Xây dựng không gian văn hóa công cộng ở TP Hồ Chí Minh - Bài 1: Còn ít và đơn điệu

So với các thành phố lớn trên cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh sớm có sự thúc đẩy phát triển không gian văn hóa công cộng trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị.

Tuy nhiên, ghi nhận thực tế cho thấy, các không gian văn hóa công cộng của thành phố còn nhiều hạn chế, cần giải pháp quy hoạch, chiến lược quảng bá nghệ thuật cụ thể nhằm tạo sự phong phú, điểm nổi bật trong phát triển diện mạo Thành phố Hồ Chí Minh.

Bài 1: Còn ít và đơn điệu

Với dân số hơn 10 triệu người, Thành phố Hồ Chí Minh bước đầu đã quan tâm đến hệ thống không gian công cộng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của người dân, hình thành những điểm nhấn nhất định trong bức tranh đô thị của thành phố. 

Điểm nhấn hiếm hoi

Chú thích ảnh
Nhà thờ Đức Bà là biểu tượng văn hóa du lịch của TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Theo Viện Nghiên cứu phát triển thành phố, hiện Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 10 quảng trường, 22 công viên. Nổi bật là Quảng trường Công xã Paris, nơi có chức năng “chuyển tiếp” và kết nối khu vực thương mại dịch vụ trên đường Đồng Khởi với khu vực văn hóa, ngoại giao trên đường Lê Duẩn. Điểm nhấn của quảng trường này là Nhà thờ Đức Bà với lối kiến trúc thanh thoát, bên cạnh là Bưu điện trung tâm đậm nét phương Tây đã trở thành “ký ức” của cư dân thành phố. 

Tồn tại hơn hai thế kỷ, Công viên Tao Đàn trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Quận 1) với hơn 1.000 cây xanh cổ thụ được ví như lá phổi xanh của thành phố. Với không gian rộng hơn 3,5 ha, bao quanh bởi các địa điểm tham quan nổi tiếng, lâu đời của thành phố như Dinh Độc Lập, Nhà thờ Đức Bà và Bưu điện Thành phố, Công viên 30/4 (Quận 1) được mệnh danh là “quán cà phê ngoài trời” lớn nhất thành phố, nơi tụ họp quen thuộc của giới trẻ mỗi dịp cuối tuần…

Nhắc đến hệ thống công viên thành phố không thể không nhắc đến Thảo Cầm Viên - vườn thú có tuổi thọ đứng thứ 8 trên thế giới với hàng trăm loại động vật quý hiếm, điểm tham quan, du lịch và khám phá thế giới động vật độc đáo của thiếu nhi thành phố. Mỗi dịp cuối tuần, tại khoảng sân trước Đền thờ Vua Hùng ở Thảo Cầm Viên, Nhà hát Nghệ thuật hát bội Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Bảo tàng Lịch sử thành phố tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật quảng bá, giới thiệu hát bội đến đông đảo khán giả.  

Với quy mô lớn, trên khoảng 400 ha, Khu Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc (Quận 9) là công trình tiêu biểu của khu vực phía Nam. Đây là nơi thực hiện các nghi lễ Giỗ Tổ hàng năm, đồng thời là điểm tham quan, học tập, vui chơi giải trí, góp phần giáo dục các thế hệ trẻ về niềm tự hào dân tộc, tôn vinh giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống.

Đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thưởng thức nghệ thuật của người dân thành phố cũng như khách du lịch, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai các không gian phố đi bộ. Trong đó, phố đi bộ Nguyễn Huệ khởi đầu cho một loại hình không gian công cộng đa năng, độc đáo mang nhiều màu sắc mới mẻ. Đây cũng là địa điểm tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật truyền thống, lễ hội, đường hoa... thu hút hàng vạn lượt người đến tham quan, trở thành điểm đến văn hóa của người dân mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Ra đời sau phố đi bộ Nguyễn Huệ, phố đi bộ Bùi Viện được người dân thành phố gọi với cái tên “phố Tây”, hoạt động từ 19 giờ đến 2 giờ. Vốn là con đường tập trung đông khách du lịch, ngoài hoạt động vui chơi, giải trí, ẩm thực phục vụ người dân, đây còn là địa điểm biểu diễn xiếc, ảo thuật của các nghệ nhân đường phố.

Vài năm trở lại đây, sự xuất hiện của đường sách Nguyễn Văn Bình (Quận 1) làm nên một địa chỉ văn hóa mới của thành phố. Không gian đường sách với nhiều hoạt động từ mua bán sách, giới thiệu tác phẩm, tổ chức sự kiện, giao lưu tác giả được người dân, giới trẻ đặc biệt quan tâm. Năm 2019, nơi đây đã trở thành điểm hẹn của văn hóa đọc với thư viện khổng lồ giữa lòng thành phố nhộn nhịp, thu hút hơn 3 triệu người, trong đó 30% là khách nước ngoài.

Chị Nguyễn Thu Giang (người dân ở Quận 3) cho biết, những ngày cuối tuần, chị cùng gia đình ghé đường sách Nguyễn Văn Bình để tham quan, tìm những đầu sách bổ ích. Với lợi thế không gian thoáng mát, yên tĩnh, đây được cho là điểm đến ấn tượng cho những người đam mê sách. Chị Giang cho rằng, những không gian văn hóa đặc sắc như đường sách giúp tăng cường sự gắn kết giữa người dân, đồng thời tạo ra nét đặc trưng của thành phố mang tên Bác.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thanh Thúy, thành phố luôn mong muốn tạo thêm nhiều điều kiện thụ hưởng văn hóa thường xuyên cho người dân, tạo không gian văn hóa nghệ thuật đa dạng, gần gũi tại khu vực trung tâm. Do đó, việc thực hiện chương trình nghệ thuật đường phố định kỳ nhằm đem lại sản phẩm nghệ thuật đạt chất lượng, góp phần kích cầu du lịch, tạo điểm đến cho du khách trên địa bàn thành phố.

Nhằm đem đến cái nhìn tươi sáng hơn cho các không gian văn hóa công cộng, việc triển khai nhiều dự án theo định hướng thiết kế về không gian công cộng của thành phố trong khu vực trung tâm như: Công trình cải tạo Công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trước Ủy ban nhân dân thành phố; khu công viên phụ trợ Central Park ven sông Sài Gòn (Quận 2); dự án cải tạo nâng cấp đường đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1) cùng với ý tưởng thiết kế chi tiết Công viên 23/9 (Quận 1), khai trương tuyến phố đi bộ Nguyễn Tri Phương (Quận 10)… đã từng bước khái quát toàn cảnh bức tranh không gian công cộng mới, đa chức năng, đáp ứng nhiều loại hình lễ hội thường niên, sinh hoạt giải trí đường phố.

Chưa đáp ứng nhu cầu

Bên cạnh những điểm sáng, không gian công cộng ở thành phố vẫn chưa được quy hoạch, quản lý, phát triển đúng tầm, tương xứng với tốc độ đô thị hóa và tầm nhìn chiến lược của thành phố.

Theo ông Lê Hồng Nhật, Viện Nghiên cứu phát triển thành phố, phát triển không gian công cộng đang là thách thức lớn đối với thành phố khi không gian công cộng tại các đô thị bị thu hẹp và biến dạng. Nhiều công viên bị xâm lấn để lấy đất cho nhà đầu tư xây dựng. Nhiều dự án ưu tiên phát triển các loại hình mang tính lợi ích kinh tế cao như nhà ở, khu mua sắm mà rất ít sự ưu tiên cho khu vực vui chơi, sinh hoạt cộng đồng.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Vinh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học, nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, với những không gian hiện hữu, một số địa điểm thiết kế còn nghèo nàn, đơn điệu, chưa hội tụ được sức sống, sức hút với cộng đồng cư dân đa dạng. Ngoài ra, các không gian tiềm năng như diện tích mặt nước, ven bờ sông, kênh rạch, hệ thống vỉa hè, ngõ hẻm… của thành phố đang bị lãng phí bởi sự quản lý chưa hiệu quả và áp lực từ việc lấn chiếm, xâm hại môi trường...

Các khu vực trên phố đi bộ Nguyễn Huệ vẫn thiếu tác phẩm nghệ thuật công cộng. Hạ tầng và tiện ích phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí tại các công viên truyền thống như Bạch Đằng, 30/4, 23/9, Tao Đàn… vẫn còn lạc hậu, thiếu sự phong phú, đa dạng và bản sắc.

Theo nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Phương Thảo, không gian văn hóa công cộng của thành phố đang rất thiếu và nghèo. Những năm gần đây, trong quá trình quy hoạch, thành phố đã làm mất một số di sản văn hóa, mất đi hồn cốt của đô thị. Thành phố tuy có thêm nhiều tuyến phố đi bộ nhưng cần đầu tư để có thêm nội dung văn hóa, nghệ thuật nhằm tạo sự phong phú, đa dạng và giàu bản sắc...

Anh Nguyễn Tấn Đạt (người dân Quận 1) cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh tuy rộng lớn nhưng chỉ cần một buổi sáng có thể tham quan hết các địa điểm lịch sử, văn hóa ở khu vực trung tâm. Anh mong muốn thành phố có thêm nhiều không gian văn hóa hơn nữa để người dân và du khách xem thành phố là địa điểm khám phá thú vị.

Nhiều nhà nghiên cứu về văn hóa cũng đề cập đến không gian “vỉa hè” bởi đây không chỉ là không gian dành cho người đi bộ mà còn là không gian có chức năng văn hóa, kinh tế - không gian chia sẻ lợi ích cho mọi đối tượng. Tuy nhiên, hiện thành phố chưa có quy hoạch về sử dụng vỉa hè khoa học và chia sẻ lợi ích trên nền tảng không gian công cộng. Bên cạnh đó, thành phố cần chú trọng thiết kế và xây dựng một số không gian nghệ thuật công cộng như, khu vực đường sách Nguyễn Văn Bình, khu vực ven bờ kè kênh Nhiêu Lộc… theo hướng thân thiện, hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giàu sức sống, bản sắc văn hóa dân tộc. 

Bài cuối: Kiến tạo không gian văn hóa xứng tầm

Thu Hương (TTXVN)
Lễ hội 'Mảnh ghép nước Đức' tại Thành phố Hồ Chí Minh
Lễ hội 'Mảnh ghép nước Đức' tại Thành phố Hồ Chí Minh

Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh trân trọng quan hệ hợp tác với Đức trong thời gian qua và cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực tăng cường hợp tác song phương trong thời gian tới. Đó là khẳng định của ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh sáng 28/11, tại Lễ hội "Mảnh ghép nước Đức" do Tổng lãnh sự quán Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức  nhân kỷ niệm 30 năm thống nhất nước Đức (1990-2020) và 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Đức (1975-2020).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN