Ngành Môi trường TP Hồ Chí Minh đang thực hiện nhiều giải pháp kiểm soát hoạt động thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt, ngăn rác "đổ chui" vào Thành phố, đặc biệt tại khu vực giáp ranh.
Hiện nay, Thành phố có 908 điểm hẹn tập kết rác chủ yếu ở quận nội thành và phân bổ rải rác tại các huyện ngoại thành. Địa bàn Thành phố còn có 27 trạm trung chuyển rác đang hoạt động. Rác thải sinh hoạt của các hộ dân, hộ kinh doanh sau khi thu gom tại địa phương sẽ vận chuyển đến điểm tập kết, trạm trung chuyển rác và được đơn vị vận chuyển đến khu liên hợp xử lý. Tuy nhiên, những năm gần đây, xuất hiện tình trạng một số phương tiện chở rác từ các địa phương khác đến đổ “chui” tại điểm tập kết rác trên địa bàn, khiến hệ thống xử lý rác của Thành phố vốn đang phải xử lý khối lượng chất thải rắn phát sinh khoảng 10.000 tấn/ngày càng thêm quá tải.
Ông Trần Duy Long, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi Trường thành phố Thủ Đức cho biết, thành phố có 8 trạm trung chuyển rác với thiết kế khoảng 725 tấn/ngày nhưng thực tế đang gom khoảng 1.200-1.400 tấn/ngày. Nguyên nhân do nhiều xe rác từ các địa bàn khác chuyển rác về đổ tại trạm trung chuyển trên địa bàn Thành phố. Có trường hợp, tài xế ở địa bàn khác không đổ ở trạm trung chuyển mà chọn những bãi đất trống hoặc khu vắng người để đổ. Khi phát hiện, địa phương đã nhắc nhở và giao đơn vị vận hành các trạm trung chuyển xử lý. Tuy nhiên, nhiều trường hợp không kịp phát hiện, các đơn vị thu gom, xử lý phải “gánh” luôn lượng rác đổ “lậu”.
Theo Ban Quản lý các khu liên hợp xử lý chất thải TP Hồ Chí Minh, năm 2021, đơn vị ghi nhận bốn trường hợp xe vận chuyển rác từ các tỉnh Tây Ninh, Long An về địa bàn huyện Củ Chi. Đồng thời, đơn vị ngăn chặn trường hợp vận chuyển rác từ tỉnh Long An về Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xử lý chất thải Việt Nam. Từ đầu năm 2022 đến nay, Thành phố tiếp tục ghi nhận thêm một số trường hợp đổ rác sai quy định, chủ yếu tập trung tại khu vực ngoại thành. Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý các khu liên hợp xử lý chất thải Thành phố phối hợp với Cảnh sát Môi trường Thành phố đã làm việc, thông báo những trường hợp này đến Ủy ban nhân dân địa phương để xử lý theo thẩm quyền.
Tuy nhiên, Ban Quản lý các khu liên hợp xử lý chất thải TP Hồ Chí Minh cho biết, vẫn còn nhiều trường hợp đổ rác "lậu” không được phát hiện kịp thời do lực lượng kiểm tra, tuần tra chưa thể bao quát hết các khu vực suốt ngày đêm. Ngoài ra, hệ thống camera lắp đặt tại các trạm trung chuyển và hệ thống giám sát hành trình (GPS) lắp đặt trên phương tiện vận chuyển trên địa bàn một số quận, huyện đã hư hỏng, gây khó khăn cho việc giám sát tình trạng đổ rác "lậu”.
Theo các đơn vị kinh doanh thu gom rác tại TP Hồ Chí Minh, sở dĩ xuất hiện tình trạng phương tiện chở rác từ nơi khác đến đổ “chui” tại Thành phố là do một số địa phương có rất ít nhà máy xử lý rác. Cá biệt, có tỉnh chỉ có một nhà máy xử lý rác trên toàn địa bàn, vị trí nhà máy nằm ở xa nên một số doanh nghiệp thu gom rác ở các xã, thị trấn tại tỉnh giáp ranh với TP Hồ Chí Minh đưa rác về thành phố đổ “chui” để giảm chi phí. Hàng ngày, Thành phố phải tốn thêm chi phí để vận chuyển, xử lý số rác “chui” nói trên, gây thiệt hại cho ngân sách địa phương.
Nhằm quản lý hiệu quả hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trên địa bàn, trọng điểm là kiểm soát hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải từ tỉnh khác về Thành phố, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu, các đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đang hoạt động trên địa bàn trong mọi trường hợp không được tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt từ địa phương khác khi chưa có sự chấp thuận chủ trương của Ủy ban nhân dân Thành phố.
Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an Thành phố, Ban Quản lý các khu liên hợp xử lý chất thải Thành phố tăng cường kiểm tra định kỳ, đột xuất, trọng điểm tại địa bàn giáp ranh với tỉnh, thành phố khác như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh… kịp thời phát hiện, xử lý hành vi vi phạm. Đặc biệt, các đơn vị xác định trách nhiệm người đứng đầu quận, huyện nếu để tái vi phạm nhiều lần việc tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt từ địa phương khác trên địa bàn quản lý.
TP Hồ Chí Minh yêu cầu, từ năm 2025 trở đi, tất cả trạm trung chuyển, tập kết rác của Thành phố được xây dựng phải có khu vực tiếp nhận rác thải và khu vực đỗ xe rác thiết kế khép kín, sử dụng công nghệ ép rác kín… Trạm trung chuyển phải đảm bảo kết nối đồng bộ, tiếp nhận các loại xe thu gom tại nguồn. Ngoài ra, trạm phải có khả năng phục vụ, tiếp nhận các loại chất thải khác của hộ dân như rác cồng kềnh, rác xây dựng... Các trạm trung chuyển phải được trang bị cân, hệ thống camera, hệ thống phần mềm theo dõi khối lượng rác tiếp nhận; nâng cấp cơ sở hạ tầng cần thiết như máy tính, thiết bị lưu trữ, đường truyền dữ liệu... phục vụ công tác quản lý, giám sát rác thải sinh hoạt.
Về phía các đơn vị thu gom rác, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường đô thị Thành phố Hồ Chí Minh (CITENCO) - chịu trách nhiệm vận chuyển 53% tổng số lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn; đang thí điểm dán logo cho hơn 150 xe rác dân lập của Công ty.
Theo ông Cao Văn Tuấn, Trưởng phòng Công nghệ môi trường và Kiểm tra chất lượng của CITENCO, chỉ xe nào có logo mới vào được các trạm trung chuyển rác do Công ty quản lý. Ngay cả xe dán logo trạm này mà đi trạm khác cũng không được phép, trừ khi địa phương đăng ký, Công ty mới dán logo gộp cho các xe. Việc dán logo giúp Công ty quản lý các xe ra vào và kiểm soát lượng rác đưa đến trạm trung chuyển phát sinh bao nhiêu, từ đó xác định số rác tại trạm có phải của Thành phố hay không. Thời gian tới, CITENCO mong muốn mở rộng mô hình này đến các quận, huyện, nhất là vùng giáp ranh để quản lý vấn nạn "rác lậu” vào thành phố.