐT khẳng định: “Thực tế, Bộ GD - ĐT không ép buộc các trường phải lấy kết quả của kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển. Các trường hoàn toàn có thể có đề án tự chủ tuyển sinh của mình để thực hiện. Kỳ tuyển sinh vừa qua, bên cạnh việc dựa một phần vào kết quả thi tốt nghiệp THPT quốc gia, có hơn 200 trường đã có phương án tuyển sinh riêng. Cụ thể, ĐH Quốc gia Hà Nội có đề án bài thi đánh giá năng lực. Bộ cũng rất muốn hệ thống các trường ĐH tự lực được công tác tuyển sinh của mình”.
Về đề thi, theo ông Mai Văn Trinh, sẽ được chuyển dần theo định hướng đánh giá năng lực người học chứ chưa thể ngay lập tức đánh giá. Bởi cách dạy học của THPT chưa hướng chuyển kịp. Số lượng câu hỏi theo hướng đánh giá năng lực đã càng ngày càng đậm hơn trong đề thi. “Có thể theo đặc thù từng môn, việc đánh giá năng lực thể hiện ở mức độ khác nhau, như môn Toán thì không thể thể hiện rõ như các bộ môn khoa học xã hội. Việc này chúng tôi chuẩn bị từng bước. Đề thi ấy không chỉ áp dụng cho học sinh ở những thành phố lớn mà áp dụng cho cả nước, trong khi điều kiện kinh tế xã hội vùng miền có khác nhau. Do đó, đề thi theo định hướng đánh giá năng lực là phải từng bước dần dần.
Liên quan đến ra đề thi và tổ chức các cụm thi, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Phạm Mạnh Hùng cho rằng, lâu nay Bộ vẫn luôn có sự đồng hành của các đơn vị cấp dưới. Cụ thể, Bộ đã phân cấp cho địa phương, các trường các công việc phù hợp. Chính các thầy cô giáo, các trường phổ thông là những thành viên ra đề thi. Việc tổ chức cụm thi cũng chính là các Sở GD - ĐT đề xuất và thực hiện. Hoặc trong việc tự chủ, Bộ đã giao cho các trường ĐH, nhưng việc này phải thực sự có năng lực mới làm được.
Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng cho biết, về thi, tuyển sinh 2015, Bộ đã có báo cáo Chính phủ và Quốc hội. Bộ GD - ĐT luôn lắng nghe và tiếp thu các ý kiến xây dựng của các chuyên gia. Đây là cơ sở quan trọng giúp Bộ sẽ có những điều chỉnh hợp lý để tổ chức kỳ thi 2016 thành công hơn.