Ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh và ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đồng chủ trì Hội nghị.
Tại Hội nghị, ông Ngô Hải Đường, Trưởng Phòng Quản lý khai tác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Dự thảo quyết định mới bao gồm 7 chương, 23 điều, nhằm quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn Thành phố được hiệu quả, bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị.
Nội dung Dự thảo quy định một số giải pháp nhằm tăng cường đảm bảo an toàn cho người đi bộ, trên vỉa hè, khu vực có công trình dân dụng đang thi công, tại các giao lộ có lượng người đi bộ đông; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tạm thời một phần lòng đường hè phố; tăng cường khai thác hiệu quả qua nhiều hình thức trong quản lý, sử dụng lòng đường, hè phố…
Tại Hội nghị, các ý kiến phản biện đều thống nhất về tầm quan trọng cần thiết ban hành Quyết định mới thay thế Quyết định 74/2008 của UBND Thành phố Hồ Chí Minh về quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè trên địa bàn Thành phố, bởi Quyết định 74 có nhiều điều khoản không còn phù hợp với thực tiễn và vấn đề quản lý, sử dụng lòng đường, vỉa hè có tác động trực tiếp đến tất cả người dân của Thành phố.
Các ý kiến tập trung phân tích, phản biện về hình thức soạn thảo văn bản, nội dung Quyết định quy định về quản lý, sử dụng tạm thời một phần hè phố như: điều kiện sử dụng tạm thời một phần hè phố nhưng đảm bảo chiều rộng hè phố cho người đi bộ lưu thông tối thiểu từ 1,5m; quy định về cấp phép, tổ chức, quản lý, giám sát hoạt động sử dụng tạm thời một phần hè phố cho tổ chức đám cưới, đám tang và điểm trông giữ xe phục vụ đám cưới, đám tang; tổ chức các hoạt động văn hóa, trông giữ xe có thu phí, kinh doanh dịch vụ…
Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến sự cần thiết phải có quyết định mới thay thế Quyết định 74 để phù hợp với tình hình mới. Trên địa bàn Thành phố, nhiều khu vực mà lòng đường, vỉa hè, phố đủ rộng có thể sử dụng, đáp ứng với nhu cầu của người dân. Việc thu phí khi sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè là cần thiết, phù hợp với những hướng dẫn của Bộ Tài chính về thu phí, lệ phí và phù hợp với những quy định của pháp luật, nhưng cần bổ sung thêm quyết nghị của Hội đồng nhân dân Thành phố về vấn đề này.
Theo bà Trương Thị Hòa, cần bổ sung thêm mục đích bên cạnh đảm bảo giao thông trật tự, an toàn còn có yếu tố đảm bảo an ninh, quốc phòng; đồng thời đề nghị thêm quy định về trách nhiệm của UBND xã, phường trong quản lý việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè và các biện pháp đảm bảo tính công khai, minh bạch, hiệu quả giám sát đối với việc thu phí.
Trong khi đó, Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Minh Hoàng, nguyên Trưởng Khoa Đô thị học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị, việc quản lý, sử dụng lòng đường, vỉa hè có liên quan đến rất nhiều lĩnh vực khác của đời sống, vì thế cần có thêm những ý kiến phản biện của các chuyên gia trong các lĩnh vực giao thông, phát triển đô thị, xã hội học… Dự thảo cần bổ sung thêm những khái niệm liên quan; bổ sung điều khoản nói về quyền và nghĩa vụ của người dân, người sử dụng một phần lòng đường, vỉa hè. Đặc biệt, Dự thảo cần xem xét lại quy định về cơ quan thẩm quyền cấp giấy phép sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè theo hướng phân quyền lại cho UBND quận, huyện.
Có chung quan điểm với luật sư Trương Thị Hòa, ông Hồ Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, vấn đề quản lý, sử dụng vỉa hè, lòng đường rất quan trọng với người dân; cần phân cấp cụ thể cho quận, huyện về cấp giấy phép, bởi chỉ có đơn vị cơ sở mới có điều kiện kiểm tra, giám sát người sử dụng. Bên cạnh đó, Dự thảo cần phải có thêm chế tài quy định hình thức xử phạt trong quản lý, sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè.
Ông Vũ Anh Tuấn, Đại học Việt - Đức nhất trí với những ý kiến phát biểu và cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh cần bàn thảo, đưa ra quy định về cơ chế quản lý, sử dụng vỉa hè tốt hơn nữa, vì đây là bộ mặt đô thị, thể hiện sự văn minh thành phố. Hoạt động diễn ra trên vỉa hè hiện nay là sản phẩm của lịch sử, thói quen sinh hoạt, cuộc sống của người dân, thể hiện văn hóa, lối sống cộng đồng của người Việt. Vì vậy, nghiên cứu ban hành Quyết định cần có cách tiếp cận khoa học, đa chiều, trong đó quan tâm đến ý kiến của cộng đồng dân cư, nhóm người dân sử dụng vỉa hè, để tạo tính khả thi sau khi ban hành Quyết định. Đơn vị soạn thảo Dự thảo Quyết định cần xem xét lại kết cấu văn bản, bổ sung thêm các khái niệm; bổ sung quy định phân biệt các loại vỉa hè, đường phố có thể sử dụng tạm thời một phần vỉa hè…
Đặc biệt quan tâm đến vấn đề thu phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố, luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng cần triển khai, quản lý công tác thu phí một cách chặt chẽ, minh bạch với sự phân nhiệm rõ ràng cho từng cấp, từng đơn vị. Để tránh tình trạng tiêu cực như “lợi ích nhóm” hay “bảo kê” tại cơ sở, cần nghiên cứu, tiến hành quản lý hiệu quả hoặc giao cho một đơn vị trực thuộc thu phí để đảm bảo được lợi ích cho nhân dân.
Ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến phản biện của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Dự thảo Quyết định quy định về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh thay thế Quyết định 74/2008 được nghiên cứu kỹ lưỡng, bởi có tác động rất lớn đến người dân Thành phố. Quá trình soạn thảo đã có tham vấn của Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, ý kiến góp ý của người dân, tính toán đến ảnh hưởng đối với an toàn giao thông đô thị, đặc biệt là vấn đề đảm bảo không gian giao thông tiếp cận hệ thống giao thông công cộng của Thành phố...
Theo ông Trần Quang Lâm, Sở Giao thông Vận tải Thành phố sẽ nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến đóng góp phản biện để sớm hoàn thiện Dự thảo để Quyết định sau khi được ban hành sẽ đảm bảo phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn cuộc sống, nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của người dân.