Người thỉnh chuông chùa...

Lão Khía sống ở khúc sông này ngót nghét cũng gần hết đời người. Mấy mươi năm quăng lưới kiếm sống qua ngày lão chỉ biết lấy cuộc đời sương gió làm vui. Một túp lều lá, một chiếc giường đôi, một vài cái bát và chiếc nón tơi cũng đủ làm nên thân phận một con người. Lão không có vợ con nhưng hàng ngày thường qua lại nhà chùa thăm nom lũ trẻ và coi chúng như con. Chùa nằm trên rừng thông thoai thoải gần sông. Cổng chùa lúc nào cũng nghi ngút khói hương nhưng lại là nơi chất chứa nhiều buồn đau oán hận của người đời.

Nơi đây có người mẹ trẻ quấn con mình trong đống tã lót rồi mang bỏ, khói hương không làm ấm nổi thân phận một con người. Đứng ở chỗ này quay mặt về sông thể nào cũng nhìn thấy dáng lão Khía ngồi bất động. Khúc sông ấy người chết trôi hay vướng lại. Có phải vì vướng lưới lão Khía, hay vì đó là khúc quành nước sông chảy chậm? Mà cũng có khi trôi đến nơi này thì nghe thấy tiếng chuông chùa, hồn bỗng thanh thản lìa khỏi xác. Hồn về cõi thiên thu còn xác nhẹ bẫng nổi lên trên mặt nước, bao nhiêu oán hận theo tiếng gõ mõ tụng kinh rơi xuống chìm nghỉm dưới đáy sông sâu. Có điều hơi lạ khi hầu hết những thi thể lão Khía vớt được đều là trẻ con. Cũng có khi thấy lưới nặng trĩu, hò nhau cất lên thấy nguyên hình mẹ bồng con…

Minh họa: Trần Thắng.



Nghe nói lão Khía cũng từng là một đứa trẻ mồ côi sống lang thang dọc bờ sông được nhà chùa đón về bao bọc và che chở. Lớn lên lão Khía nhớ sông nên ra khỏi chùa dựng chòi canh sông từ độ đó. Dưới sông có gì làm lão nhớ thương đến vậy ư? Là hơi ấm của linh hồn bao người mẹ còn vấn vít đâu đó dưới đáy sông. Khi còn là đứa trẻ mồ côi, trong giấc mơ lão hay gặp những linh hồn đáng thương ấy đi tìm con dọc bờ sông. Đôi khi họ nhận nhầm lão là con họ. Đôi khi giữa đêm mưa lạnh lão được ủ ấm nhờ một người đàn bà bất hạnh trong mơ. Sau này mỗi lần vớt xác mẹ bồng con lão đều nghĩ đến vòng tay mẫu tử.

Đó là vòng tay yêu thương đầy nghiệt ngã khi người mẹ đành lòng mang theo con về thế giới bên kia. Dù cho sự sống ấy họ không có quyền tước bỏ cùng nỗi hận thù nặng trịch để trầm mình chìm sâu dưới đáy sông kia. Những đứa trẻ bất hạnh đã không được chọn nơi mình sinh ra càng không được quyền chọn sự sống hay cái chết. Cuộc đời của chúng đôi khi phụ thuộc vào trò chơi số phận của người lớn. Nên mỗi lần nghe tin đâu đó có người mẹ ôm theo con nhảy sông tự tử là lão Khía lại ngồi nhìn xoáy dưới đáy sông. Mà có biết bao nhiêu con sông chảy dọc đất nước này. Bao nhiêu đáy phù sa ôm trong lòng oán hận. Chuông chùa hãy ngân lên đi, ngân vang lên nữa…

Bọn trẻ trong chùa được đặt tên theo thứ tự Nhất, Nhị, Tam, Tứ. Gọi thế cho dễ nhớ, cũng chẳng cần kỳ vọng gì nhiều qua những cái tên hoa mỹ. Thằng Nhất hiền khô, nó bị mẹ bỏ rơi trước cổng chùa nằm ngủ ngoan trong hơi ấm khói hương. Hơn chục năm lớn lên trong chùa tuyệt nhiên không thấy nó khóc lần nào, tựa như sinh ra chỉ để nhoẻn cười mặc cuộc đời có phũ phàng thế nào đi nữa. Giờ nó đã mười bảy tuổi, chiều nào cũng quét lá chùa và chăm chỉ trồng nghệ vàng phơi khô tán mỏng bán cho khách thập phương chữa bệnh.

Tiền kiếm được mang đong gạo, phụ nhà chùa nuôi mấy đứa em. Thằng Nhị bị bỏ bè trôi sông, trôi đến khúc quành này thì đói sữa khóc váng lên. Lão Khía bơi ra bế vào bờ, thằng nhỏ im bặt, dụi đầu vào ngực lão. Nhị hay ốm, người xanh xao yếu ớt, ngoài các loại bệnh tật thông thường nó còn mắc căn bệnh “nhớ sông”. Ngày còn bé mỗi lần nó khóc váng lên không ai dỗ dành nổi là lão Khía lại bế nó ra sông. Chỉ có tiếng sông mới vỗ về được những giấc ngủ sâu của Nhị.

Du khách vào viếng chùa hay thấy Nhị nằm ở chiếc chõng tre sau hiên, mắt nhắm nghiền thỉnh thoảng nhoẻn cười. Không phải Nhị ngủ mơ đâu, chẳng qua là Nhị nằm nghe những âm thanh xao động xung quanh. Mấy ai hiểu được sức sống tiềm tàng trong thân xác xanh xao ấy ngoài lão Khía. Bởi vậy mà lão cưng nó nhất. Thỉnh thoảng còn dẫn nó ra bờ sông, để nó nằm gối đầu lên chân lão nghe tiếng cá quẫy dưới sông, tiếng gió trườn qua mặt nước. Mà cũng kỳ lạ thật, lão sống gần hết đời với sông nước mà còn không đoán nổi lúc nào sông nhiều cá lúc nào không. Vậy mà thằng Nhị chỉ cần nằm gần sông cũng biết khúc sông nào tiếng cá quẫy nhiều, khúc sông nào không có cá. Bởi vậy mà có nó đi cùng thì ít khi lão phải về không. Nhưng dạo này thằng Nhị không chịu đi cùng lão ra sông. Nó thích nằm ở vườn chùa nghe lá rụng hơn nghe cá quẫy. Có lần lão hỏi nó:

- Sao tự nhiên cháu lại không thích ra sông?

- Vì sông càng ngày càng nhiều tiếng khóc than ai oán. Cháu không còn nghe thấy tiếng nước trôi mềm mại nữa. Cả tiếng cá quẫy cũng không.

Nhiều lúc lão nghĩ hay là nó nghe thấy tiếng khóc than của chính nó mười bốn năm về trước. Cùng với tiếng kêu cứu trong tuyệt vọng của mấy đứa Ngũ, Lục, Thất, Bát đã không có may mắn sống tiếp kiếp làm người. Tên chúng không được gọi lên mỗi bữa cơm, mỗi bận khách du lịch đến phát quà, hay mỗi sáng sư thầy vén màn đánh thức. Tên của chúng được đặt trên bia mộ nằm lặng lẽ sau chùa. Đứa có mẹ ủ ấm dưới lòng đất lạnh chắc cũng đỡ tủi thân. Lại có đứa nằm một mình nghe thông reo lẫn trong mùi gió sông tanh nồng mùi bùn đất cá tôm và phù sa quện lẫn.

*
*                    *

Đêm nằm, Lão Khía nghe thấy tụi nhỏ tính chuyện ước mơ. Thằng Tứ bảo:

- Ước chi anh em tụi mình lập thành gánh xiếc đi chu du khắp nơi như cậu bé An trong “Đất rừng phương Nam” ý. Gánh xiếc gồm bốn đứa tụi mình, biểu diễn trên thuyền cứ trôi dọc sông Tranh này đi ra đến biển luôn.

- Chị chả thích, gánh xiếc phải có chú khỉ thông minh như Giô-li-cơ và ba chú chó Ca-pi, Dec-bi-no và Đôn-xơ trong gánh xiếc của cụ Vitaly mới thích - Con Tam quả quyết vậy. Nó vốn là bé gái thông minh, ham đọc sách và thích khám phá thế giới xung quanh. Sư thầy có một kho sách quý khiến cái Tam thích lắm. Ngoài giờ đến trường, nhặt củi nấu cơm và giặt quần áo cho mấy anh em là Tam lại nhốt mình trong phòng đọc sách. Tam thích đọc sách thuốc, thú vị nhất là thỉnh thoảng nó bắt gặp nhiều cây thuốc có trong vườn chùa hay trên đường đi học. Nó cứ ước ao sau này được đi khắp nơi tìm kiếm nhiều phương thuốc quý để không có người mẹ nào còn bị bệnh chết như mẹ thằng Tứ nữa. Mà mẹ thằng Tứ bệnh gì nó đâu có biết, chỉ nghe nói là bệnh nặng lắm. Cha Tứ bán hết ruộng nương, nhà cửa chạy chữa mãi không được đành nhìn mẹ nó chết dần mòn. Sư thầy không bao giờ kể về cái chết, người mượn tiếng chuông chùa rung lên cõi bình yên. Nhưng đến năm mười hai tuổi mỗi chiều kiếm củi ngoài vườn chùa, nghe tiếng chuông ngân vọng trong tâm tưởng là Tam đã biết buồn.

Ngoài sách về các bài thuốc quý thì Tam còn tìm thấy một vài cuốn tiểu thuyết hay. “Không gia đình” của Hecto Malot là cuốn sách Tam thích nhất. Nó thấy sư thầy ấm áp như người mẹ Bac-ber-ranh còn lão Khía chẳng khác nào cụ Vitaly nghiêm khắc nhưng đôn hậu. Nếu không có nhà chùa, sư thầy và lão Khía thì tụi Tam cũng đâu khác gì những đứa trẻ bất hạnh trong “Không gia đình”. Tam đọc nhiều, biết nhiều và cũng hay hỏi nhiều. Một trong những câu nó từng hỏi là tại sao nhiều người mẹ lại ôm theo con cùng chết? Tại sao những đứa trẻ ấy lại phải chết vì những lỗi lầm thuộc về người lớn? Sư thầy trả lời bằng tiếng tụng kinh. Lão Khía trả lời bằng cái nhìn đăm đắm xuống lòng sông…

Lòng sông Tranh này nhiều năm về trước lão Khía cứu được mẹ con Tam trong một ngày mưa. Mẹ Tam vì uất hận người tình mà ôm đứa con gần sáu tuổi tự vẫn. Sau khi được cứu sống mẹ Tam hóa điên bỏ lại con rồi trôi dạt một phương trời xa xôi nào đó. Tam không bao giờ nhắc đến mẹ như thể nó coi dòng sông kia đã nhấn chìm mẹ nó nhiều năm về trước. Đôi khi Tam nghĩ hình như nó cũng đã chết từ buổi chiều hôm ấy. Có bao nhiêu đứa trẻ đã không có cơ hội để hỏi mấy câu đau nhức nhối như Tam. Tam giận sông, giận lây những ngày mưa, chỉ ước sau này lớn đi đâu đó thật xa những con sông. Và hình như cái ước mơ được đi khắp mọi miền hái lá thuốc quý của nó còn ẩn chứa cả mục đích đi tìm cha thằng Tứ. Vì có lần nó nghe sư thầy nói cha thằng Tứ sau khi ôm con đến chùa gửi gắm đã xách ba lô nhảy tàu Bắc Nam đi mưu sinh kiếm sống. Người cha ấy hứa nhất định sẽ trở về nhưng đã mười ba năm rồi không thấy có ai quay lại. Hỏi sao cha mẹ mình không tìm mà lo tìm cha người khác? Tam cười bảo chỉ nên đi tìm những người đã để lại lời hứa hẹn.

- Còn anh Nhị, nói em nghe xem anh ước gì nào?

- Lập một gánh xiếc à? Cũng hay đấy nhưng anh chỉ thích trồng vườn thôi. Một khu vườn thật rộng, trồng đủ loại hoa trái. Mùa nào hương đấy, vụ nào vị đấy. Chỉ đứng một chỗ nhắm chặt mắt cũng ngửi thấy cả đất trời rồi. Chẳng gì thích thú bằng. Chúng ta sẽ mở tiệc trái cây. Chúng ta cũng cần một gánh xiếc góp vui. Nhưng anh thích ăn bánh mì. Ai sẽ làm chủ lò nướng nhỉ? Ai nào? Ai nào?

Đó là những phút giây hồn nhiên hiếm hoi của Nhị. Khi nó không còn nghe thấy tiếng ai oán dưới lòng sông đang chảy xiết. Lão Khía ngồi khâu lại từng vết lưới rách và nghĩ đến một ngày nào đó mình không còn đủ sức ra sông quăng lưới. Lão rồi cũng già nua, xanh xao như thằng Nhị. Đêm ngày nghe mơ hồ một nỗi nhớ sông, nhớ người không rõ nghĩa. Cả đời không thoát khỏi kiếp mồ côi, có những câu hỏi không bật nổi thành lời. Sư thầy đã già lắm rồi, ngay cả tiếng gõ mõ tụng kinh nhiều khi chưa kịp vang lên đã trôi vào kiếp khác. Đời người sống đến kiệt cùng là để đi vào chốn lãng quên. Quên đời và quên mình. Quên mọi cảm giác đau đớn, phiền muộn hay lòng thù hận chót bám vào thơ ấu sơ nguyên. Ơn trời đưa bao kiếp nạn của đời về được dưới mái hiên chùa trú ngụ. Để trưa nay lão Khía có thể nghe thấy tiếng con trẻ trong veo nói với nhau về những ước mơ. Hình như chúng đang ước cho cả phần đời của lão.

- Còn anh Nhất, anh muốn làm thầy giáo, phi công hay thợ nướng bánh nào?

Nhất cười bảo:

- Anh chỉ muốn làm người thỉnh chuông chùa…

Bùi Quang Dũng


Ký ức “Giàn gừa”
Ký ức “Giàn gừa”

Trong hơi men ngà ngà say loại rượu đế Ba Thán vốn là món “ độc chiêu” của huyện Phong Điền này, chú sáu Hiền kể vanh vách về sự linh thiêng làm hàng chục người khách ngồi nghe mặt xanh như tàu lá.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN