Kính viếng vong linh liệt sỹ, AHLLVTND Mai Thị Nương, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang.
Khói từ nén nhang trầm cứ lơ đãng bay lên trong bầu không gian tĩnh lặng uy nghiêm của nhà bia tưởng niệm. Dì Năm Tốt, Ba Xoa mắt đỏ hoe khi tới cắm nhang vào chiếc lư hương rồi nhìn đăm đăm vào khuôn mặt chị Nương đang nở nụ cười tự tin, rạng rỡ rất lạ thường. Có lẽ trong giờ phút thiêng liêng này, chị đang tìm về bên đồng đội, người thân, quê hương, làng xóm.
Ngày đó, cô bé Nương được tiếng là ngoan hiền, xinh đẹp nhất xã Thạnh Hòa, huyện Kiên Bình này. Nhiều gia đình giàu có đánh tiếng xin tới nhà dạm hỏi nhưng đều bị chối từ.
- Bây tính sao đây Nương? Con gái lớn rồi thì phải lấy chồng như người ta, bộ tính “ở giá” cho mất mặt gia đình này sao? Tiếng ông giáo Út - cha Nương - trăn trở.
- Từ từ cha ơi. Con mới mười mấy tuổi, còn con nít lắm. Có chồng sớm người ta cười chết. Nương chống chế.
Nhắc chừng vậy thôi, chớ ông giáo Út hiểu tánh nết con gái mình quá đi chớ. Ai đời con gái mà mê nghe chuyện diệt ác, trừ gian, công đồn giặc đến mất ăn mất ngủ. Nhiều lần ông thấy Nương lén la lén lút đọc rồi ghi chép, vẽ hình coi bộ lạ lắm. Hổng lẽ… nó theo Việt Cộng. Lạy trời đừng trúng như suy nghĩ của ông. Có chuyện gì thì cả nhà chết hết. Nghĩ vậy nhưng rồi ông tự trấn an: nhà mình nhiều lần nuôi chứa Việt Cộng nằm vùng, vậy mà ông có sợ gì đâu. Có lần ông phát hiện Nương nửa đêm lấy cái gối ôm phủ lên đó cái mền to đùng rồi lẳng lặng xuống mé sông chống xuồng đi tới gần sáng mới về nhà. Cả nhà cứ tưởng con nhỏ đang ngủ ngon lành trong cái mền kia, chỉ có ông bắt đầu nhận ra điều khác thường ấy. Vậy mà ông cứ im lặng như một sự thỏa thuận, đồng tình...
Đêm ba mươi tối đen như mực. Nước ngoài sông lớn đầy tràn trong tiếng bìm bịp kêu ra rả. Nương vừa xuống tới mé sông định chống xuồng đi thì nghe tiếng nói khẽ:
- Bây đi đâu giờ này? Tao biết chuyện này lâu rồi nhưng giấu không cho má mày hay sợ bả lo. Bây đi theo Việt Cộng phải hôn? Tiếng ông Giáo khàn khàn, đứt quãng.
- Cha tha lỗi cho con. Con ức quá mới xin chú Tư, chú Bảy cho con đi làm giao liên góp phần giết giặc. Con thề sẽ diệt cho được thằng Sang ác ôn để trả thù cho bà con xứ này. Nương nói, giọng chắc nịch.
- Bây đi tao hổng cấm cản gì ráo. Nhưng là con nít, lại là con gái phải hết sức cẩn thận nghe hôn. Nói xong ông rút cái khăn rằn trên đầu đưa cho Nương rồi quay về nhà, tâm trạng lo lắng vô chừng. Con nhỏ nói phải lắm. Ai chớ thằng Sang đại đội trưởng biệt kích xứ này ai mà hổng rành. Rành vì nó nổi tiếng gian ác đã từng bắn chết hàng trăm người dân vô tội. Nó còn là hiện thân của loại qủy dữ đầy thú tính khi cầm dao lóc thịt, mổ bụng lấy gan, mật của Việt Cộng cho tới chết rồi thản nhiên bỏ vào chảo mỡ làm mồi nhậu để khủng bố tinh thần dân chúng miệt Kiên Bình này. Ức lắm chớ. Nhiều lần Việt Cộng phục kích tiêu diệt nhưng nó thoát chết. Sau những lần ấy, nó càng ác độc, lồng lộn như con thú điên.
Chiếc xuồng năm lá cứ thả trôi trên sông. Nương vẫn giữ vẻ bình tĩnh trong chiếc áo bà ba tim tím, thỉnh thoảng lại cười rất tươi mỗi lần qua chốt gác của địch. Một… hai… năm chốt. Đến chốt thứ sáu thì Nương nghe tiếng quát rất lớn.
- Tấp xuồng vô. Có gì trên đó? Đi đâu giữa trưa nắng chang chang vậy? bộ đi làm giao liên cho Việt Cộng phải hông? Tiếng người lính ăn mặc rằn ri cất lên cùng tiếng lên đạn nghe rôm rốp để thị uy.
- Anh Hai nói vậy tội nghiệp em. Thân em lo còn chưa xong lấy đâu đi làm giao liên cho Việt Cộng. Nương nài nỉ. Vừa nói Nương đã luồn tay vào mấy cái cần xé chất đầy chuối già trong mui ghe để nắm chắc khẩu súng côn 45 đạn đã lên nòng. Với Nương, bảo vệ công văn, sơ đồ tuyệt mật quan trọng hơn bao giờ hết, dù phải hy sinh nhất định không để rơi vào tay giặc.
- Vậy chớ em đi đâu? Nắng nôi quá làm tụi anh sốt ruột quá trời.
- Cha má ép em lấy chồng, khổ nỗi em đâu có thương người ta, mai mốt ở chung rồi khổ cho đôi đàng. Bởi vậy em lén nhà chèo xuồng xuống Gò Quao ở với bà con vài hôm rồi tính.
- Tội nghiệp hôn. Thôi đi đi. Dìa dưới nhắm hổng chịu thằng nào thì dìa đây lấy anh, anh để trên đầu suốt ngày. Tiếng người lính trêu chọc cười ha hả trên sông.
Vậy là lần thứ bao nhiêu Nương thoát nạn mà chính chị cũng không nhớ hết được. Mỗi lần vượt qua đồn bót địch, Nương lại thủ sẵn cho mình một vai diễn rất ngon lành. Trong những lần tổ chức cho nhân dân biểu tình đòi bồi thường hoa lợi do bọn địch bắn phá gây nên hay đấu tranh đòi thả tù chính trị, Nương rất xông xáo, khôn khéo vận động, lúc ẩn, lúc hiện khiến bọn giặc không làm sao bắt được người nữ chỉ huy rất trẻ nhưng già dặn kinh nghiệm đấu tranh.
Buổi họp dưới hầm chớp nhoáng chỉ có tám người trong đội diệt ác trừ gian. Trong ánh sáng đèn mù u mờ mờ, tiếng chú Tư Thép, Bí thư Huyện ủy đanh chắc:
- Chuyến này hạ quyết tâm diệt bằng được đại đội thám báo của thằng Sang. Chuyện này tao giao con Nương chỉ huy. Bây thấy sao?
- Được mấy chú, mấy anh tin tưởng giao, tụi con quyết tâm hoàn thành cho bằng được. Tiếng Nương, Năm Tốt, Ba Xoa cùng cất lên.
Cả phòng họp nhốn nháo bởi tiếng chó sủa liên hồi. Tiếng xe lội nước ngày càng rõ hơn. Hỏa châu địch bắn sáng rực cánh đồng. Hàng trăm tên lính biệt kích bao vây căn hầm. Tiếng súng đại liên nổ giòn dã rào rào trên mặt ruộng. Hầm bí mật đã bị lộ.
- Bây rút đi. Lộ rồi. Để tao ở lại chống càn. Tiếng chú Tư Thép sang sảng trong tiếng đạn đì đùng.
- Không chú ơi! Nhân dân còn chờ chú lãnh đạo giải phóng quê hương, có bề gì thì tụi con ân hận lắm. Nương nói rất to rồi vọt lên miệng hầm chạy băng băng về phía mé sông. Bảy người còn lại dưới hầm ruột đau như cắt. Họ hiểu chị hy sinh thân mình để họ được sống. Ngay lập tức bọn giặc đuổi theo bóng chị trên cánh đồng mênh mông. Vừa chạy, Nương vừa bắn trả rất quyết liệt đến viên đạn cuối cùng.
Trong phòng thẩm tra, tiếng tên quận trưởng thì thầm khuyến dụ:
- Cô còn trẻ, đẹp người, con nhà gia giáo, can chi đi theo Cộng sản để bị tra tấn tới mức này. Mau khai hết đi, tôi hứa bảo đảm bí mật rồi đưa cô qua Mỹ để phục hồi thân thể. Cô còn phải có chồng, còn phải nghĩ cha mẹ mình nữa chớ.
- Ông im đi. Tôi theo cách mạng là lý tưởng của tôi. Dù chết tôi cũng không có gì hối tiếc.
- Ngài quận trưởng chớ nói dài dòng với con nhỏ Việt Cộng này. Tôi đã xẻo thịt nó đem chiên trước mặt mà nó cứ trơ trơ. Số nó tới đây chấm dứt rồi.Tiếng thằng Sang quát lên. Nói đoạn nó cầm con dao xông tới đâm thẳng vào bụng chị như con thú dữ say mồi.
“…Hồ Chí Minh muôn năm, Đảng Lao động Việt Nam muôn năm…”. Tiếng hô vang lên rồi nhỏ dần theo những dòng máu túa ra bắn đầy lên khuôn mặt tên sát nhân. Hắn điên cuồng moi gan, mật ra cho hả giận với đôi mắt đỏ chạch, hả hê. Chị đã hy sinh khi vừa tròn 20 tuổi, lứa tuổi đẹp nhất của người con gái. Điều đau đớn nhất là thân xác chị đã bị chúng băm nát rồi bí mật ném xuống sông như trốn chạy một người anh hùng, trung kiên với Đảng, tận hiếu với dân.
Cuộc biểu tình tại chợ Kiên Bình đông đảo người dân hơn bao giờ hết. Già, trẻ, gái, trai, chức sắc chức việc các đạo giáo đều tham gia. Khẩu hiệu “đả đảo Mỹ - Diệm giết hại đồng bào, giết hại chị Mai Thị Nương” treo đầy nhà lồng chợ, dọc theo các con lộ, con sông, cánh đồng. Ban đầu giặc cản ngăn quyết liệt nhưng thấy khí thế quá sôi động nên đành phó mặc. Đây là điều kiện mở đường cho cuộc tập kích vào đồn Ngọc Chúc, hang ổ của đại đội Thám báo địch do tên ác ôn Sang cầm đầu. Tiếng pháo gầm vang. Tiếng đạn giao tranh sáng rực góc trời. Tiếng xung phong của quân giải phóng ào ạt tiến lên như nước vỡ bờ.
- Phải diệt cho bằng được cái đồn này trả thù cho con Nương. Tiếng chú tư Thép hạ lệnh.
Trong đồn, bọn giặc hốt hoảng bắt đầu cuộc tháo chạy. Tiếng thằng Sang quát nạt:
- Trở lại tử thủ. Thằng nào bỏ ngũ tao bắn liền.
Mặc. Bọn lính cứ ném súng, lột đồ, giơ tay xin hàng chạy băng băng hướng về phía tiếng súng tấn công. Tiếng reo hò chiến thắng lại vang lên. Thằng Sang tay cầm súng chạy thục mạng ra phía sau đồn rồi bò theo mé bờ mẫu con đê tới gần mé sông định tìm xuồng chạy trốn. Đoành. Đoành. Đoành. Ba phát súng căm hờn đanh gọn nổ chát chúa từ khẩu súng của chú Tư Thép đã kết liễu đời tên ác ôn gây nhiều nợ máu với nhân dân. Hắn nằm co quắp dưới chân đê, đôi mắt trừng trừng hoảng sợ.
Tin thắng trận làm nức lòng người dân Kiên Bình, nhất là chuyện thằng Sang thám báo bị bắn lòi phèo làm ai nấy hài lòng hả dạ. Vậy là chị Nương đã được rửa thù. Nhà nhà bảo nhau làm mâm cơm cúng vái hương hồn chị về đây chứng giám giờ phút trả thù.
Trong ngôi nhà nhỏ xóm chợ Giồng Riềng và khu nhà bia tưởng niệm mang tên Mai Thị Nương, mỗi ngày có nhiều người dân ghé thăm, kính viếng vong linh người con gái kiên trinh đã được phong tặng danh hiệu liệt sỹ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
- Tất cả rồi sẽ qua đi theo dòng thời gian, nhưng cái chết của chị Nương sẽ còn sống mãi với quê hương, đất nước. Tiếng dì Ba Xoa nói khẽ. Trên khuôn mặt già nua ấy bỗng xuất hiện những dòng nước mắt nhớ thương quay quắt.
Trong gió, trong mây, trong sự an bình của xứ sở Giồng Riềng, người dân nơi đây đi đâu cũng bắt gặp đôi mắt ngời sáng lạc quan yêu đời, bắt gặp một ngọn đuốc trung kiên đang rực lửa đấu tranh anh dũng của nữ liệt sỹ anh hùng tuổi 20 - Mai Thị Nương.
Thanh Liêm