TP Hồ Chí Minh ban hành bộ tiêu chí mới về đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh vừa có Quyết định về ban hành Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch đối với các hoạt động, ngành nghề, lĩnh vực trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch trên địa bàn.

Chú thích ảnh
Một cửa hàng cà phê trên đường Nguyễn Văn Chiêm (Quận 1) phục vụ khách tại khu vực ngoài trời. Ảnh tư liệu: Hồng Giang/TTXVN

Quyết định này thay thế các Quyết định ban hành Bộ tiêu chí liên quan đến đánh giá hoạt động trong phòng, chống dịch COVID-19 trước đây.

Theo đó, Bộ tiêu chí đánh giá có 3 phần gồm tiêu chí an toàn chung (bắt buộc đối với tất cả hoạt động, ngành nghề, lĩnh vực); tiêu chí đặc thù và tiêu chí an toàn trong tổ chức dịch vụ ăn uống.

Với tiêu chí an toàn chung, tất cả người dân, người lao động, người tham gia các hoạt động đều phải tuân thủ đeo khẩu trang theo quy định hiện hành; các hoạt động, ngành nghề, lĩnh vực bố trí nhân sự kiểm tra, nhắc nhở việc tuân thủ đeo khẩu trang.

Các cửa ra vào, cửa sổ thường xuyên mở cửa trong thời gian làm việc, sinh hoạt… để thông khí; không gian kín phải có biện pháp thông thoáng. Tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 đủ các mũi tiêm theo độ tuổi dựa trên khuyến cáo của Bộ Y tế hoặc đã khỏi COVID-19 dưới 3 tháng phải đạt 90%.

Bên cạnh đó, bố trí các điểm rửa tay phù hợp, đầy đủ vòi rửa tay; có đủ nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh cho người lao động và đối tượng sử dụng dịch vụ; thực hiện vệ sinh, khử khuẩn các bề mặt thường xuyên tiếp xúc, phương tiện vận chuyển với hóa chất vệ sinh khử khuẩn tối thiểu 1 lần/ngày (2 lần/ngày đối với cơ sở giáo dục và đào tạo, cơ sở sản xuất) hoặc khi cần thiết; sử dụng mã QR để quản lý thông tin người ra vào; phân công người đăng nhập vào Hệ thống An toàn COVID-19 thành phố để quản lý, sử dụng thông tin phục vụ phòng, chống dịch của thành phố; bố trí nhân sự kiểm soát, nhắc nhở người ra vào địa điểm; đảm bảo không sử dụng quá công suất phục vụ của địa điểm.

Thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch và Tổ an toàn COVID-19; có kế hoạch phòng, chống dịch của cơ quan, đơn vị bao gồm các nội dung như phương án hoạt động sản xuất; quy trình xử lý khi có ca mắc hoặc nghi mắc COVID-19; truyền thông, chế độ kiểm tra, giám sát, báo cáo...

Đối với các cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở giam giữ, cơ sở cai nghiện ma túy, ký túc xá, khu nội trú của cơ sở giáo dục phải có nhân viên y tế chuyên trách đã được tập huấn, bồi dưỡng công tác phòng, chống dịch COVID-19; lập danh sách những người thuộc đối tượng nguy cơ để chăm sóc, theo dõi sức khỏe; thực hiện xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 đối với những người mới nhập vào cơ sở; người mới nhập vào cơ sở phải có kết quả xét nghiệm âm tính để tránh lây lan dịch cho những người thuộc nhóm nguy cơ tại đơn vị.

Các cơ sở bố trí khu vực cách ly F0 có buồng cách ly riêng biệt với quy mô phù hợp, có nhà vệ sinh riêng, với đầy đủ các trang thiết bị y tế để cách ly F0 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ. Phòng ở phải đảm bảo diện tích trung bình tối thiểu 4 mét/người.

Đối với cơ sở sản xuất có tổ chức bộ phận y tế tại đơn vị hoặc hợp đồng với đơn vị có chức năng thực hiện nhiệm vụ y tế, đảm bảo đủ số lượng nhân viên y tế theo quy mô lao động; bộ phận y tế phải được tập huấn kiến thức về phòng, chống dịch COVID-19. Nếu có thực hiện cách ly F0 tại cơ sở sản xuất thì phải bố trí khu vực cách ly F0 có buồng cách ly riêng biệt với quy mô phù hợp, có nhà vệ sinh riêng, với đầy đủ các trang thiết bị y tế để cách ly F0 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ.

Các đơn vị tổ chức ăn theo nhóm làm việc, tránh ngồi đối diện, giữ khoảng cách hoặc lắp vách ngăn giữa các vị trí ngồi ăn và thực hiện vệ sinh, khử khuẩn khu vực ăn trước và sau mỗi ca ăn.

Cơ sở lưu trú (khách sạn, nhà nghỉ...) không sử dụng quá công suất phục vụ của cơ sở lưu trú. Nếu có thực hiện cách ly F0 tại cơ sở lưu trú, phải bố trí khu vực cách ly F0 có buồng cách ly riêng biệt với quy mô phù hợp, có nhà vệ sinh riêng, với đầy đủ trang thiết bị y tế (nhiệt kế, máy đo SpO2...) để cách ly F0 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ; có nhân viên y tế phụ trách hoặc hợp đồng với cơ sở y tế hoặc bác sĩ đã được tập huấn về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và chăm sóc F0 tại nhà.

Cơ sở giáo dục và đào tạo đảm bảo diện tích sàn tối thiểu của các lớp học (cấp mầm non, nhà trẻ: diện tích 1,5 m2/trẻ nhưng không được nhỏ hơn 24 m2/phòng đối với nhóm trẻ và 36 m2/phòng đối với lớp mẫu giáo; cấp tiểu học diện tích trung bình của 1 học sinh trong lớp là 1,25 m2, cấp trung học diện tích trung bình của 1 học sinh trong lớp là 1,5 m2).

Có nhân viên chuyên trách công tác y tế trường học đã được tập huấn, bồi dưỡng, công tác phòng, chống dịch COVID-19; lập danh sách những trẻ em, học sinh thuộc đối tượng nguy cơ (người có bệnh nền, người chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 đủ liều...) để chăm sóc, theo dõi sức khỏe; tổ chức hoạt động bán trú đảm bảo phòng, chống dịch theo đúng quy định. Trong đó, đảm bảo khoảng cách tối thiểu 1 mét khi học sinh ăn và ngủ.

Song song đó, các cơ sở giáo dục tổ chức dịch vụ ăn uống phải đảm bảo không sử dụng quá công suất phục vụ của đơn vị. Những người đi trong khu vực ăn uống phải đeo khẩu trang. Thực hiện giãn cách phù hợp trong cùng một thời điểm cho từng người, nhóm người. Có đủ dụng cụ ăn uống bảo đảm riêng biệt cho từng người và được vệ sinh sạch sẽ.

Cơ sở nào có mức độ an toàn đạt trên 80% - đạt tiêu chí an toàn chung, đơn vị tiếp tục hoạt động. Từ 70-80% là mức độ an toàn trung bình, trong đó phải đảm bảo tiêu chí an toàn chung, đơn vị tiếp tục hoạt động, trong vòng 48 giờ phải khắc phục các tiêu chí không đạt. Nếu dưới 70% hoặc không đạt tiêu chí an toàn chung, tức mức độ chưa đảm bảo an toàn, đơn vị sẽ tạm ngưng hoạt động và phải khắc phục.

Thu Hương (TTXVN)
Thành phố Hồ Chí Minh: Đảm bảo hài hòa phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội
Thành phố Hồ Chí Minh: Đảm bảo hài hòa phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội

Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; phòng, chống dịch theo phương thức quản lý rủi ro, chuyển từ mục tiêu kiểm soát số ca mắc sang kiểm soát số ca nhập viện có nguy cơ cao, rất cao và tử vong; sẵn sàng kịch bản ứng phó cho mọi tình huống dịch bệnh; hài hòa giữa các biện pháp phòng, chống dịch và biện pháp khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN