Việc kiểm soát và quản lý hiệu quả rác thải, nhất là rác thải sinh hoạt đã trở thành vấn đề cấp bách của Thành phố hiện nay, đòi hỏi phải có giải pháp đột phá nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, xây dựng Thành phố xanh-sạch-đẹp.
Tìm hướng chuyển đổi công nghệ
Hiện nay mỗi ngày, Thành phố Hồ Chí Minh phát sinh trung bình hơn 9.500 tấn chất thải rắn sinh hoạt; trong đó hơn 60% - 70% lượng chất thải này được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, phần còn lại được xử lý bằng phương pháp đốt, sản xuất phân bón và tái chế.
Trước tình hình này, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, định hướng của Thành phố trong công tác xử lý chất thải rắn đô thị đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 sẽ tiến hành cải tạo, nâng cấp nhà máy xử lý rác, đổi mới công nghệ xử lý tại các nhà máy hiện hữu sang công nghệ đốt phát điện. Địa phương phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 80% rác thải sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ đốt phát điện và tái chế. Để thực hiện mục tiêu này, Thành phố sẽ chuyển đổi công nghệ xử lý rác sang đốt phát điện, trước hết đối với các chủ xử lý đang có hợp đồng xử lý rác thải sinh hoạt với địa phương.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, hiện trên địa bàn có 5 dự án chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt sang đốt phát điện đang và sẽ triển khai gồm: nhà máy của Công ty Cổ phần Vietstar (công suất 1.200 - 1.800 tấn/ngày), nhà máy của Công ty Cổ phần Đầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa (1.000 tấn/ngày), nhà máy của Công ty Cổ phần Môi trường Tasco Củ Chi (500 tấn/ngày), nhà máy của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xử lý chất thải Việt Nam (3.000 tấn/ngày) và nhà máy của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường đô thị Thành phố Hồ Chí Minh (1.000 tấn/ngày). Tuy nhiên, tiến độ thực hiện chuyển đổi công nghệ của các đơn vị này còn khá chậm, vẫn đang ở bước hoàn thiện thủ tục pháp lý. Nguyên nhân chủ yếu là do dự án đốt rác phát điện của một số công ty chưa được đưa vào quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn quốc gia, do đó chưa được cấp phép.
Nhằm gỡ vướng cho các doanh nghiệp, thời gian qua, Thành phố đã hỗ trợ công ty xác định phương án đấu nối vào hệ thống điện lưới quốc gia để hoàn thành hồ sơ pháp lý; ban hành các văn bản đề nghị Bộ Công Thương xem xét, bổ sung dự án đốt rác phát điện của các doanh nghiệp vào quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn quốc gia. Ngoài ra, Thành phố đang hoàn thiện quy trình chung về đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư mới theo phương thức đối tác công tư (PPP). Trước mắt, địa phương sẽ triển khai thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án xử lý rác với tổng công suất 2.000 tấn/ngày. Các doanh nghiệp đều phải qua khâu đấu thầu công khai phí dịch vụ của Thành phố nhằm đảm bảo tính minh bạch.
Dưới góc độ nghiên cứu, Giáo sư, Tiến sỹ Lê Thanh Hải, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) nhận định, việc chuyển đổi công nghệ sang đốt phát điện đem lại nhiều lợi ích. Cụ thể, giúp thu hồi điện năng từ rác, một phần điện sẽ được tái sử dụng cho hoạt động của chính nhà máy xử lý rác đang áp dụng công nghệ, phần còn lại hòa vào mạng lưới điện quốc gia. Ngoài ra, nguồn điện từ công nghệ này còn có thể được sử dụng để sản xuất các sản phẩm vật liệu xây dựng như gạch không nung. Về lâu dài, công nghệ đốt rác phát điện sẽ giúp tiết kiệm diện tích đất chôn lấp chất thải, không cần phân loại rác tại nguồn như hiện nay, tạo năng lượng xanh, triệt tiêu hoàn toàn nguy cơ từ nước rỉ rác và hạn chế phát sinh mùi hôi. Từ đó, giảm phát thải khí nhà kính.
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Lê Thanh Hải, do tình trạng tăng dân số đô thị nhanh nên dự đoán đến năm 2025, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh mỗi ngày tại Thành phố Hồ Chí Minh tăng từ 9.500 lên khoảng 12.500 tấn/ngày, vượt công suất xử lý rác hiện nay. Trong hoàn cảnh hệ thống công trình hạ tầng đô thị của địa phương chưa được phát triển đồng bộ, trình độ và năng lực quản lý chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của quá trình đô thị hóa, việc triển khai các biện pháp xử lý rác thải theo phương thức hiện đại thay thế dần biện pháp chôn lấp lạc hậu là cấp thiết. Do đó, Thành phố cần khẩn trương xác định các vướng mắc của các dự án đốt rác phát điện đang phải đối mặt; đồng thời, nhanh chóng vào cuộc, tháo gỡ cho nhà đầu tư.
Triệt để nâng cao ý thức của người dân trong xử lý rác sinh hoạt
Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường đô thị Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, vứt rác bừa bãi là thói quen xấu nhưng để loại bỏ hành vi này vẫn là một câu chuyện dài, bởi vì đây thuộc về ý thức của mỗi người. Hiện nay, luật pháp về bảo vệ môi trường đã quy định khá rõ về việc cấm xả rác bừa bãi và trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong việc kiểm tra, xử phạt hành vi này. Tuy nhiên, việc thực thi còn khó khăn do người xả rác ở khắp nơi nhưng người có trách nhiệm thi hành công vụ quản lý môi trường, xử phạt các hành vi vi phạm lại quá ít.
Trước tình hình trên, ông Huỳnh Minh Nhựt cho rằng, vấn đề có ý nghĩa quyết định đối với việc xả rác bừa bãi không phải là xử phạt mà là nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân thông qua những phương pháp tuyên truyền phù hợp từng nhóm đối tượng. Trong đó, với nhóm đối tượng là thanh thiếu nhi, việc giáo dục về ý thức vứt rác đúng nơi quy định cần được thực hiện nghiêm túc từ trong nhà trường cũng như trong chương trình sinh hoạt của các câu lạc bộ, hội, nhóm học sinh, sinh viên. Với nhóm đối tượng là người trưởng thành, công tác tuyên truyền cần được bắt đầu từ địa phương, ngay mỗi khu phố mà người dân sinh sống cũng như từ nơi người dân công tác, làm việc. Thành viên trong mỗi gia đình cũng nên trao đổi, nhắc nhở nhau giữ gìn vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là mỗi cá nhân phải tự giác hình thành cho bản thân tinh thần trách nhiệm bảo vệ môi trường chung cho cộng đồng, xã hội.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phùng Chí Sỹ (Viện Kỹ thuật Nhiệt đới và Bảo vệ môi trường Thành phố Hồ Chí Minh), phân loại rác tại nguồn có vai trò, ý nghĩa rất lớn đối với việc thu gom, xử lý chất thải; nhất là trong giai đoạn hiện nay khi rác thải sinh hoạt tại Thành phố không ngừng gia tăng hàng năm. Muốn người dân hình thành thói quen phân loại rác không thể nóng vội. Địa phương phải thực hiện thí điểm từng bước từ một số ít hộ gia đình, sau đó dần mở rộng địa bàn ra toàn khu phố, toàn phường rồi toàn quận; từ các khu dân cư mở rộng đến nhà trọ và các hộ kinh doanh trong khu vực. Điều kiện tiên quyết là công tác tuyên truyền phải thực sự sâu sát với người, không nói chung chung; sử dụng các hình ảnh minh hoạ trực quan sinh động về sự khác nhau giữa các nhóm rác phân loại để người dân dễ tiếp thu. Bản thân mỗi cán bộ, công chức phải là người đầu tiên thực hiện công tác phân loại rác tại nguồn; hướng dẫn, kiểm tra sát sao việc thực hiện phân loại rác tại gia đình của người dân; lắng nghe câu hỏi, thắc mắc hoặc đề xuất, nguyện vọng từ phía người dân để kịp thời điều chỉnh.
Theo các chuyên gia môi trường, Thành phố Hồ Chí Minh cần hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng thu gom rác tương thích khi người dân triển khai; chuyển đổi phương tiện thu gom từ phương tiện thô sơ, tự chế, lạc hậu sang phương tiện cơ giới cỡ nhỏ, đủ điều kiện tiếp nhận rác đã phân loại; tránh tình trạng người dân đã phân loại kỹ nhưng nhân viên thu gom lại gom chung vào một xe. Việc này sẽ khiến người dân “nản”, từ đó không tiếp tục phân loại rác. Hiện ước tính Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 3.100 phương tiện cũ cần thay thế. Tuy nhiên, các tổ chức, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay hỗ trợ từ Quỹ Bảo vệ môi trường để chuyển đổi phương tiện.
Nhằm chấm dứt tình trạng xả rác ngoài môi trường, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đang phát triển phần mềm quản lý trực tuyến để tiếp nhận thông tin tố giác, phản ánh của người dân khi phát hiện hành vi xả rác trái quy định. Đồng thời, tăng cường công tác sử dụng hình ảnh trích xuất từ camera tại các khu dân cư; khi phát hiện vi phạm sẽ xử lý từ nhắc nhở trực tiếp, nhắc nhở thông qua tổ dân phố đến phạt hành chính. Thành phố yêu cầu các ngành, đơn vị chức năng thường xuyên rà soát, không để phát sinh điểm ô nhiễm mới; vận động các cơ sở kinh doanh trú đóng trên địa bàn thực hiện ký cam kết không xả rác ra môi trường…
Việc bảo vệ môi trường là nhiệm vụ chung của toàn hệ thống chính trị cũng như tất cả người dân sinh sống, làm việc ở Thành phố. Để thực hiện thành công mục tiêu xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị văn minh, hiện đại, công tác bảo vệ môi trường cần có những giải pháp quản lý, xử lý hiệu quả của các cơ quan quản lý nhà nước cùng với sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của người dân và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.