Mẹ sắp bữa cơm tất niên theo phong tục lâu năm trong gia đình để cúng tổ tiên. Năm nào cũng vậy, mẹ ưu tiên những món bố thích. Mà món bố thích cũng chẳng có gì nhiều: Bát canh cua đồng ăn với cà pháo, cá kho, giò xào và đĩa rau ngồng luộc. Dĩ nhiên, không thể thiếu bánh chưng và hành muối. Bánh chưng bác Hiệu gửi ở quê lên. Những chiếc bánh thơm phức mùi lá dong và mùi nếp cái hoa vàng. Chưa ăn, chỉ hít hà thôi mà đã cảm thấy mùi Tết ùa vào trong căn nhà nhỏ. Mẹ nấu ăn ngon lắm, nhưng mỗi lần thưởng thức bánh chưng của bác Hiệu mẹ đều tấm tắc bảo: Không thể có bánh nào hảo hạng hơn con ạ! Khi đó, Miên thường ôm lấy mẹ đùa: Có lẽ ngoài vị ngon của bánh, còn có cả tình cảm yêu thương của quê hương mẹ nhỉ. Quê của bố mà, cái gì liên quan đến bố mà mẹ chả thấy đẹp và ngon. Mẹ mắng yêu: “Con gái nói hay nhỉ, ngon thì mẹ khen ngon mà!”.
Mỗi lần nhắc đến bố, mẹ luôn vui, vui như thể bố vẫn còn hiện hữu trong căn nhà của hai mẹ con Miên, dù bố đã đi xa 5 năm nay rồi.
Bố Miên mắc một căn bệnh hiểm nghèo. Để cứu bố, mẹ đã bán đi gần hết gia sản trong gia đình. Bố và mẹ đều làm công ăn lương. Bố Miên là bộ đội, mẹ Miên làm ở Công ty vệ sinh môi trường. Căn nhà to bán đi mua căn nhà bé để lấy tiền chữa chạy cho bố, nhưng rồi bố cũng không thể ở lại trên cõi đời này.
Mẹ là người phụ nữ mạnh mẽ. Mẹ đã là điểm tựa để Miên vượt qua được những ngày qua, dù Miên biết rằng, mẹ đau khổ còn gấp trăm lần mình. Công việc của mẹ lầm lũi đêm ngày dù mưa hay nắng. Có người nghĩ rằng, đó là công việc nặng nhọc và không vinh quang gì, người đời vẫn thường bảo, làm công việc quét rác là tận cùng của xã hội, nhưng với Miên, mẹ kiếm tiền bằng sức lao động của mình thì chẳng có gì xấu hổ. Mẹ đã nuôi Miên ăn học và thi đỗ vào trường Đại học Y, ngôi trường mà Miên ao ước đặt chân vào để được làm một người bác sĩ giỏi, có thể hiểu thêm tận căn nguyên căn bệnh quái ác như của bố Miên, để có thể được giúp đỡ một ai đó trong cuộc đời này cho bớt đi những nỗi khổ đau mà Miên và mẹ Miên đã phải hứng chịu.
Lan man với dòng suy nghĩ, Miên giật mình bởi cái ôm của mẹ:
- Mẹ đã thắp hương cúng xong rồi, lát nữa con hóa vàng rồi ăn nhé. Mẹ ăn tạm bát cơm nguội này rồi đi làm đã, hôm nay mẹ làm gần khu nhà mình thôi. Lát nữa về mẹ ăn cơm sau. Con gà mẹ đã làm sạch sẽ để luộc cúng giao thừa. Con luộc gà để ý nhé. Lần này coi như mẹ kiểm tra trình độ cô sinh viên đại học của mẹ. Con gà luộc mà bị xấu là bố lại cười con gái không biết nấu nướng gì cả, sau này không có chàng nào rước đâu…
- Không có ai thì con ở với mẹ càng vui chứ sao!
- Thôi đi cô ạ, tôi chả cần, cô đến tuổi cứ đi lấy chồng đi cho tôi nhờ!
Đã chuẩn bị tươm tất mâm cỗ cúng giao thừa, bên cạnh mâm ngũ quả, đĩa xôi gấc đỏ, đĩa chè kho mẹ đã chuẩn bị sẵn, Miên bóc bánh chưng và đặt con gà mình vừa luộc, không đẹp như bàn tay khéo léo của mẹ nhưng tạm ổn, lên bàn thờ. Cô nở nụ cười rạng rỡ với di ảnh của bố:
- Bố ơi, con đã hoàn tất các thủ tục đón giao thừa rồi, chỉ hơn một tiếng nữa là có pháo hoa rồi bố nhé. Giờ con đi ra phố đón mẹ về đây.
Miên khoác thêm chiếc áo khoác mỏng rồi đi bộ ra phố. Con đường quen thuộc về nhà cô trong đêm 30 bỗng chốc đẹp lạ lùng. Nhìn vào nhà ai nơi con ngõ nhỏ cũng đèn nhấp nháy đủ màu sắc. Những tiếng cười, tiếng trò chuyện hân hoan của nhà hàng xóm vọng ra. Ai ai cũng đang chuẩn bị cúng giao thừa để đón năm mới. Cô như nghe được cả tiếng chiếc lá rơi trong đêm trên con đường sạch đẹp, con đường có bàn tay của mẹ cô và những đồng nghiệp của mẹ cô quét dọn để điểm tô cho một Thủ đô văn hiến.
Miên nhìn xa đã thấy bóng mẹ đẩy chiếc xe đạp và một cái gì ở phía sau khá nặng. Cô chạy nhanh đến phía mẹ để đỡ hộ bà:
- Gì mà cồng kềnh thế hả mẹ?
- Ôi chả biết, nhà ai ném đi một tải đồ cũ, chắc người ta dọn dẹp đón năm mới. Mẹ kiểm tra thấy nhiều đồ còn tốt lắm. Mà thơm phức nhé. Chắc của nhà giàu. Thôi mình mang về cho mấy đứa cháu nhà bác Hiến ở quê con ạ!
- Vâng, mẹ đưa con dắt xe cho, mẹ giữ phía sau hộ con.
... Miên đang châm nến trên bàn thờ giúp mẹ để chuẩn bị đón giao thừa thì nghe tiếng gõ cửa. Cô chạy ra. Một chàng trai cao to với đôi kính cận đang thở gấp hỏi:
- Xin lỗi, cho mình hỏi đây có phải là nhà cô Thủy không ạ?
- Vâng ạ, anh hỏi mẹ em có việc gì?
- Ôi may quá, mình hỏi mãi mới tìm được nhà. Mình hỏi xem mẹ bạn có nhặt được một túi quần áo cũ không?
- Có đấy cháu ạ, mẹ Miên từ trong nhà bước ra, của cháu à, cháu muốn lấy lại à? Cô vẫn để đây này, thấy đồ còn tốt nên cô định giữ lại cho mấy bà con nghèo ở quê!
- Vâng, cháu xin lỗi cô, cháu rất cần một chiếc áo trong ấy, cô có thể cho cháu xin lại không?
- Cháu vào đây, tất cả đây, cháu lấy tất cũng được mà, cô cũng mới chỉ mở ra thấy còn thơm tho nên giữ lại, chứ chưa lục gì trong đó.
- Vâng ạ, cô cho phép cháu… Ôi đây rồi ạ. Chàng thanh niên lấy ra một chiếc áo len màu nâu đã cũ nhưng vẫn còn lành lặn, mắt anh bỗng rưng rưng sau cặp kính. Miên đã rót một cốc nước chè xanh mang đến gần bảo: Nếu anh không vội thì mời anh ngồi uống chén nước, đằng nào cũng sắp đến năm mới rồi. Coi như anh vào xông đất cho nhà mẹ con em!
- Cháu xin lỗi cô, chuyện này không nên nói ra nhưng vì đã đến nhà cô vào giờ này rồi thì cháu cũng phải nói: Đây là chiếc áo mẹ cháu đan cho bố cháu khi mẹ cháu còn sống. Mẹ cháu mất 5 năm nay rồi, trong một tai nạn. Bố cháu đã lấy vợ mới. Bố cháu vẫn treo chiếc áo này trong tủ như một kỷ vật. Nhưng cô biết đấy, cô vợ mới của bố cháu đã dọn đồ cũ và vứt nó đi thế này đây. Hôm nay tình cờ cháu hỏi bố vì định hỏi mượn bố để mặc thì tìm mãi không thấy. Hỏi ra mới biết. Cháu không thể để mất chiếc áo này, cháu đi tìm, hỏi mãi nhà cô. Cháu chỉ sợ không phải là cô mà người nào đi đường nhặt được thì không biết chiếc áo lưu lạc ở nơi nào. May quá…
Nhìn gương mặt người thanh niên vui vẻ khi tìm thấy chiếc áo kỷ niệm, Miên bỗng thấy ấm áp đến lạ thường. Mẹ Miên thì cứ ngồi vậy mà khóc. Câu chuyện của ba người cứ kéo dài đến khi nhìn lên đồng hồ thì đã qua thời khắc chuyển giao năm mới. Mẹ Miên mời anh chàng ở lại đón giao thừa cùng mẹ con Miên. Anh chàng là sinh viên năm cuối của trường Đại học Xây dựng. Một người thanh niên sống tình cảm và biết trân trọng những kỷ niệm. Cuộc sống quả là có những phép nhiệm màu. Và với Miên, giao thừa đến với gia đình cô dù muộn, nhưng là một cột mốc đáng nhớ trong cả cuộc đời…