TP Hồ Chí Minh nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính - Bài 2: Hành trình gian khó

Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều nhiệm vụ, kế hoạch nghiên cứu và quản lý phát thải khí nhà kính trên địa bàn; thực hiện các giải pháp nhằm giảm lượng thải của khí nhà kính từ hoạt động sản xuất, sinh hoạt, giao thông…, bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên, quá trình triển khai còn khó khăn, hạn chế về nhiều mặt khiến tình trạng này chưa được khắc phục triệt để.

Nhiều giải pháp

Chú thích ảnh
Đoàn viên, thanh niên tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường. Ảnh minh họa: Nguyễn Xuân Dự/TTXVN

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, giai đoạn từ năm 2015 đến nay, hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường đã được các cấp, ngành, địa phương quan tâm và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Từ đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng về bảo vệ môi trường.

Qua 5 năm thực hiện, thành phố đã tổ chức hơn 20 buổi hội thảo tập huấn hướng dẫn kỹ thuật triển khai kế hoạch giảm nhẹ khí nhà kính, khuyến khích áp dụng các mô hình sản xuất sạch, sử dụng nguyên liệu sạch, thân thiện với môi trường cho hơn 600 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất thép, sản xuất ô tô - xe máy... Thành phố cũng đã triển khai các chương trình “3T trong trường học” (tiết giảm - tái sử dụng - tái chế chất thải), “Xây dựng trường học xanh”, “Truyền thông học đường về bảo vệ môi trường” cho học sinh tại hơn 2.000 trường học các cấp từ mầm non đến trung học phổ thông…

Các sự kiện lớn về môi trường như, Giờ Trái đất, Ngày Trái đất (22/4), Ngày Môi trường thế giới (5/6)... được phát động tại 24 quận, huyện trên toàn thành phố. Bên cạnh đó, nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng cũng được tổ chức thông qua các tư liệu, tranh ảnh, chiến dịch truyền thông đại chúng, phương tiện truyền thông; các cuộc thi sáng tác, viết, vẽ, tìm hiểu pháp luật về môi trường; cuộc vận động quần chúng tham gia bảo vệ môi trường, đặc biệt là Cuộc vận động thực hiện Chỉ thị 19-CT/TU ngày 19/10/2018 của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về thực hiện Cuộc vận động “Người dân thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước” trên toàn thành phố.

Hàng năm, hoạt động “Ngày Chủ nhật xanh” được Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh phát động với sự tham gia của trên 2.000 lượt đoàn viên, thanh niên trên địa bàn nhằm giải quyết các vấn đề bức xúc về môi trường… Từ năm 2015-2020, các đoàn viên thanh niên đã thu dọn trên 15 tấn rác thải; khơi thông gần 50km dòng chảy, kênh mương; phát tặng hơn 5.000 túi đựng rác làm bằng nguyên liệu bột ngô, trên 500kg túi nilon vi sinh thân thiện môi trường cho các hộ dân. Bên cạnh đó tổ chức trồng mới trên 10.000 cây xanh tại các tuyến đường, khu dân cư, điểm “nóng” về vệ sinh môi trường trên địa bàn 24 quận, huyện của thành phố.

Từ năm 2020, thành phố bắt đầu thực hiện kiểm kê khí thải xe máy, bảo dưỡng các xe có nồng độ khí thải cao và loại bỏ xe có nồng độ vượt quy định. Qua đó, khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện di chuyển công cộng, nhiên liệu xăng sinh học thay thế nhiên liệu truyền thống. Thành phố cũng tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường không khí, xử phạt nghiêm hành vi vi phạm của cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, khu, cụm công nghiệp cũng như các hoạt động xây dựng. 

Thời gian qua, thành phố còn chủ động tham gia nhiều dự án hợp tác quốc tế về quản lý phát thải khí nhà kính. Giai đoạn 2015-2017, thành phố tham gia “Dự án Hỗ trợ lên kế hoạch và thực hiện các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia” (Dự án SPI-NAMA) do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp triển khai, bước đầu thực hiện kiểm kê lượng phát thải khí nhà kính trên địa bàn, thẩm tra năng lực của hệ thống đo đạc và lập kế hoạch giảm nhẹ phát thải cho thành phố trong thời gian tới.

Trước đó, từ năm 2013, Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với thành phố Osaka (Nhật Bản) thực hiện “Chương tình phát triển thành phố các-bon thấp” nhằm xây dựng mô hình dự báo phát thải khí nhà kính áp dụng các công nghệ tiên tiến từ Nhật Bản. Ngoài ra, Nhóm Mô hình tích hợp châu Á Thái Bình Dương (gọi tắt là nhóm AIM) cũng đã tổ chức tập huấn cho cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường về phương pháp sử dụng mô hình tích hợp AIM để cụ thể hóa xu hướng phát thải trong tương lai tại thành phố và xác định các chỉ tiêu giảm thiểu vào năm 2030.

Còn hạn chế

Chú thích ảnh
Người dân xả rác ra môi trường khiến các cống thoát nước bị nghẹt, gây ngập tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa: Mạnh Linh/Báo Tin tức

Bên cạnh những kết quả tích cực, việc triển khai giải pháp giảm thiểu khí nhà kính trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều hạn chế. Số liệu từ các hoạt động kiểm kê khí nhà kính chưa thật sự đầy đủ và bao quát hết các lĩnh vực, ngành nghề, đặc biệt là hoạt động sản xuất nông nghiệp tại 5 huyện ngoại thành của thành phố.

Theo đó, nhiều nông dân thiếu ý thức trong xử lý chất thải nông nghiệp, sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu tràn lan, không theo chỉ định làm sản sinh ra các loại khí độc hại, gây ảnh hưởng đến môi trường. Tuy nhiên, các dự án kiểm kê khí nhà kính lại không thể thống kê đầy đủ mức ảnh hưởng đến đâu do phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán còn phổ biến và tình trạng chăn nuôi tự phát, không đảm bảo vệ sinh môi trường chưa được xử lý triệt để.

Chỉ thị 19 của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh được triển khai quyết liệt trong thời gian qua nhưng kết quả thu được đến nay còn hạn chế do ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của một bộ phận người dân chưa cao. Nhiều người chưa tự giác phân loại chất thải rắn tại nguồn hoặc có phân loại thì đơn vị thu gom rác lại không đủ phương tiện để tiêu hủy và tái chế đúng cách, khiến khí nhà kính sản sinh từ các nguồn chất thải này không được kiểm soát triệt để.

Khảo sát năm 2019 của Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, tỷ lệ các hộ dân trên địa bàn trả lời có phân loại chất thải rắn sinh hoạt trước khi được thu gom đạt 87,4% nhưng số lượng rác được phân loại thực tế chỉ chiếm chưa đến 20% tổng lượng rác thải rắn của thành phố. Nguyên nhân do bộ máy thu gom, xử lý rác không đồng bộ, không hoạt động theo quy củ. Trong khi một số hộ dân đã có ý thức phân loại rác tại nhà, người đi thu gom rác vẫn đổ chung rác vào một xe để vận chuyển đến bãi tập kết, khiến người dân cảm thấy công sức của họ trở thành vô nghĩa nên họ không thực hiện phân loại.

Một nguồn phát thải chưa được kiểm soát khác là khí CO2 từ các hoạt động tàu cảng. Theo tính toán của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), hiện các cảng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đang phát thải khối lượng lớn với hàng trăm nghìn tấn khí CO2 ra môi trường nhưng đến nay chưa có biện pháp khắc phục. Cụ thể, cảng Bến Nghé mỗi năm thải trên 5.000 tấn CO2; cảng Sài Gòn - Hiệp Phước khoảng 7.750 tấn CO2/năm; cảng xăng dầu Thanh Lễ phát thải khoảng 38.000 tấn CO2/năm... Ngoài ra, các phương tiện tàu biển, nhất là tàu cũ, lạc hậu, phát thải nhiều khí độc do hiệu suất đốt cháy nhiên liệu thấp và chưa có hệ thống xử lý khí thải cũng đang là nguồn gây ô nhiễm lớn.

Đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo, Thành phố Hồ Chí Minh chưa vận động được đông đảo người dân chuyển sang dùng các loại năng lượng sạch và thân thiện với môi trường, đặc biệt là nguồn phát điện từ năng lượng mặt trời do giá thành đầu tư cao, trong khi giá bán điện chưa được nhà nước hỗ trợ. Theo thống kê của Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 2011 - 2017, thành phố chỉ tiết kiệm được 3.100 triệu kWh điện từ việc sử dụng năng lượng mặt trời, giảm khoảng 2 triệu tấn CO2, tức là chưa đến 1/30 tổng lượng phát thải. Thực tế này cho thấy, mục tiêu giảm phát thải nhà kính của Thành phố Hồ Chí Minh muốn thành công cần nhiều giải pháp bao quát và lâu dài hơn./.

Bài cuối: Cần sự chung tay góp sức từ cộng đồng

Hồng Giang (TTXVN)
TP Hồ Chí Minh nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính - Bài 1: Những con số báo động
TP Hồ Chí Minh nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính - Bài 1: Những con số báo động

Tốc độ phát triển kinh tế, tăng trưởng dân số và đô thị hóa lớn nhất cả nước đã mang đến nhiều cơ hội, lợi thế cho Thành phố Hồ Chí Minh trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN