Cho rằng trong vụ án hành chính, vụ việc dân sự vẫn cần có sự hỗ trợ của Tòa án trong việc thu thập chứng cứ đối với cả nhóm người không yếu thế, Thạc sĩ Mai Hoàng Phước, giảng viên Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nêu ý kiến cần điều chỉnh nội dung ở các khoản 2 và 4 của Điều 15 trong dự thảo Luật thành Tòa án hỗ trợ đương sự thu thập chứng cứ, để phù hợp với thực tiễn và các quy định của Bộ luật tố tụng Dân sự và Luật tố tụng Hành chính hiện hành.
Thạc sĩ Mai Hoàng Phước phân tích, việc quy định Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ là phù hợp với thông lệ của các nước có nền tư pháp phát triển và sự phát triển của nền tư pháp nước ta. Tuy nhiên, thực tế kiến thức pháp luật của một số bộ phận người dân còn chưa cao, khả năng tự thu thập chứng rất khó khăn. Hơn nữa, dù các bộ luật tố tụng hiện hành đều có quy định về nghĩa vụ cung cấp chứng cứ của cơ quan tổ chức khi đương sự có yêu cầu nhưng thực tiễn khi đương sự yêu cầu cơ quan tổ chức cung cấp chứng cứ cũng rất khó khăn. Mặt khác, việc quy định Tòa án chỉ hỗ trợ đương sự là người yếu thế trong việc thu thập chứng cứ sẽ gây nhiều khó khăn trong việc áp dụng trên thực tiễn, bởi khó xác định như thế nào là người yếu thế. Hiện nay các nước có nền tư pháp phát triển cũng không đưa ra được quy phạm pháp luật xác định như thế nào là người yếu thế mà phải dựa trên từng trường hợp với các điều kiện khách quan cụ thể để xác định.
Tương tự, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng việc bỏ quy định thu thập chứng cứ của Tòa án trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính (khoản 2, Điều 15) mà chỉ hỗ trợ đương sự là người yếu thế thu thập chứng cứ trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính (khoản 4, Điều 15) ở giai đoạn này chưa phù hợp với thực tiễn. Để phù hợp với chủ trương của Đảng về xây dựng một nền tư pháp “phục vụ nhân dân”, cần tiếp tục quy định nhiệm vụ, quyền hạn thu thập tài liệu chứng cứ của Tòa án nhân dân.
Còn Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh lại đồng tình với nội dung bỏ trách nhiệm thu thập chứng cứ của Tòa án trong vụ án hình sự và trong cả vụ việc dân sự, vụ án hành chính (khoản 1, khoản 2 Điều 15 trong dự thảo Luật). Theo Luật sư Trương Thị Hòa trong vụ án hình sự nghĩa vụ thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm là của Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát; còn trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, đương sự có nghĩa vụ thu thập chứng cứ, đưa ra chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Việc Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ có thể dẫn tới việc không khách quan. Tuy nhiên cùng với thực hiện quy định Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ, cần nghiên cứu bổ sung thêm các phương thức thu thập chứng cứ vào dự thảo Luật. Riêng quy định tại khoản 4, Điều 15, “Tòa án hỗ trợ đương sự là người yếu thế trong xã hội thu thập chứng cứ trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính…”, cần quy định rõ đối tượng người yếu thế gồm những ai.
Đối với việc thành lập Tòa sơ thẩm chuyên biệt, các đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng về quy định mới này. Bà Vũ Ngọc Anh, Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Tòa sơ thẩm chuyên biệt là một chế định mới nhưng chỉ quy định trong 2 điều khoản trong dự thảo Luật (Điều 62 và Điều 63). Nếu như chế định này được thiết kế nhằm tăng tính chuyên nghiệp của Tòa án trong việc giải quyết các loại án có tính chất đặc thù, đòi hỏi tính chuyên môn sâu và phù hợp với thực tiễn thì nên quy định chi tiết trong dự thảo Luật về loại vụ việc đặc thù, điều kiện nào sử dụng chế định Tòa án sơ thẩm chuyên biệt. Bà Vũ Ngọc Anh cũng đề nghị đưa vào dự thảo Luật quy định về loại vụ án, điều kiện tổ chức phiên tòa trực tuyến; cân nhắc, nghiên cứu thêm về vấn đề sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong xét xử hoặc như trợ lý, thư ký Tòa án.
Thảo luận tại hội nghị, nhiều đại biểu đề cập đến việc đổi tên Tòa án cấp huyện, cấp tỉnh thành Tòa án sơ thẩm và Tòa án phúc thẩm nên được bảo lưu sang một thời gian khác phù hợp hơn. Việc đổi tên này là phù hợp với thông lệ của các nước có nền tư pháp phát triển trên thế giới. Theo các đại biểu, đổi tên nhưng nhiệm vụ quyền hạn chỉ sửa đổi, bổ sung rất ít và không làm thay đổi bản chất, vì thế cần xem xét kỹ để tránh gây lãng phí ngân sách như phải đổi bảng tên, con dấu… Việc đổi tên này cũng khiến hệ thống pháp luật liên quan trong lĩnh vực tư pháp cần phải sửa đổi, bổ sung.