Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B và virus viêm gan C cao trong quần thể dân cư nói chung và có gánh nặng bệnh tật cao liên quan đến viêm gan B và C. Theo kết quả mô hình ước tính gánh nặng bệnh tật do virus viêm gan B và C được Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thực hiện năm 2017, Việt Nam ước tính có khoảng 7,8 triệu người nhiễm virus viêm gan B mạn tính và gần 1 triệu người nhiễm virus viêm gan C mạn tính.
Theo UBND TP Hồ Chí Minh, tại TP Hồ Chí Minh chưa có nguồn dữ liệu hay nghiên cứu khoa học với mẫu đại diện đủ lớn để đánh giá bức tranh và phòng, chống viêm gan virus thời gian qua. Tuy nhiên, qua giám sát dịch tễ học 810 mẫu huyết thanh virus viêm gan B và C trong nhóm người trưởng thành, kết quả cho thấy tỉ lệ nhiễm virus viêm gan B mạn tính tại TP Hồ Chí Minh là 9,3% và tỉ lệ đã từng nhiễm virus viêm gan B là 54,5%; tỉ lệ nhiễm virus viêm gan C mạn tính là 0,3% và tỉ lệ đã từng nhiễm virus viêm gan C là 1,5%.
Bên cạnh đó, theo thống kê của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, trung bình mỗi ngày có khoảng 800 bệnh nhân khám các bệnh về gan, trong đó viêm gan virus B chiếm khoảng 60%, viêm gan virus C chiếm khoảng 14%.
Trước thực trạng trên, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch phòng, chống bệnh viêm gan virus trên địa bàn giai đoạn 2022 - 2025. Theo đó, UBND TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2025 giảm tỉ lệ nhiễm virus viêm gan B ở trẻ dưới 5 tuổi xuống dưới 0,5%; giảm lây truyền virus viêm gan B từ mẹ sang con (sàng lọc đạt trên 70%); giảm thiểu lây truyền virus viêm gan B, C 100% tại cơ sở y tế và giảm thiểu lây truyền trong nhóm sử dụng ma túy. Đồng thời, loại trừ lây truyền viêm gan B, C qua đường máu; giảm lây truyền virus viêm gan A, E qua đường tiêu hóa; giảm xơ gan, ung thư gan và tử vong do viêm gan virus B, C…
Để đạt được các mục tiêu trên, Thành phố huy động nhiều nguồn lực xã hội, vận động sự tham gia của chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng cùng xây dựng và triển khai các hoạt động phòng, chống viêm gan; tăng cường tiêm chủng vaccine viêm gan B cho trẻ em; nâng cao năng lực về chẩn đoán, xét nghiệm, điều trị, quản lý cho đội ngũ y tế cơ sở...
Theo thống kê của UBND TP Hồ Chí Minh, năm 2020, tỉ lệ tiêm chủng vaccine viêm gan B cho trẻ em sơ sinh trong 24 giờ đầu đạt 84,41%, tỉ lệ tiêm chủng cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt 95%. Tỉ lệ phụ nữ được xét nghiệm sàng lọc việm gan B trong thời kỳ mang thai là dưới 70%.