TP Hồ Chí Minh hồi sinh mạnh mẽ - Bài 4: Du lịch mở cửa với diện mạo mới

ngành Du lịch TP Hồ Chí Minh đã có những bước chuyển mình với những chính sách kích cầu đầu tư, xây dựng sản phẩm mới, phát triển thị trường trọng điểm

Du lịch được xác định là một trong những ngành kinh tế trọng điểm của Thành phố Hồ Chí Minh nhưng cũng là ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất trong giai đoạn dịch COVID-19. Tuy nhiên, nhìn lại một năm hậu dịch COVID-19, ngành Du lịch Thành phố đã có những bước chuyển mình với những chính sách kích cầu đầu tư, xây dựng sản phẩm mới, phát triển thị trường trọng điểm, nhất là đáp ứng những xu hướng mới của du khách trong, ngoài nước. 

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh có nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng để thu hút du khách trong và ngoài nước. Ảnh minh họa: Hoàng Tuyết/TTXVN

Tạo sức hút khách quốc tế

Qua hơn 1 năm triển khai các giải pháp phục hồi kinh tế - xã hội, bước đầu Thành phố ghi nhận các chuyển biến tích cực trên nhiều ngành, nghề, lĩnh vực. Riêng ngành Du lịch có sự phục hồi nhanh chóng với chiến lược mở cửa thị trường thu hút sự tham gia đồng bộ của các sở, ngành, doanh nghiệp và liên kết vùng. Cụ thể, trong 9 tháng năm 2022, doanh thu dịch vụ lữ hành đạt 4.715 tỷ đồng và tăng ấn tượng với 147,3% so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 60.955 tỷ đồng, tăng 92,1% so với cùng kỳ năm 2021. Tính đến tháng 9/2022, Thành phố Hồ Chí Minh đã đón 21,6 triệu lượt khách nội địa và hơn 2,1 triệu lượt khách quốc tế. Sau giai đoạn “bị tàn phá” bởi dịch COVID-19, các địa phương và doanh nghiệp trên địa bàn vẫn duy trì quảng bá hình ảnh điểm đến ra thế giới.

Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố được đánh giá là địa phương cửa ngõ, đầu mối giao thông kết nối với nhiều tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế ... Cùng với đó, địa phương có những điểm nhấn, nét đặc trưng của nhiều kiến trúc, di sản nổi tiếng, cơ sở hạ tầng, sản phẩm, dịch vụ đa dạng tạo được sức hút với du khách trong và ngoài nước.

Thống kê trên địa bàn hiện có hơn 4.000 cơ sở lưu trú với gần 50.000 phòng; khoảng 1.280 doanh nghiệp lữ hành và 6.934 hướng dẫn viên du lịch với gần 60% là hướng dẫn viên quốc tế. Những lợi thế này cho phép ngành Du lịch Thành phố có cơ hội tận dụng và đón đầu xu hướng hậu dịch COVID-19.

Trong 1 năm hậu dịch COVID-19, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch cũng như cập nhật tình hình du lịch kinh doanh trên phạm vi thế giới, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp cùng doanh nghiệp đẩy mạnh một số loại hình du lịch như: Bleisure travel (du lịch kết hợp công việc, du lịch công tác), MICE (du lịch kết hợp giữa hội thảo, hội nghị, khen thưởng, hội họp và triển lãm của các công ty, doanh nghiệp cho nhân viên, đối tác)...

Thực tế cho thấy, những loại hình du lịch trên đã và đang "khoác chiếc áo mới" cho thị trường du lịch quốc tế của Thành phố, phát huy được vai trò trong chiến lược mở cửa thị trường. Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương đón du khách quốc tế sớm nhất với đoàn 130 người đến từ thị trường Hoa Kỳ; đoàn 460 khách du lịch MICE quốc tịch Ấn Độ... Ngay trong đầu tháng 10/2022, Công ty Tân Hồng - Viet Excursions đã đón đoàn 85 khách Pháp trên tàu Le Laperouse cập cảng Thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt, Hội chợ Du lịch Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh 2022 lần thứ 16 diễn ra tháng 9/2022 đã thu hút hơn 22.000 lượt khách thương mại và người dân đến tham quan với 8.600 lượt giao dịch. Với 276 gian hàng, hội chợ có sự tham dự của 305 đơn vị; 42 tỉnh, thành phố trong nước; 161 người mua quốc tế đến từ 28 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sự kiện này đã góp phần thúc đẩy sự phục hồi thị trường quốc tế và sự phát triển của ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh.

Khai thác tài nguyên du lịch

Để tạo sức hút cũng như giữ chân du khách đến Thành phố, ngành Du lịch Thành phố đã khởi động ngay các chương trình “Thành phố Hồ Chí Minh chào đón bạn - Welcome to Ho Chi Minh City”, “Mỗi quận/huyện có ít nhất một sản phẩm du lịch đặc trưng”... Ngành Du lịch Thành phố đã phối hợp cùng thành phố Thủ Đức, quận, huyện trên địa bàn tổ chức khảo sát, cùng xây dựng và giới thiệu tour, tuyến mới nhằm nâng cấp chuỗi cung ứng sản phẩm, dịch vụ phục vụ du khách. Hiện nay, du khách trong và ngoài nước đến Thành phố Hồ Chí Minh có thể lựa chọn những tour, tuyến du lịch bản địa, nội thành, sinh thái... trong ngày với đa dạng sản phẩm, dịch vụ từ cao cấp đến bình dân.

Khi đến Thành phố Hồ Chí Minh, du khách sẽ được trải nghiệm nhiều sản phẩm, dịch vụ mới như: “Ngắm Thành phố Hồ Chí Minh từ trên cao” bằng máy bay trực thăng, "Trải nghiệm du thuyền ngắm hoàng hôn" khám phá vẻ đẹp Sài Gòn khi phố đã lên đèn... Ngoài những sản phẩm, dịch vụ du lịch sinh thái tại huyện Cần Giờ, Củ Chi..., du khách có thêm lựa chọn đến Suối Tiên Farm (Nông trại Suối Tiên) nằm trong khuôn viên Du lịch văn hóa Suối Tiên tại thành phố Thủ Đức với các loại cây ăn trái phong phú có nguồn gốc từ nhiều quốc gia trên thế giới. Du khách yêu thích khám phá văn hóa, lịch sử, ẩm thực địa phương sẽ được trải nghiệm chương trình “Gò Vấp - Trăm năm tìm lại dấu xưa” với chuỗi điểm đến nổi bật của Quận 12 như: Phù Châu Miếu (là ngôi miếu có tuổi đời gần 300 năm trên dòng sông Vàm Thuật); "Về Chợ Lớn xem múa Lân" biểu diễn định kỳ vào thứ Bảy và Chủ nhật của tuần thứ hai mỗi tháng; "Tân Phú - Đi là nhớ" có di tích địa đạo Phú Thọ Hòa, đình Tân Thới, chùa Pháp Vân với nhiều kỷ lục quốc gia...

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh có kế hoạch liên kết du lịch với các tỉnh, thành để nối lại các đường tour trong giai đoạn mới. Ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Theo thống kê, địa bàn Thành phố có 366 tài nguyên du lịch đã được công bố; tập trung chủ yếu ở 4 nhóm tài nguyên chính gồm: du lịch tự nhiên; du lịch văn hóa vật thể; du lịch văn hóa phí vật thể; du lịch gắn với công trình nhân tạo hấp dẫn. Trên cơ sở phân loại tài nguyên du lịch, ngành Du lịch Thành phố đã đánh giá tiềm năng du lịch đặc trưng, hình thành các sản phẩm hấp dẫn, kết nối phát triển tuyến, điểm, nâng cao chất lượng và tạo sự phong phú cho điểm tham quan phục vụ khách du lịch trong, ngoài nước.

Song song đó, ngành còn định hướng các nhóm sản phẩm du lịch chủ lực như: nhóm sản phẩm về văn hóa - lịch sử, ẩm thực, mua sắm, giải trí và hoạt động về đêm, khám phá thiên nhiên, MICE kết hợp giao thương và về y tế - sức khỏe. Nguồn dữ liệu tài nguyên và điểm đến du lịch đã được cập nhật trên công cụ tìm kiếm Google, công bố rộng rãi trên hệ thống trang thông tin chính thức của Sở Du lịch Thành phố.

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, một năm qua, Thành phố đã xây dựng và phát triển hơn 30 chương trình, sản phẩm du lịch nội đô. Hầu hết chương trình này đang được nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đưa vào khai thác kích cầu du lịch. Ngoài ra, ngành Du lịch Thành phố đang khảo sát gần 20 chương trình du lịch mới. Hàng chục điểm tham quan, sản phẩm du lịch về đêm được tập trung đầu tư, tôn tạo. Đề án để xây dựng kết nối tour, tuyến phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước đến Thành phố được xây dựng. Chưa bao giờ hoạt động du lịch lại trở nên sống động và tạo được dấu ấn đẹp trong cộng đồng và trong lòng người dân Thành phố Hồ Chí Minh cùng du khách như hiện nay.

Bài cuối: Dấu ấn chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế

Mỹ Phương (TTXVN)
TP Hồ Chí Minh hồi sinh mạnh mẽ - Bài cuối: Dấu ấn chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế
TP Hồ Chí Minh hồi sinh mạnh mẽ - Bài cuối: Dấu ấn chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế

Từ mức tăng trưởng âm kỷ lục 24% vào quý III/2021, kinh tế TP Hồ Chí Minh đã có sự hồi phục, bứt phá mạnh mẽ chỉ sau một năm khi GRDP đạt 9,67% trong 9 tháng của năm 2022.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN