Sau 2 tuần mở cửa, TP Hồ Chí Minh chưa ghi nhận ổ dịch trong cộng đồng

Đó là khẳng định của bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh tại cuộc họp báo thông tin về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn vào chiều 18/10.

Theo thống kê trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 tối 18/10, trong 24 giờ qua, TP Hồ Chí Minh ghi nhận 968 trường hợp mắc mới COVID-19 và 51 trường hợp tử vong. Như vậy, trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TP Hồ Chí Minh đã có tổng cộng 415.275 trường hợp mắc COVID-19 được Bộ Y tế công bố.

Chú thích ảnh
Khám sàng lọc trước khi tiêm vaccine phòng COVID-19.

Nhận định về tình hình dịch bệnh, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh cho rằng, những ngày qua, số bệnh nhân nặng đang thở máy có xu hướng giảm rõ rệt (ngày 14/10 có 458 ca, ngày 15/10 có 443 ca, ngày 16/10 có 430 ca và ngày 17/10 có 404 ca); đồng thời số ca nhập viện ngày càng giảm và thấp hơn số ca xuất viện.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm cho biết, sau 2 tuần mở cửa, Thành phố chưa ghi nhận ổ dịch trong cộng đồng. Các trường hợp mắc COVID-19 được ghi nhận là ổ dịch trong hộ gia đình. Theo đó, nếu F0 lây cho người cùng hộ gia đình thì không gọi là ổ dịch trong cộng đồng.

Thông tin về tiến độ thu hẹp bệnh viện dã chiến, Phó chánh văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Lê Thiện Quỳnh Như cho biết, ngày 8/10, Sở Y tế có tờ trình UBND TP Hồ Chí Minh về lộ trình tái cấu trúc các bệnh viện dã chiến giai đoạn sau ngày 1/10; trong đó có việc cho phép tiếp nhận và triển khai mô hình bệnh viện dã chiến 3 tầng. Ngày 15/10, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận Trung tâm Hồi sức của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức; Bệnh viện Nhân dân Gia Định tiếp nhận Trung tâm Hồi sức thuộc Bệnh viện Bạch Mai. Dự kiến cuối năm 2021, Bệnh viện Nhân dân 115 tiếp nhận Bệnh viện Trung ương Huế.

Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cũng đang có lộ trình ngưng các bệnh viện dã chiến cấp thành phố. Cụ thể, đến ngày 31/10 sẽ ngưng hoạt động 5 bệnh viện, gồm Bệnh viện dã chiến Củ Chi cơ sở 2, 3 và Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 1, số 7, số 9. Đến ngày 30/11, TP Hồ Chí Minh sẽ ngưng hoạt động 5 bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 2, số 4, số 10, số 11 và số 12. Đến cuối tháng 12/2021, Thành phố sẽ ngưng hoạt động Bênh viện dã chiến Củ Chi cơ sở 1; Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 3, số 5, số 6 và số 8.

Sau khi các bệnh viện dã chiến ngưng hoạt động, các trang thiết bị tại các bệnh viện này sẽ được chuyển lại cho các bệnh quận, huyện và một phần chuyển đến các bệnh viện dã chiến 3 tầng tại Bệnh viện dã chiến số 13, số 14 và số 16.

Bà Lê Thiện Quỳnh Như cho biết thêm, sau khi lực lượng chi viện rút về, Thành phố sẽ điều động luân phiên các nhân viên y tế, bao gồm bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên từ các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa của thành phố và các quận, huyện về các bệnh viện dã chiến 3 tầng. Tại đây, các bệnh viện phụ trách các trung tâm hồi sức cấp cứu sẽ tiến hành các chương trình đào tạo chuyên môn hồi sức cấp cứu cho các bác sĩ và điều dưỡng làm nhiệm vụ luân phiên, đảm bảo lực lượng y tế chăm sóc sức khỏe cho người mắc COVID-19.

Tin, ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức
TP Hồ Chí Minh chưa có kế hoạch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ dưới 18 tuổi
TP Hồ Chí Minh chưa có kế hoạch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ dưới 18 tuổi

Chiều ngày 18/10, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh khẳng định: TP Hồ Chí Minh hiện chưa có kế hoạch nào về việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN