Sáng 26/6, đoàn đã đến kiểm tra công tác thi tại điểm thi Trường Trung học phổ thông Kim Động và Trường Trung học phổ thông Nghĩa Dân (Hưng Yên). Ghi nhận công tác tổ chức của 2 điểm thi này, ông Mai Văn Trinh lưu ý việc thu bài thi, cất giữ bài thi phải thực hiện đúng quy chế. Các môn thi còn lại đều là bài thi trắc nghiệm, do đó giám thị cần phát đề và phiếu trả lời trắc nghiệm theo đúng nguyên tắc. Công tác coi thi cần đảm bảo nghiêm túc, an toàn tuyệt đối.
Làm việc với đoàn công tác, ông Nguyễn Văn Phê, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hưng Yên cho biết: Qua 3 buổi thi các môn Ngữ văn, Toán và Khoa học tự nhiên cho thấy, công tác tổ chức thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, nhiều thuận lợi. Toàn tỉnh có gần 13.000 thí sinh dự thi ở 29 điểm thi. Buổi thi môn Ngữ Văn, thí sinh đến dự thi đầy đủ, có 1 thí sinh bị viêm ruột thừa cấp, phải đi cấp cứu trước giờ thi. Với trường hợp này, Sở sẽ xem xét tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh theo đúng quy chế. Buổi thi môn Toán vắng 12 thí sinh và sáng 26/6, bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên có hơn 5.300 thí sinh dự thi, vắng 47 thí sinh.
Cả ba buổi thi, toàn tỉnh không có trường hợp thí sinh và cán bộ nào vi phạm quy chế.
Trong công tác thu và cất giữ bài thi, do đặc điểm địa hình của Hưng Yên tương đối thuận lợi, khoảng cách giữa các huyện về Sở không quá xa nên Sở đã yêu cầu, sau mỗi môn thi, các điểm thi thu bài, niêm phong bài thi, nộp và cất giữ bài thi của thí sinh tại Sở. Theo kế hoạch, ngày 29/6, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hưng Yên sẽ bắt đầu công tác chấm thi.
* Chiều 26/6, đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục kiểm tra, thị sát thực tế tại điểm thi Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền và điểm thi Trường Trung học phổ thông Hoàng Văn Thụ, tỉnh Nam Định.
Việc
tổ chức thi tại Nam Định được đánh giá là cơ bản thực hiện nghiêm túc, an
toàn, đúng quy chế. Ảnh: Công Luật/TTXVN
|
Sau khi kiểm tra 2 điểm thi, ông Mai Văn Trinh nhận xét: Không khí trường thi diễn ra yên bình, an toàn tuyệt đối. Mọi công tác được chuẩn bị chu đáo. Đặc biệt, công tác lưu trữ bài thi được Sở Giáo dục và Đào tạo Nam Định thực hiện nghiêm ngặt. Ngoài những yêu cầu theo đúng quy chế, Sở còn bổ sung một số quy định riêng để tăng cường tính bảo mật, an toàn. Với cách thức như vậy, các trường đại học, cao đẳng hoàn toàn có thể tin tưởng vào chất lượng kỳ thi, sử dụng kết quả để xét tuyển.
Ông Mai Văn Trinh lưu ý kỳ thi đã đi được 2/3 chặng đường. Sáng 27/6, các thí sinh sẽ dự thi bài thi cuối cùng – Bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội. Với bài thi này, khả năng các thí sinh dễ trao đổi và sử dụng các phương tiện gian lận nhiều hơn, vì vậy, các Sở cần tiếp tục siết chặt kỷ cương các điểm thi, không được lơ là, buông lỏng. Đặc biệt, quán triệt đến từng cán bộ coi thi, tuân thủ nghiêm túc việc thu bài thi đối với các môn thi thành phần. Đối với những thí sinh chỉ tham gia thi các môn thi thành phần, giám thị phải thu lại đề thi trước khi thí sinh ra khỏi phòng, trừ môn thi cuối cùng.
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định, đến thời điểm cuối ngày 26/6, kỳ thi diễn ra nghiêm túc, không có tình huống bất thường xảy ra. Tỉnh Nam Định có 19.784 thí sinh với 34 điểm thi. Trong đó, Sở đã bố trí mỗi huyện, thành phố có 1 điểm thi dành cho thí sinh tự do. Toàn tỉnh tổ chức 1 điểm thi dành cho các thí sinh vãng lai đến từ các tỉnh khác.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định đã phối hợp chặt chẽ với 5 trường đại học, cao đẳng trong công tác tổ chức thi, quy định rõ trách nhiệm của từng đơn vị. Tỉnh đã cố gắng sắp xếp các điều kiện ăn ở, đi lại tốt nhất cho cán bộ coi thi được điều động từ các trường đại học, cao đẳng. Đồng thời, các ban, ngành chức năng của tỉnh đã phối hợp cùng với Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch chi tiết để đảm bảo an toàn, an ninh tại từng điểm thi.
Trong công tác bảo mật đề thi, bài thi, Sở đã phát tem niêm phong đúng tiêu chuẩn đến từng điểm thi đồng thời, bổ sung một số quy định về việc cất giữ đề thi, bài thi để đảm bảo an toàn. Cụ thể như hòm đựng đề thi, bài thi sử dụng hai khoá, một khóa do trưởng điểm thi giữ và một khóa do phó trưởng điểm thi giữ, vì vậy, khi mở cần có cả trưởng và phó điểm thi có mặt.
Thị sát tại điểm thi Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền và Trường Trung học phổ thông Hoàng Văn Thụ, các phòng thi có cửa sổ hướng về khu nhà dân được đóng kín và dán niêm phong. Các phòng học, phòng chức năng cũng được dán niêm phong.
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Mai Văn Trinh yêu cầu Sở khi tổ chức chấm thi cần kiểm tra kỹ tem niêm phong trên các túi bài thi, đối chiếu và xác nhận các chữ ký của trưởng và phó điểm thi. Trước khi công bố kết quả thi, cần chạy đối sánh dữ liệu. Điểm thi sẽ được công bố trong ngày 11/7, các Sở tuân thủ đúng quy định, không được công bố trước gây ảnh hưởng tâm lý cho các địa phương khác.
* Chiều 26/6, tại cụm thi số 33, Thừa Thiên - Huế có 11.542 thí sinh đăng ký dự thi Ngoại ngữ, trong đó 11.431 em thi Tiếng Anh. Sau 60 phút làm bài, các thí sinh đã hoàn thành bài thi trong tâm trạng khá nhẹ nhàng, thoải mái.
Với môn Tiếng Anh, đa số các thầy cô giáo và học sinh đều có chung nhận xét, đề thi có khả năng phân loại thí sinh cao, nhiều thí sinh dự đoán đạt 7-8 điểm.
Cô Đặng Thị Hồng Liên, giáo viên bộ môn Tiếng Anh, Trường Trung học Phổ thông chuyên Quốc Học Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) đánh giá: Đề thi môn Tiếng Anh bám sát chương trình học, các bài đọc hiểu tương đối dễ, chủ đề khá gần gũi. Tuy nhiên, đề thi yêu cầu thí sinh có vốn từ vựng khá rộng mới có thể đạt được điểm cao, vì vậy đề phân loại thí sinh rõ rệt. Theo cô Đặng Thị Hồng Liên, với các em học lực khá, giỏi có thể đạt từ 8 điểm trở lên.
Thí sinh Đặng Trần Nhật Anh, tại điểm thi Trường Trung học Phổ thông chuyên Quốc Học Huế bước ra phòng thi với tâm trạng phấn khởi. Tự tin làm được hơn 80%, Nhật Anh cho biết đề thi độ khó vừa phải, trong vòng 60 phút các bạn vẫn có thể làm hết bài. Bài đọc khá đơn giản và dễ hiểu, đối với phần ngữ pháp thì có vài câu khó để phân loại thí sinh.
Cùng chung tâm trạng làm tốt bài thi, thí sinh Nguyễn Nhật An, lớp 12 Lý, Trường Trung học Phổ thông chuyên Quốc Học Huế cho rằng: Đề thi tương đối dài nhưng các bài đọc khá dễ hiểu. Nhật An chắc chắn làm tốt trên 70% và tự tin có thể đạt 7 điểm trở lên.
Đến từ trường Dân tộc Nội trú tỉnh Thừa Thiên - Huế, em Hoàng Thị Hồng Nhung (trú huyện Phong Điền) khá thoải mái vì làm được tốt 50% đề thi. Tuy nhiên, Hồng Nhung chia sẻ đề thi khá dài và khó hơn các năm trước.
Trong ngày thi thứ hai Kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia năm 2018, tại cụm thi 33, Thừa Thiên – Huế diễn ra nghiêm túc và đúng quy chế. Với bài thi Ngoại ngữ, tỷ lệ dự thi các bài thi Tiếng Pháp, Nhật, Trung đạt 100%, riêng bài thi Tiếng Anh có 49 thí sinh vắng mặt, trong đó có 18 thí sinh tự do.
Buổi sáng, với bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên có 1 thí sinh bị đình chỉ thi vì vi phạm quy chế thi tại điểm thi Trường Trung học cơ sở Chu Văn An (thành phố Huế).
* Ngày 26/6, hơn 9.600 thí sinh trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã bước vào ngày thi thứ 2 của Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018. Để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế đồng thời hỗ trợ, giúp đỡ cho thí sinh và người nhà, Tỉnh Đoàn Ninh Bình đã tiếp tục đồng hành với thí sinh thông qua chương trình “Tiếp sức mùa thi”. Trong những ngày qua, nhờ sự giúp sức từ các thanh niên tình nguyện mà nhiều thí sinh đã bớt căng thẳng, tự tin bước vào kỳ thi.
Các tình nguyện viên phát nước miễn phí cho thí sinh tại điểm thi trường THPT Lương Văn Tụy, thành phố Ninh Bình. Ảnh: Thùy Dung/TTXVN |
Theo đó, các cấp bộ Đoàn tỉnh Ninh Bình đã thành lập 58 đội hình thanh niên tình nguyện với trên 1.200 tình nguyện viên là sinh viên các trường đại học, cao đẳng, đoàn viên, thanh niên và người dân tại 25 địa điểm thi. Các đội hình thanh niên tình nguyện phối hợp với các cơ quan chức năng trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông tại khu vực các điểm thi và phát hiện, ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực lợi dụng kỳ thi ảnh hưởng đến thí sinh và người nhà thí sinh như gây mất an ninh, trật tự, trộm cắp, nâng giá... cũng như các sự cố bất thường về thời tiết, tai nạn giao thông.
Các cấp bộ Đoàn cũng đã vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ 1.000 thùng nước miễn phí; thành lập 40 điểm coi xe miễn phí đảm bảo cho trên 1.000 lượt xe/ngày; 25 điểm trông đồ miễn phí cho trên 1.200 lượt thí sinh và liên hệ hàng trăm nhà trọ miễn phí, giá rẻ, các địa điểm ăn uống đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho thí sinh và người nhà. Các tình nguyện viên cũng được phân công đưa đón, bố trí ăn, nghỉ cho các thí sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Những năm qua, chương trình “Tiếp sức mùa thi” do Tỉnh đoàn Ninh Bình triển khai đã phát huy mạnh mẽ tinh thần xung kích, tình nguyện trong đoàn viên, thanh niên, sinh viên tỉnh Ninh Bình. Năm nay, chương trình tiếp tục được tổ chức đảm bảo tiết kiệm, thiết thực, an toàn, đạt hiệu quả cao và có sự phối hợp đồng bộ giữa các tổ chức Đoàn với các cơ quan chức năng, thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên, sinh viên và các lực lượng xã hội nhiệt tình hưởng ứng.