Thực hiện nghiêm các giải pháp chống dịch
Theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, từ 27/4 đến 11/5, Việt Nam đã có 502 ca nhiễm trong cộng đồng. Riêng tại TP Hồ Chí Minh, hơn 10 ngày qua chỉ có 1 ca nhiễm trong cộng đồng. Đây là nỗ lực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh khi chỉ đạo các UBND quận, huyện và thành phố Thủ Đức quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, không được lơ là, chủ quan. Tuy nhiên, TP Hồ Chí Minh vẫn rất cần sự đồng lòng của người dân, từ việc tuân thủ nghiêm các quy định về phòng dịch như quy tắc 5K của Bộ y tế, góp sức cùng Thành phố thực hiện "mục tiêu kép" vừa chống dịch vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế - xã hội.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cũng thông tin về các chương trình hành động với nhiều nội dung quan trọng nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI; hiện thực hóa khát vọng phát triển, vươn lên mạnh mẽ của TP Hồ Chí Minh, đến năm 2025 trở thành đô thị thông minh, Thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại; tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước; người dân TP Hồ Chí Minh ngày càng có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình…
TP Hồ Chí Minh sẽ tập trung xây dựng nền hành chính hiện đại, hiệu quả, dân chủ, chuyên nghiệp, hướng đến việc phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn; phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, gắn công tác quy hoạch với tổ chức thực hiện quy hoạch, xem quy hoạch là công cụ quan trọng để quản lý và điều hành phát triển kinh tế - xã hội; phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, làm nền tảng cho TP Hồ Chí Minh phát triển bền vững; đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch COVID-19, xử lý nghiêm tiếng ồn từ karaoke, giải quyết cơ bản vấn đề chỉnh trang đô thị, ngập nước, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, quá tải bệnh viện, đảm bảo an toàn thực phẩm; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống.
Doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng
Chị Nguyễn Ngọc Hòa, cử tri Quận 1 cho biết: “Chúng tôi mong muốn ứng cử viên nếu được tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội sẽ tham gia hiến kế, đề xuất các cơ chế, chính sách làm sao phát huy nội lực, tiềm lực của cộng đồng doanh nghiệp trong việc xây dựng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế TP Hồ Chí Minh. Qua đó, hiến kế các giải pháp cụ thể để đảm bảo an ninh, xã hội, phát triển y tế, giáo dục, nguồn nhân lực chất lượng cao. Đề xuất các chính sách đào tạo đội ngũ có năng lực trình độ, thu hút sử dụng tốt nguồn nhân lực chất lượng cao vào bộ máy quản lý TP Hồ Chí Minh”.
Cử tri Trần Quốc Thuần, Quận 1, cũng bày mong muốn ứng cử viên nếu trúng cử sẽ quan tâm xây dựng chính sách phát triển doanh nghiệp trong và ngoài nước; tập trung vào nhóm lao động, khoa học kỹ thuật để giải quyết vấn đề lao động và tăng cường sức cạnh tranh để phát triển kinh tế nội lực. Ngoài ra, đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh cũng cần thường xuyên giám sát việc thực hiện các cơ chế, chính sách; quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, y tế, hoạt động sản xuất kinh doanh của các tiểu thương trên địa bàn, doanh nghiệp du lịch… để có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tiểu thương kịp thời.
Ông Hứa Quốc Hưng, Bí thư Đảng ủy các khu chế xuất và khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh, Trưởng Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP Hồ Chí Minh chia sẻ; "Từ khi xảy ra đại dịch COVID-19, Chính phủ đã ban hành các quyết định hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, của công nhân. Trên cơ sở này, TP Hồ Chí Minh cũng có những kế hoạch, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như giảm thuế, ưu đãi vay vốn, đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, cải cách hành chính nâng cao hiệu quả công việc, ngăn ngừa phòng chống tham nhũng".
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cũng cho biết, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hồ Chí Minh cũng có nhiều chương trình đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Cụ thể, TP Hồ Chí Minh đã có đề án đào tạo giáo dục thông minh từ nay đến năm 2025 và từ năm 2025 đến 2030; đề án đào tạo nguồn nhân lực ngang tầm quốc tế cho một số ngành nghề để đáp ứng yêu cầu thực hiện đề án xây dựng đô thị thông minh, chương trình chuyển đổi số của Thành phố; đặc biệt, Thành phố đã thành lập hội đồng tư vấn về phát triển trí tuệ nhân tạo.
Tương tự với doanh nghiệp, Thành phố cũng có nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Theo đó, Thành phố sẽ thành lập tổ công tác tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án đang bị ách tắc…
“Chúng tôi nhận thức rõ ràng, để TP Hồ Chí Minh phát triển thì sự phát triển của doanh nghiệp rất quan trọng. Vừa qua, chính quyền TP Hồ Chí Minh cũng luôn đồng hành với các doanh nghiệp, đặc biệt trong giải quyết thủ tục hành chính và hỗ trợ hoạt động doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư… Sắp tới, TP Hồ Chí Minh vẫn cam kết thực hiện mục tiêu đồng hành cùng doanh nghiệp, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp”, ông Nguyễn Thành Phong nói.