TP Hồ Chí Minh tìm giải pháp di dời nhà trên kênh rạch

Mặc dù, TP Hồ Chí Minh xác định việc di dời nhà ven và trên kênh rạch là một trong những chương trình hành động và nhiệm vụ trọng tâm nhưng đến nay, tiến độ di dời diễn ra rất chậm do thiếu vốn và thiếu cơ chế chính sách.

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh có nhiều nhà ven và trên kênh rạch cần được di dời để đảm bảo mỹ quan đô thị. 

Còn nhiều vướng mắc

Chị Lê Thanh Huyền, ngụ kênh Thanh Đa (phường 27, quận Bình Thạnh) cho biết, gia đình chị đã sống ven kênh hơn 10 năm qua. Cuộc sống ven kênh rất ô nhiễm nên gia đình chị và nhiều người dân ở đây đều mong muốn sớm được di dời, tái định cư ở nơi mới. Tuy nhiên, do các chính sách hỗ trợ tái định cư sau khi di dời chưa phù hợp nên người dân chưa đi.

“Trên thực tế, người dân sinh sống tại ven kênh rạch Thanh Đa gặp nhiều khó khăn. Mỗi đợt triều cường, mưa gió, nước sẽ ngập lênh láng từ đường đi đến nhà ở; chưa kể nguy cơ sạt lở sau những đợt triều cường, mưa lớn khiến người dân nơi đây luôn sống trong thấp thỏm, lo lắng. Vì thế, chúng tôi rất muốn được đến nơi khác tái định cư ổn định hơn, chỉ mong sao chính sách hỗ trợ phù hợp là chúng tôi sẽ di dời ngay”, chị Lê Thanh Huyền chia sẻ. 

Hiện nay, hệ thống kênh rạch trong nội thành TP Hồ Chí Minh có 5 tuyến chính với tổng chiều dài hơn 105 km. Tuy nhiên, hệ thống này ngày càng bị thu hẹp và ô nhiễm. Vì vậy, để cải thiện môi trường đô thị, từ năm 1993, TP Hồ Chí Minh thực hiện việc di dời nhà ven và trên kênh rạch nhưng tiến trình di dời vẫn diễn ra rất chậm. Cụ thể, trong giai đoạn từ năm 1993 - 2020, Thành phố mới di dời được hơn 38.185 trên tổng số hơn 65.000 nhà cần di dời; giai đoạn từ năm 2021 đến 2025, Thành phố mới chỉ di dời được 2.867 căn trên tổng chỉ tiêu 6.500 căn. 

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên, Hội quy hoạch kiến trúc TP Hồ Chí Minh cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng di dời nhà ven và trên kênh rạch diễn ra chậm chủ yếu là do khó khăn về nguồn vốn đầu tư. Tính đến nay, mới có 5/14 dự án được tiếp tục bố trí vốn để bồi thường, tái định cư. Trong khi đó, các dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch được đề xuất thuộc danh mục các dự án trọng điểm, cấp thiết phải đầu tư, nhưng so với các dự án hạ tầng khác lại không được chọn là cấp bách, ưu tiên hàng đầu.

Mặt khác, các dự án còn vướng ở thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng... như dự án chỉnh trang rạch Ụ Cây, do Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn (Resco) đầu tư theo hình thức BT từ năm 2009. Công ty đã thực hiện xong giai đoạn 1 (giải tỏa nhà trên kênh). Năm 2015, Resco tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 là giải tỏa nhà ven kênh. Tuy nhiên, do Luật Đất đai 2013 có hiệu lực dẫn đến một số vướng mắc. Điều này dẫn đến dự án chậm giao đất cho nhà đầu tư, nhà đầu tư chậm thu hồi vốn và đến nay dự án vẫn "dậm chân tại chỗ".

Tương tự, ông Trần Minh Thơ, nguyên Trưởng phòng bồi thường và giải phóng mặt bằng, Sở Tài Nguyên và môi trường TP Hồ Chí Minh cho biết, ngoài vấn đề vốn, các dự án di dời, giải tỏa nhà ven và trên kênh rạch còn gặp các khó khăn về pháp lý, thẩm định giá, giải tỏa, đền bù, tái định cư, bảo đảm sinh kế cho người dân bị giải tỏa... Đa số các dự án di dời nhà ven và trên kênh rạch đều không có pháp lý về quyền sử dụng đất, chủ yếu là nhà lấn chiếm một phần trên đất, một phần trên kênh rạch… Mặt khác, tại các quận, huyện và thành phố Thủ Đức cũng chưa chuẩn bị trước quỹ nhà ở cho người dân sau khi di dời. Một số hộ dân cũng không đủ điều kiện để nhận bồi thường, đa số các hộ này chỉ nhận hỗ trợ khoảng 30 - 40% nên rất khó để chuyển sang nơi ở mới. 

Tận dụng vốn từ Nghị quyết 98

Theo TS. Dư Phước Tân, Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, để giải quyết các khó khăn về vốn, TP Hồ Chí Minh có thể tận dụng từ các cơ chế đặc thù, cụ thể là Nghị quyết 98. Hiện nay, trong Nghị quyết này, TP Hồ Chí Minh có thể vận dụng một số điều khoản về ưu tiên vốn cho các dự án trọng điểm để tạo nguồn kinh phí vốn cho các dự án di dời; hoặc cho việc giải tỏa, bồi thường giải phóng mặt bằng; xây dựng quỹ nhà ở để cho người dân sau khi di dời có nơi ở mới. 

"Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh có thể vận dụng quy định về tài chính - ngân sách, được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do điều chỉnh phí, lệ phí. Đây là khoản thu TP Hồ Chí Minh có thể sử dụng đầu tư cho công tác giải tỏa, di dời, cải tạo nhà ven và trên kênh rạch. Như vậy, khi triển khai Nghị quyết 98 hiệu quả sẽ giúp cho TP Hồ Chí Minh giải bài toán từ khó khăn do thiếu vốn ngân sách cho các dự án giải tỏa, di dời, tái định cư và ổn định cuộc sống cho các hộ dân trên và ven kênh rạch ở thành phố...", ông Dư Phước Tân chia sẻ thêm.

Chú thích ảnh
Người dân sống ven kênh rạch TP Hồ Chí Minh thấp thỏ lo âu về triều cường và sạt lở ven sông, ô nhiễm môi trường...

Liên quan đến việc bồi thường, ông Trần Minh Thơ cho biết, khi triển khai chương trình di dời nhà ven và trên kênh rạch, những người làm chính sách tái định cư căn cứ theo mục tiêu "không để lại ai phía sau" nên việc giúp cho người dân có chỗ ở sau khi di dời khá quan trọng. Theo đó, các nhà làm chính sách đã đề xuất chính sách hỗ trợ cho thuê hoặc mua căn hộ tái định cư dưới 1 tỷ đồng/căn, nếu người dân không đủ tiền có thể áp dụng chính sách cho thuê, cho mua trả chậm hàng tháng...

Với góc độ nhà quản lý, ông Lý Thanh Long, Chánh Văn phòng Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết, sắp tới, Sở sẽ kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh quan tâm, ưu tiên cân đối, bố trí nguồn vốn cho các dự án sử dụng vốn ngân sách. Sở cũng hướng dẫn  UBND các quận, huyện, cụ thể là Quận 6 giải quyết dứt điểm 88 căn chưa di dời do khiếu nại về chính sách, đơn giá bồi thường của dự án kênh Hàng Bàng giai đoạn 2. 

"Đặc biệt, Sở đã xây dựng đề án, trình UBND TP Hồ Chí Minh giải pháp thí điểm cho tất cả các đối tượng là hộ gia đình đang có nhà trên, ven kênh rạch được thuê nhà ở xã hội (hoặc mua tùy khả năng) để người dân ổn định cuộc sống. Sau khi đề án được UBND TP Hồ Chí Minh thông qua, Thành phố sẽ tạo điều kiện để UBND các quận, huyện triển khai và đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường của dự án", ông Lý Thanh Long nói.

Theo các chuyên gia quy hoạch, về lâu dài, TP Hồ Chí Minh cần có  quy hoạch cụ thể về chỉnh trang, cải tạo dọc kênh rạch để có quỹ đất đủ lớn, thu hút nhà đầu tư phát triển dự án. Trong đó, có thể kết hợp xây dựng kết nối giao thông thủy, đường bộ gắn với tạo quỹ đất lớn để thu hút được nhà đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) để tăng nguồn vốn cho dự án. Ngoài ra, khi bồi thường dự án, hỗ trợ cho người dân phải theo mức bằng giá thị trường hoặc cao hơn  để người dân đồng thuận di dời theo đúng quy định. 
 

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Công an TP Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân không sử dụng, mua bán, vận chuyển 'cỏ Mỹ'
Công an TP Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân không sử dụng, mua bán, vận chuyển 'cỏ Mỹ'

Theo Công an TP Hồ Chí Minh, hiện nay, người dân nhất là giới trẻ đang hiểu sai về "cỏ Mỹ" khi nghĩ đây là một loại thảo dược. Tuy nhiên "cỏ Mỹ" là một dạng ma túy tổng hợp cực mạnh và có tác hại gây nghiện, gây "ngáo đá", ảo giác, thậm chí là tử vong.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN