Đại biểu góp ý tại Tọa đàm.
TP Hồ Chí Minh có nhiều yếu tố nền tảng để phát triển điện ảnh, từ chính sách phát triển văn hóa, nội dung điện ảnh đến hạ tầng, không gian phát triển. Trong đó, Thành phố đã ban hành Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2030 trên 8 lĩnh vực: điện ảnh; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật; nhiếp ảnh; triển lãm; quảng cáo; du lịch văn hóa; thời trang. Thành phố đã triển khai nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực văn hóa với kỳ vọng sẽ mang lại những thiết chế văn hóa hiện đại, không gian sáng tạo quan trọng trong tương lai.
Thành phố có 935 doanh nghiệp lĩnh vực điện ảnh, với 9.294 lao động, tạo ra doanh thu 500 triệu USD (năm 2024); chiếm khoảng 40% thị trường chiếu phim của cả nước. Thành phố có 10 hệ thống rạp, 52 cụm rạp và 295 phòng chiếu và 184 không gian sáng tạo là nơi thực hành nghệ thuật chuyên nghiệp; cùng các không gian văn hóa phục vụ cho nhu cầu của cộng đồng. Cùng với đó, các hoạt động điện ảnh gắn liền với giáo dục và phát triển kỹ năng, khơi dậy niềm đam mê điện ảnh cho các thế hệ trẻ, đưa nghệ thuật đến gần với vùng nông thôn… được tổ chức thường xuyên; giao lưu, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm quốc tế cũng được thúc đẩy.
Bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh chia sẻ, trong tiến trình phát triển công nghiệp văn hóa, Thành phố đặc biệt quan tâm phát triển công nghiệp điện ảnh – một lĩnh vực có bề dày phát triển và sức hút lớn. Sự tập trung nguồn lực đa dạng và phong phú, sự thu hút đầu tư về sáng tạo nội dung và cách thức hoạt động hiệu quả đã góp phần tạo nên bức tranh sống động trong lĩnh vực điện ảnh với nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao. Với mong muốn tiếp tục định hướng phát triển bền vững, tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng, tạo điều kiện cho điện ảnh thành phố tiếp cận thế giới, thu hút nhà làm phim trên thế giới đến với thành phố, Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng hồ sơ ứng cử gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực điện ảnh.
Đại biểu góp ý tại Tọa đàm.
Ngày 3/3/2025, hồ sơ sẽ chính thức được nộp đến UNESCO. Nếu được phê duyệt, TP Hồ Chí Minh sẽ là thành phố đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á vào Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO lĩnh vực điện ảnh. Đây không chỉ là danh hiệu mà đó là sự cam kết, là trách nhiệm của thành phố trong việc thúc đẩy phát triển điện ảnh bền vững. Nhằm đạt được các mục tiêu của Mạng lưới các thành phố sáng tạo về điện ảnh, TP Hồ Chí Minh sẽ thực hiện một số sáng kiến, dự án, trong đó có 3 chương trình cấp độ quốc gia gồm kiến tạo điện ảnh trong học đường; Dự án “Sắc màu cuộc sống qua điện ảnh”; xây dựng những không gian sáng tạo văn hóa. Cùng với đó là 3 sáng kiến cấp độ quốc tế, gồm Diễn đàn mạng lưới các thành phố điện ảnh châu Á; tổ chức Liên hoan phim quốc tế TP Hồ Chí Minh (HIFF) thường niên; xây dựng đầu mối hỗ trợ phát triển điện ảnh.
Bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá, việc TP Hồ Chí Minh xây dựng hồ sơ ứng cử gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực điện ảnh thể hiện nhận thức sâu sắc của chính quyền và người dân thành phố về vai trò, vị trí của văn hóa và sáng tạo là động lực của phát triển bền vững, khi đặt văn hóa, sáng tạo vào trung tâm của chính sách và các kế hoạch phát triển của thành phố sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội bao trùm, toàn diện. Việc lựa chọn điện ảnh, ngành nghệ thuật mang tính tổng hợp vừa tạo ra những giá trị tinh thần, có sức lan tỏa mạnh mẽ, gắn kết các cộng đồng trong xã hội, vừa tạo ra giá trị kinh tế, được kỳ vọng sẽ tạo đà thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo tại TP Hồ Chí Minh. Đây cũng chính là cơ hội để TP Hồ Chí Minh xây dựng thương hiệu, định vị là một trung tâm sáng tạo khu vực trên bản đồ điện ảnh toàn cầu.
Quang cảnh Tọa đàm.
Chia sẻ tại tọa đàm, các chuyên gia quốc tế cũng như trong nước đều nhấn mạnh rằng, để nâng cao chất lượng và phát triển điện ảnh một cách bền vững, TP Hồ Chí Minh cần tập trung vào cả vấn đề đào tạo nhân lực và phát triển hạ tầng cho điện ảnh. Trong đó, cùng với dành nguồn lực đầu tư từ ngân sách, Thành phố cần có cơ chế chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi, để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.