Tuy vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức phải nỗ lực tiếp tục vượt qua do ảnh hưởng của “hậu COVID-19” để lại cũng như những vấn đề phát sinh mới cần có giải pháp để khắc phục, nhưng những thành quả đạt được góp phần tạo tiền đề cho thành phố phát triển bền vững hơn nữa trong thời gian tới.
Nhân dịp này, phóng viên TTXVN thực hiện chùm bài viết ghi nhận những kết quả đạt được cũng như những vấn đề khó khăn mà Thành phố Hồ Chí Minh gặp phải trong quá trình khôi phục, phát triển, nhất là trong trong các lĩnh vực y tế, văn hóa, an sinh xã hội…
Bài 1: Ngành Y tế vượt khó sau đại dịch
Một năm trôi qua, hầu hết các lĩnh vực đều có dấu hiệu khởi sắc, song bức tranh của ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh lại trở nên “loang lổ” bởi nhiều gam màu tối - sáng. Chưa bao giờ, ngành Y tế Thành phố phải đối mặt với nhiều khó khăn như thế. Trong bối cảnh đó, ngành Y tế đã có nhiều nỗ lực, khắc phục khó khăn để hướng đến chăm sóc sức khỏe cho người dân thành phố và khu vực phía Nam.
Khó khăn bủa vây
Tháng 10/2021, Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu mở cửa trở lại, các hoạt động kinh tế, xã hội dần hồi sinh. Nhưng đối với ngành Y tế, những ngày tháng chống dịch vẫn chưa kết thúc. Toàn bộ nhân lực, vật lực tiếp tục dồn sức cho hoạt động này. Mãi đến tháng 12/2021, tình hình dịch đi xuống, những bộ đồ bảo hộ dần được cởi bỏ, các bệnh viện lần lượt đón người dân đến khám, chữa bệnh, nhịp sống thường ngày lại bắt đầu.
Tuy nhiên, lúc này, nhiều vấn đề bất cập “hậu COVID-19” nảy sinh khiến ngành Y tế đối diện với nhiều khó khăn, khách thức. Một thời gian dài dồn tổng lực chống dịch, hầu như toàn hệ thống y tế thành phố rơi vào kiệt quệ về cả tài chính lẫn nhân lực, vật lực. Những vấn đề “hậu COVID-19” nảy sinh khiến tâm lý của nhân viên y tế vốn đã bất an với dịch bệnh càng trở nên lo lắng kéo dài.
Và hậu quả là “làn sóng” nhân viên y tế nghỉ việc hàng loạt ở cả bệnh viện lẫn các đơn vị y tế dự phòng. Thống kê của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, trong 6 tháng năm 2022 đã có 874 nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó có 199 bác sĩ và 391 điều dưỡng. Tính chung từ năm 2022 đến nay, địa bàn đã có 2.028 nhân viên y tế nghỉ việc, chiếm khoảng 5% tổng số nguồn nhân lực y tế của Thành phố. “Có thời điểm, ngày nào tôi cũng phải ký đơn xin nghỉ việc. Không chỉ là nhân viên y tế cơ sở mà ngay cả các bệnh viện lớn cũng có nhiều nhân viên y tế xin nghỉ việc”, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nêu thực tế.
So sánh số liệu, năm 2022, số lượng nhân viên y tế của Thành phố Hồ Chí Minh giảm 306 người so với năm 2021. Con số giảm không nhiều nhưng người đứng đầu ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh thừa nhận, điều này gây khó khăn không nhỏ cho các cơ sở y tế công lập bởi hầu hết người nghỉ việc là người có thâm niên, kinh nghiệm, người mới được tuyển dụng là nhân viên mới cần có thời gian để thực hành, tập sự.
Cùng với sự thâm hụt của nhân viên y tế, thiếu trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc là vấn đề xảy ra trong thời gian dài tại các cơ sở y tế trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Đó là một số thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm như: huyết thanh nọc rắn, dung dịch cao phân tử điều trị sốt xuất huyết, một vài loại thuốc bị gián đoạn cung ứng do xung đột quốc tế… Một số bệnh viện và trung tâm y tế tuyến quận, huyện thiếu một số loại thuốc thông thường do không đủ năng lực đấu thầu theo quy định. Một bác sĩ tại Bệnh viện Nhân dân 115 Thành phố Hồ Chí Minh “than thở”, thời gian qua, họ đã phải tiếp nhận lượng bệnh nhân tăng gấp rưỡi so với bình thường bởi các cơ sở y tế khác không đủ vật tư y tế, thuốc để điều trị, buộc phải cho bệnh nhân chuyển viện.
Trong khi dịch COVID-19 chưa qua, tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc và thiếu thuốc, vật tư y tế chưa được giải quyết rốt ráo, Thành phố Hồ Chí Minh lại phải đối mặt với một khó khăn khác là dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát mạnh trên địa bàn. Từ đầu năm 2022 đến nay, toàn Thành phố đã có hơn 60.000 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 5,6 lần so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt đã có 23 người tử vong do sốt xuất huyết, trong đó có cả người lớn, trẻ em và phụ nữ mang thai. Trong khi đó, lực lượng y tế cơ sở hiện đã rất “mỏng” lại “rệu rã” sau hơn 2 năm chống dịch COVID-19 khiến cho công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết càng trở nên khó khăn hơn. Cuộc chiến càng cam go hơn khi đầu tháng 10, Thành phố Hồ Chí Minh lại phát hiện ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế nhìn nhận, chưa bao giờ, ngành Y tế Thành phố phải đối mặt với nhiều khó khăn như thế.
Thấu cảm với những khó khăn mà ngành Y tế đang gặp phải, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên ngậm ngùi, đại dịch COVID-19 đi qua để lại nhiều bài học quý giá về tình người, lòng trắc ẩn cùng những thử thách lớn cho cán bộ, nhân viên y tế. Đã có những chiến sĩ áo trắng ngã xuống trong cuộc chiến chưa có tiền lệ này. Đại dịch để lại sự sang chấn nặng nề về tinh thần, tâm lý và tình cảm. “Càng khó khăn, chúng ta càng phải cùng nhau chiến đấu, lãnh đạo Thành phố sẽ không để cho ngành Y tế đơn độc”, Bí thư Nguyễn Văn Nên cam kết.
Sẵn sàng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân
Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh cơ sở 2 đóng trên địa bàn thành phố Thủ Đức những ngày cuối tháng 9/2022, hoạt động khám, chữa bệnh cho người dân mắc các bệnh lý u - bướu đã trở lại bình thường. Nhưng, cách đây hơn 1 năm trước, nơi đây đã trở thành Bệnh viện Hồi sức COVID-19 (cơ sở y tế tuyến cuối chuyên tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng của Thành phố).
Đầu tháng 4/2022, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 chính thức đóng cửa, trả toàn bộ mặt bằng, cơ sở vật chất cho Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh, khép lại sứ mệnh là bệnh viện ở tầng cuối cùng trong 3 tầng điều trị bệnh nhân COVID-19 của Thành phố. Tính đến ngày giải thể, Bệnh viện đã điều trị cho hơn 5.000 bệnh nhân nặng, nguy kịch. Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh, sau khi nhận bàn giao, đơn vị đã ngay lập tức triển khai các hoạt động khám, chữa bệnh phục vụ người dân. Hiện, trung bình mỗi ngày có khoảng 1.500 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2.
Ở thời điểm cao điểm dịch COVID-19 hoành hành, từ trung tuần tháng 7 đến trung tuần tháng 9/2021, Thành phố Hồ Chí Minh liên tục thành lập mới các bệnh viện dã chiến, chuyển đổi công năng các cơ sở y tế để điều trị COVID-19. Tổng cộng Thành phố đã thành lập 32 bệnh viện dã chiến (42.798 giường) và chuyển công năng 64 bệnh viện (17.062 giường). Đây cũng là lần đầu tiên, Ngành Y tế Thành phố huy động nhiều loại hình bệnh viện khác nhau trong “cuộc chiến” với COVID-19 kéo dài bao gồm: bệnh viện dã chiến cấp thành phố, cấp quận huyện, trong đó có cả trung tâm hồi sức dã chiến COVID-19, bệnh viện tách đôi, bệnh viện chuyển đổi công năng toàn phần.
Tuy nhiên, đến tháng 5/2022, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã từng bước quyết định giải thể phần lớn bệnh viện dã chiến đã thành lập trong thời gian cao điểm của dịch, chỉ duy trì hoạt động Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 13. Ngành Y tế Thành phố từng bước phục hồi lại công năng ban đầu của các bệnh viện nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh thông thường cho người dân. Đến nay, tất cả bệnh viện trên địa bàn đều thực hiện đồng thời 2 chức năng, vừa thực hiện công tác khám, chữa bệnh thông thường vừa thành lập Khoa/Đơn vị điều trị COVID-19 để điều trị người mắc COVID-19 đồng thời với các bệnh lý cấp/mạn tính hoặc bệnh lý nền kèm theo.
Một năm sau đại dịch, cùng với thích ứng linh hoạt, sẵn sàng tiếp nhận, thu dung điều trị người bệnh khi có yêu cầu, các bệnh viện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh dần trở lại nhịp công việc thường ngày, tiếp nhận điều trị chăm sóc cho người bệnh ở các chuyên khoa. Đáng chú ý, nhiều bệnh viện tuyến cuối có dấu hiệu quá tải sau khi trở lại hoạt động bình thường, thích ứng với tình hình mới như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhân dân 115…
Hiện, ngành Y tế Thành phố vẫn đang tiếp tục nỗ lực mở rộng bao phủ vaccine, nhất là những đối tượng nguy cơ và trẻ từ 5 đến dưới 18 tuổi. Hàng loạt điểm tiêm cố định và lưu động đã được các đơn vị bố trí để tiêm vaccine cho người dân kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, Tết. Tính đến hết ngày 5/10/2022, Thành phố Hồ Chí Minh đã tiêm được 23.404.214 mũi vaccine phòng COVID-19, bao gồm 8.685.006 mũi 1; 7.731.113 mũi 2; 689.514 mũi bổ sung; 4.789.100 mũi nhắc lần 1; 1.509.481 mũi nhắc lần 2.
Ngay sau đại dịch COVID-19, ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh không ngừng củng cố hệ thống y tế dự phòng mà mấu chốt là các trạm y tế phường, xã và trung tâm y tế quận, huyện. Lần đầu tiên, Hội đồng nhân dân Thành phố thông qua các chính sách đặc thù giúp củng cố, nâng cao năng lực các trạm y tế phường, xã, thị trấn trên địa bàn như: đưa bác sĩ mới ra trường về thực hành tại các trạm y tế; thu hút lực lượng bác sĩ đã nghỉ hưu tham gia cộng tác với trạm y tế; ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, các trang thiết bị thích hợp để các trạm y tế sẽ chuyển đổi hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. Từ đó, công tác bảo vệ sức khỏe người dân được tổ chức một cách quy củ, chuyên nghiệp hơn.
Dù khó khăn, thách thức vẫn còn đó nhưng không ai bảo ai, toàn bộ hệ thống y tế của Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang nỗ lực hoàn thiện mỗi ngày, hướng đến mục tiêu vừa dự phòng, bảo vệ tốt sức khỏe vừa chăm sóc, điều trị cho không chỉ hơn 10 triệu dân của Thành phố mà còn phục vụ người dân các tỉnh, thành khu vực phía Nam.
Bài 2: Đảm bảo chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội