Tạo cơ chế đặc thù thu hút sinh viên học các ngành 'nóng' về công nghệ thông tin

Hướng tới việc đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập quốc tế, Bộ Giáo dục - Đào tạo yêu cầu các đại học, học viện, các trường đại học có đào tạo Công nghệ thông tin (CNTT) trình độ đại học khẩn trương triển khai cơ chế đặc thù thu hút sinh viên học các ngành “nóng” về công nghệ thông tin từ nay tới năm 2020.

Những năm gần đây, ngành công nghệ thông tin (CNTT) luôn phát triển với tốc độ cao khiến cho nhu cầu về nhân lực cũng tăng cao.

An toàn thông tin là ngành quan trọng đang rất cần nhân lực CNTT trong tương lai. Ảnh: TTXVN

Theo Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT), một loạt các ngành Công nghệ thông tin “nóng” cần nhiều nhân lực hiện nay bao gồm các ngành Khoa học máy tính, Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu, Khoa học máy tính, Kỹ thuật phần mềm, Kỹ thuật máy tính, Hệ thống thông tin, Hệ thống thông tin quản lý, Công nghệ kỹ thuật máy tính, Công nghệ thông tin, An toàn thông tin và Công nghệ thông tin ứng dụng trong lĩnh vực kinh tế - xã hội (CNTT ứng dụng trong quản lý kinh tế; CNTT ứng dụng trong các ngành kỹ thuật…).

Việc cần có ngay một cơ chế đặc thù thu hút sinh viên học các ngành CNTT đang còn thiếu nhiều nhân lực kể trên là cần thiết nhằm hiện thực hóa Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông”.

Theo dự báo của Vietnamworks, với gần 80.000 nhân lực CNTT sẽ ra trường trong năm 2017 và 2018, so với nhu cầu tính đến cuối năm 2018, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 70.000 nhân lực về CNTT.

Còn Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết tổng số nhân lực trong ngành công nghiệp CNTT hiện nay là hơn 600.000 người, trong đó số lao động đang làm việc trong các ngành công nghiệp phần cứng - điện tử là khoảng 300.000 người. Số còn lại thuộc về lĩnh vực công nghiệp phần mềm và công nghiệp nội dung số. Cũng theo Bộ TT&TT, Việt Nam cần khoảng 1,2 triệu nhân lực CNTT vào năm 2020.

Tuy nhiên trên thực tế của Viện Chiến lược TT&TT (Bộ TT&TT), có tới 72% sinh viên ngành CNTT ra trường không có kinh nghiệm thực hành; 42% thiếu kỹ năng làm việc nhóm, 80% lập trình viên phải đào tạo lại. Đây là một nghịch lý đang kể khi có tới 2/3 trong tổng số 400 trường đại học và cao đẳng ở Việt Nam có đào tạo chuyên ngành CNTT.

Trước thực tế này, Bộ GD-ĐT gấp rút yêu cầu các đại học, học viện, các trường đại học có đào tạo các ngành CNTT trình độ đại học khẩn trương triển khai xây dựng Đề án áp dụng cơ chế đặc thù đào tạo nhân lực CNTT trình độ đại học trong giai đoạn 2017 - 2020.

Cụ thể, để thu hút các sinh viên theo học các ngành CNTT “nóng” kể trên, các cơ sở đào tạo được khuyến khích mở các ngành mới trong nhóm ngành CNTT, các ngành, chuyên ngành CNTT ứng dụng trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập quốc tế.

Các sinh viên đang học đại học hết năm thứ 1, 2, 3 các ngành khác nếu có nguyện vọng có thể được chuyển sang học các ngành CNTT ở trong cùng một cơ sở đào tạo hoặc chuyển sang các cơ sở đào tạo khác có đào tạo các ngành CNTT. Chỉ tiêu và điều kiện chuyển ngành học do thủ trưởng các cơ sở đào tạo quy định cụ thể theo hướng mở, công khai và đảm bảo các điều kiện đầu vào tối thiểu của chương trình đào tạo.

Để đảm bảo chất lượng đào tạo đi sát với nhu cầu doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo sẽ phải lên kế hoạch liên kết với doanh nghiệp để đảm bảo việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo, thực hành, thực tập và giảng viên tham gia đào tạo, các cơ sở đào tạo được tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo hướng mở rộng quy mô, mở rộng đào tạo văn bằng 2 và đào tạo song ngành trình độ đại học về CNTT. Hằng năm, các cơ sở đào tạo phối hợp với doanh nghiệp thống kê tỉ lệ sinh viên có việc làm, phân tích, đánh giá mức độ đáp ứng yêu cầu công việc của sinh viên tốt nghiệp để xác định chỉ tiêu tuyển sinh, điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp với thị trường lao động.

Các cơ sở đào tạo cũng cần có kế hoạch cụ thể để thu hút các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài, chuyên gia CNTT quốc tế tham gia công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học; khuyến khích chuyên gia, cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý có kinh nghiệm hoạt động nghề nghiệp của doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực CNTT. Các chuyên gia này là người có trình độ từ thạc sĩ trở lên hoặc tốt nghiệp đại học có từ 5 năm kinh nghiệm trở lên đúng ngành tham gia đào tạo.

Trên cơ sở thống nhất với doanh nghiệp đối tác về tỷ lệ thời gian tham gia đào tạo của các chuyên gia, cơ sở đào tạo được tính các chuyên gia là giảng viên cơ hữu phù hợp với tỷ lệ thời gian tham gia đào tạo để xác định chỉ tiêu tuyển sinh các ngành CNTT.

Nhân lực CNTT Việt Nam đang bị đánh giá là thiếu cả về chất và lượng. Một cơ chế đặc thù được lên kế hoạch đồng bộ là điều cần phải làm ngay để tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Lê Sơn/Báo Tin tức
Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới giáo dục
Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới giáo dục

Công nghệ thông tin đang thể hiện vai trò ngày một rõ nét trong đổi mới phương pháp dạy và học.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN