Các hoạt động nổi bật đó là Lễ kỉ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911-5/6/2021) diễn ra tại Bến Nhà Rồng - Bảo tàng Hồ Chí Minh Chi nhánh TP Hồ Chí Minh; khai mạc triển lãm ảnh và các hiện vật về Bác Hồ; dâng hương, dâng hoa tại tượng đài Bác và chương trình biểu diễn nghệ thuật (trực tuyến) nhân kỉ niệm 110 ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước...
Tại Lễ kỉ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước tại Bến Nhà Rồng (Quận 4), ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã ôn lại chặng đường gian lao của Bác trong quá trình đi tìm đường cứu nước.
"Người thanh niên chí lớn Nguyễn Tất Thành đã nung nấu quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước trong bối cảnh đất nước đang chìm đắm trong nô lệ, dân tộc Việt Nam chịu cảnh khốn cùng dưới hai tầng áp bức: đế quốc, thực dân và phong kiến. Nhiều cuộc khởi nghĩa của các tầng lớp nhân dân từ Nam chí Bắc và nhiều phong trào đấu tranh do các văn, chí sỹ yêu nước lãnh đạo đều lần lượt thất bại. Với lòng kính trọng và khâm phục ý chí đấu tranh giành độc lập dân tộc của các bậc tiền nhân, đúc kết những kinh nghiệm chưa thành công, nung nấu quyết tâm tìm con đường mới, Bác Hồ đã rời Tổ quốc đi tìm tự do cho đồng bào, tìm độc lập cho Tổ quốc và sau này con đường Bác chọn đã thành hiện thực", Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh nêu rõ.
“Ngày nay, chúng ta sống trong bối cảnh thế giới đầy biến động, với sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ, với rất nhiều trào lưu và tư duy mới nhưng tư tưởng, tầm nhìn của Bác về con đường xây dựng và phát triển đất nước vẫn vẹn nguyên. Tư tưởng, đạo đức, phong cách và cả cuộc đời chiến đấu vì độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân của Bác mãi mãi soi sáng, dẫn dắt dân tộc ta tiến về phía trước trên hành trình hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, “sánh vai với các cường quốc năm châu”, Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, từ lúc rời Bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước đến khi về với thế giới của người hiền, mong ước cháy bỏng của Bác là được trở lại thăm đồng bào, cán bộ, chiến sỹ miền Nam. Bác thường nhắc Sài Gòn và Nam Bộ mãi mãi là tình thương yêu trọn vẹn trong trái tim của Bác. Để đáp lại tình cảm ấy, người dân Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh đã không ngừng phấn đấu xây dựng thành phố mang tên Bác ngày một phát triển, năng động nhất nước.
“Khi Trung ương, Quốc hội và Chính phủ đề nghị trao tặng Bác Huân chương Sao Vàng, Bác khước từ và nói rằng để khi nào miền Nam giải phóng, nhân dân miền Nam sẽ trao vinh dự ấy cho Bác. Câu nói: “Miền Nam luôn trong trái tim tôi”, “Nam Bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi” là minh chứng sống động nhất về tình yêu thương của Bác. Miền Nam là nơi trái tim Bác luôn đau đáu hướng về, Bác đã nói: “Có thể nói rằng ở miền Nam, mỗi người, mỗi gia đình đều có nỗi đau khổ riêng và nếu gộp những nổi khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì đó chính là nổi khổ của tôi”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nói.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho biết, 45 năm sau ngày được mang tên Bác, TP Hồ Chí Minh đã có bước chuyển mình mạnh mẽ trên con đường xây dựng và phát triển. "Đây là nơi khởi nguồn của nhiều phong trào đổi mới; năng động, sáng tạo, không ngừng vươn lên về mọi mặt. Mặc dù, còn rất nhiều việc phải làm, nhưng người dân thành phố luôn tin rằng với truyền thống cách mạng, truyền thống yêu nước, đoàn kết, nhân ái, nghĩa tình, người dân Thành phố mang tên Bác sẽ chung sức, đồng lòng xây dựng, phát triển thành phố giàu đẹp, văn minh để xứng đáng hơn với vinh dự thành phố mang tên Bác, để chất lượng sống của người dân không ngừng được nâng cao. Đó cũng là mong ước lớn lao của Bác Hồ".
“Ngày nay, chúng ta học ở Bác sự rèn luyện trí tuệ với tầm nhìn vượt thời gian và quyết tâm thực hiện bằng được con đường đã chọn; đồng thời học ở Bác về tình yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, lòng quả cảm, đức hy sinh, sự bền bỉ trong lao động và tinh thần học tập suốt đời, luôn trăn trở, tìm tòi suy nghĩ, đổi mới tâm thế để vượt qua chính mình. Chúng ta còn phải biết vận dụng sáng tạo kiến thức vào thực tiễn cuộc sống, phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm đối với công việc và chức trách, nhiệm vụ của mình. Đặc biệt đối với thế hệ trẻ, là tương lai của đất nước, tương lai của TP Hồ Chí Minh càng cần phải học ở Bác Hồ các đức tính trên”, Bí thư Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.
Anh Trương Minh Tước, Phó Bí thư Thành đoàn TP Hồ Chí Minh cho biết, khát vọng của Bác có giá trị thời đại, giúp tuổi trẻ Thành phố rút ra nhiều bài học quý báu, ứng dụng trong cuộc sống, học tập, công tác, lao động sản xuất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
"Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh nguyện tiếp tục xây dựng cho mình một tinh thần yêu nước nồng nàn, luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, khẳng định việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những việc làm tự giác, thường xuyên. Thế hệ trẻ TP Hồ Chí Minh cũng sẽ phát huy tri thức, chuyên môn, nghiệp vụ của đoàn viên, thanh niên TP Hồ Chí Minh trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị tham gia xây dựng “Chính quyền đô thị”, “Thành phố thông minh”; phát huy tinh thần xung kích của thanh niên trong tham gia Chương trình chuyển đổi số của thành phố nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số, chính quyền số và xã hội số, nâng cao đời sống cho người dân", Phó Bí thư Thành đoàn TP Hồ Chí Minh khẳng định.