Một số ngành khó tuyển sinh dù nhu cầu của thị trường lao động lớn

Trong mùa tuyển sinh năm 2020 có một nghịch lý: Trong khi nhiều ngành điểm chuẩn rất cao, lại có ngành không tuyển sinh dù điểm chuẩn khá thấp và nhu cầu nhân lực cao. Thậm chí, có trường buộc phải dừng tuyển sinh một số ngành do không tuyển được.

Cụ thể, điểm trúng tuyển đại học bằng phương thức xét kết quả điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông tăng cao ở những ngành “hot” thu hút nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển. 

Đến hết ngày 7/10, Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh đã nhập học được 80% chỉ tiêu (khoảng trên 3.000 thí sinh). Năm nay, trường tuyển trên 3.500 chỉ tiêu, điểm chuẩn phương thức xét kết quả điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông tập trung ở mức từ 17 - 19 điểm, ngành cao nhất 21 điểm là Công nghệ chế biến thực phẩm. Còn lại, nhiều ngành có điểm chuẩn 15, 16 điểm.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tuyển sinh - Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, theo đề án tuyển sinh của trường, năm nay ngành Công nghệ vật liệu tuyển 50 chỉ tiêu, Khoa học thủy sản 60 chỉ tiêu. Tuy nhiên, dữ liệu chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo trước khi thực hiện quy trình lọc ảo, số thí sinh đăng ký xét tuyển vào 2 ngành quá ít, chỉ có khoảng 30 nguyện vọng mỗi ngành nhưng hầu hết là nguyện vọng 3, 4, chưa kể thí sinh đã có thể trúng tuyển nguyện vọng 1, 2. Do vậy, Trường dự kiến dừng tuyển sinh 2 ngành này. 

“Hai ngành này nhiều năm đã rất khó tuyển sinh. Năm 2019, ngành Khoa học thủy sản không tuyển được thí sinh nào, ngành Công nghệ vật liệu tuyển sinh được 13 thí sinh, chưa năm nào được 40 em. Khi vào chuyên ngành số lượng có tăng lên khi sinh viên ở các ngành công nghệ hóa học chuyển sang nhưng cũng không nhiều, chỉ khoảng 20 sinh viên. Còn ngành Công nghệ vật liệu thì nhu cầu xã hội rất cần, thậm chí các em học đến năm cuối thì đã có việc làm. Tuy nhiên, công việc khá nặng và phải đi xa nên kén thí sinh” - Thạc sĩ Phạm Thái Sơn chia sẻ.

Tương tự, tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), 3 ngành khó tuyển nhất là Địa chất học, Kỹ thuật địa chất, Hải dương học. Dù khó đạt chỉ tiêu nhưng trường vẫn duy trì bởi thực tế nhu cầu của thị trường lao động ở các ngành này vẫn rất lớn.

Còn Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, dù nhiều ngành điểm chuẩn rất cao, lên tới 27 điểm như ngành Robot và trí tuệ nhân tạo nhưng ngược lại vẫn có một số ngành khó tuyển sinh, như ngành Thiết kế thời trang tuyển được rất ít thí sinh. Ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường ở hệ chất lượng cao, dù điểm chuẩn bằng điểm sàn là 19,5 điểm nhưng vẫn khó tuyển được thí sinh. Trước đó, Đề án tuyển sinh năm 2020, trường đã ngừng tuyển sinh 2 ngành Công nghệ vật liệu dệt may và ngành Kỹ thuật nữ công bởi nhiều năm nay 2 ngành hầu như không tuyển được thí sinh. Năm nay trường tuyển sinh thêm 3 ngành mới gồm: Hệ thống nhúng và IoT; Kiến trúc nội thất; Thiết kế thời trang chương trình chất lượng cao. Trong đó, điểm chuẩn ngành Hệ thống nhúng và IoT khá cao 25 điểm.

Theo các chuyên gia tuyển sinh, điểm chuẩn năm nay tăng cao cũng nằm trong dự đoán trước đó. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến điểm chuẩn tăng cao, nhất là ở các ngành “hot”. Cụ thể, đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông dễ hơn năm trước do mục đích chính của kỳ thi năm nay là xét tốt nghiệp. Bên cạnh đó, các trường sử dụng nhiều phương thức xét tuyển như xét học bạ, tuyển thẳng, xét điểm thi đánh giá năng lực… nên chỉ tiêu cho xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông ít hơn. Trong khi đó, thí sinh tập trung đăng ký ở những ngành “hot” nên đã đẩy điểm chuẩn các ngành này tăng cao. 

Theo quy định, thí sinh trúng tuyển phải xác nhận nhập học trước 17 giờ ngày 10/10. Sau đó, các trường còn thiếu chỉ tiêu có thể xét tuyển bổ sung các đợt tiếp theo. Điểm trúng tuyển các đợt sau không được thấp hơn đợt 1. Các chuyên gia lưu ý, thí sinh chưa trúng tuyển nên theo dõi thông tin tuyển bổ sung của các trường để đăng ký xét tuyển. Dù ngành “hot” không còn chỉ tiêu nhưng các em nên cân nhắc chọn ngành phù hợp với năng lực, sở thích của bản thân. Các em nên đăng ký xét tuyển theo nguyên tắc ưu tiên chọn ngành yêu thích trước rồi mới tới chọn trường.

Thu Hoài (TTXVN)
Tuyển sinh đại học 2020: Nhiều nguyên nhân khiến điểm chuẩn tăng mạnh
Tuyển sinh đại học 2020: Nhiều nguyên nhân khiến điểm chuẩn tăng mạnh

Điểm chuẩn đại học năm 2020 tăng là điều đã được dự đoán ngay sau khi kết thúc Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN