Với điều kiện dịch bệnh phức tạp, bùng phát dữ dội chưa có tiền lệ, do vây, việc đưa ra các giải pháp và quá trình thực hiện gặp rất nhiều khó khăn, bất cập cần phải điều chỉnh liên tục, phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, đặt mục tiêu cao nhất là phòng, chống dịch COVID-19, với sự đồng lòng, chung tay của người dân, TP Hồ Chí Minh đã vừa làm vừa điều chỉnh, khắc phục bất cập để sớm kiểm soát dịch bệnh.
Nhiều bất cập phát sinh
Với đặc thù là một đô thị lớn, nơi tập trung đông đúc dân cư và là trung tâm đầu mối giao thương của khu vực phía Nam, việc hạn chế lây lan F0 càng trở nên phức tạp, nan giải tại TP Hồ Chí Minh. Để đạt được mục tiêu đó, Thành phố đã áp dụng chính sách chưa có tiền lệ là thiết lập các chốt kiểm soát, quy định các nhóm đối tượng được phép lưu thông nhằm hạn chế việc di chuyển, đồng thời tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm, khoanh vùng, truy vết cũng như tổ chức tiêm vaccine nhanh, kịp thời, quyết liệt và hiệu quả hơn.
Bên cạnh các kết quả tích cực đã đạt được, quá trình thực hiện đã phát sinh các vướng mắc, thể hiện sự lúng túng, thiếu nhất quán khi Thành phố ban hành nhiều văn bản nhưng sau đó có nhiều điều chỉnh chỉ trong thời gian rất ngắn, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Để siết chặt giãn cách từ 0 giờ ngày 23/8, UBND Thành phố ban hành văn bản quy định Thủ trưởng cơ quan, đơn vị nơi 17 nhóm đối tượng được phép ra đường sẽ cấp giấy đi đường. Tuy nhiên, ngay sau đó, UBND Thành phố ban hành văn bản điều chỉnh, bổ sung thời gian di chuyển cho một số nhóm đối tượng. Đặc biệt khi toàn Thành phố đang thực hiện tăng cường Chỉ thị 16/CT-TTg, UBND Thành phố tiếp tục có văn bản điều chỉnh, bổ sung, thống nhất giao Công an Thành phố là đơn vị in, ký cấp giấy đi đường cho toàn bộ các nhóm đối tượng được ra đường. Những giấy đi đường cấp trước đó vài ngày không còn giá trị.
Chỉ đạo này của Ủy ban nhân dân Thành phố đã được Công an Thành phố cụ thể bằng việc ra thông báo hướng dẫn việc kiểm soát phương tiện được phép lưu thông trên đường, giảm số lượng trong từng nhóm đối tượng và chính thức áp dụng chỉ 1 ngày sau đó. Đây là khoảng thời gian ngắn trong khi cả Thành phố đang giãn cách, gây không ít khó khăn, thậm chí phiền toái cho người dân, cơ quan nhà nước và doanh nghiệp.
Một trong những đơn vị nhận được phản ánh nhiều nhất trong việc cấp giấy đi đường là Sở Công Thương Thành phố. Theo lý giải của đại diện Sở Công Thương Thành phố: trong ngày đầu thực hiện giãn cách, Sở đã nỗ lực cấp được 80.000 giấy đi đường cho các hệ thống phân phối và các đối tượng liên quan, trong đó có doanh nghiệp kinh doanh gas, dịch vụ logistics, shipper… Tuy nhiên, do lượng hồ sơ đăng ký quá lớn, khó có thể giải quyết kịp thời cho tất cả các loại hình trên. Bên cạnh đó, quy định mới từ ngày 25/8, tất cả giấy đi đường phải do Công an Thành phố cấp phát, dẫn tới việc những giấy đi đường đã được Sở Công Thương cấp trước đó phải hủy hết, giải quyết lại từ đầu.
Một vấn đề phát sinh gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân là việc “đi chợ hộ” của lực lượng chức năng khi người dân phải ở nhà do quy định hạn chế lưu thông. Lực lượng chức năng từ công an, quân đội cho đến dân quân tự vệ, cán bộ phường xã, khu phố, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tham gia “đi chợ hộ”, thậm chí cả nhân viên siêu thị. Tuy nhiên, đơn hàng của người dân nhiều trong khi lực lượng “đi chợ hộ” không đủ nên thời gian giao hàng chậm, chưa kể một bộ phận người dân có đặt hàng nhưng không nhận hàng và không thanh toán. Đáng chú ý, khi tạm ngưng hoạt động lực lượng shipper tại 8 địa bàn “vùng đỏ” đã dẫn tới quá tải đơn hàng "đi chợ hộ". Người dân phản ánh không được phản hồi đơn hàng, đơn vị kinh doanh tạm ngưng nhận đơn hàng mới để xử lý đơn hàng đã nhận...
Trong khi đó, mặc dù nỗ lực hỗ trợ người dân với tinh thần và quyết tâm không để ai bị bỏ lại phía sau, TP Hồ Chí Minh đã chi khoảng 6.500 tỷ đồng tiền hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng đâu đó vẫn còn một số người dân chậm nhận được sự hỗ trợ. Bên cạnh đó, trên địa bàn Thành phố vẫn còn rất nhiều đối tượng gặp khó khăn như lao động tư do mất việc, người thuê trọ không có việc làm, không đủ tiền thuê trọ… đang cần sự hỗ trợ. Đặc biệt, trong thời gian siết chặt giãn cách, nhiều trường hợp F0 chậm được đưa đi điều trị, dẫn tới diễn tiến nặng hoặc tử vong, chưa kể những người mắc các bệnh nền khác trong nhiều thời điểm chưa nhận được dịch vụ y tế kịp thời.
Giải quyết linh hoạt
Những phát sinh trong quá trình thực hiện giãn cách xã hội, nhất là với một đô thị đông dân, giao thương kinh tế nhộn nhịp như TP Hồ Chí Minh là điều không tránh khỏi. Chính quyền các cấp Thành phố đã có các biện pháp khắc phục, linh động giải quyết khó khăn.
Đối với vấn đề lưu thông, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, để phục vụ công dân rút ngắn thời gian khai báo y tế trong quá trình tham gia giao thông, Bộ Công an đã xây dựng ứng dụng khai báo y tế điện tử VNEID. Ứng dụng này có ưu điểm so với các ứng dụng khác là tính xác thực về mặt nhân thân. Công an Thành phố đã đưa ứng dụng này vào quy định về kiểm soát lưu thông trên đường. Đồng thời, từ ngày 7/9, Công an Thành phố phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an triển khai lắp đặt 100 camera đọc mã QR tại các chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 trên các tuyến đường giao nhau giữa các quận, huyện. Việc làm này đã tạo điều kiện cho người dân di chuyển qua các chốt kiểm soát được thuận lợi và giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cho các lực lượng tham gia công tác tại các chốt kiểm soát.
Để tạo thuận lợi hơn cho hoạt động lưu thông nhằm thực hiện công vụ, Công an Thành phố đã có một số điều chỉnh từ ngày 29/8. Theo đó, những xe chở nhân viên của các cơ quan, doanh nghiệp đi thực hiện công vụ nhưng không có mã QR, chỉ cần 1 người trên xe có giấy phép lưu thông, khai báo y tế và đảm bảo các biện pháp chống dịch thì sẽ được lưu hành. Những tài xế đi xét nghiệm SARS-CoV-2 để phục vụ việc cấp mã "luồng xanh" cho phương tiện; người có vé máy bay để đi nước ngoài du học, về các tỉnh, thành phố khác… không cần giấy đi đường, chỉ cần chứng minh thuộc nhóm đối tượng này như hướng dẫn trước đây thì vẫn được phép lưu thông trên đường theo lộ trình “1 cung đường, 2 điểm đến”. Trong khi đó, những nhân viên vận chuyển gas (bình 12kg trở lên) lưu thông tại các vùng dân cư chỉ cần có giấy giao hàng, địa chỉ nơi nhận và khai báo y tế cũng được phép lưu thông.
Đối với vấn đề lưu thông hàng hóa, theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh: Sở đã yêu cầu nhà bán lẻ, doanh nghiệp khẩn trương điều chỉnh combo "đi chợ hộ" phù hợp nhu cầu người dân và đảm bảo cả về chủng loại, số lượng, chất lượng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu. Ngày 29/8, Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh đã cho phép lực lượng shipper theo danh sách của Sở Công Thương Thành phố được lưu thông ra đường theo phạm vi một quận, huyện, thành phố Thủ Đức trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội với yêu cầu tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng COVID-19 và xét nghiệm nhanh âm tính (1 ngày/lần) tại 8 quận "vùng đỏ".
Ngoài ra, UBND Thành phố Hồ Chí Minh giao Công an Thành phố phân bổ cho Sở Công Thương 20.000 giấy đi đường cho nhân viên hệ thống bán lẻ để bổ sung thêm lực lượng chuẩn bị đơn hàng, thực hiện các gói combo, đảm bảo phục vụ kịp thời nhu cầu của người dân.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, trong thời gian Thành phố tăng cường siết chặt giãn cách, từng lúc, từng địa bàn, có diễn biến tốt, Thành phố đã mở dần một số hoạt động, một số dịch vụ. Ví dụ, ở tuần thứ 2 đã mở hoạt động hệ thống siêu thị đến xã, phường, thị trấn gắn với hoạt động shipper. Các dịch vụ thương mại điện tử, ăn uống mang về cũng đã mở ra và bước đầu đáp ứng được nhu cầu của bà con. Theo từng thời điểm, với 1 số ngành nghề đảm bảo an toàn, thành phố sẽ có sự điều chỉnh để dần mở ra, phục vụ nhu cầu của người dân.
Cùng với sớm giải quyết vấn đề "đi chợ hộ", TP Hồ Chí Minh đang nỗ lực khắc phục hạn chế trong triển khai chăm lo cho các đối tượng lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, kiểm tra, rà soát những nơi phát sai, chưa đúng đối tượng, cung cấp các túi an sinh kịp thời đến người dân, cũng như các gói hỗ trợ đến tay các đối tượng được hưởng thụ một cách sớm nhất.
Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cũng đã nhận thiếu sót, khuyết điểm, mong muốn người dân thông cảm, chia sẻ; đồng thời Thành phố đang chuẩn bị đợt hỗ trợ lần thứ 3 với số tiền lên tới 10.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, Thành phố đã kịp thời chấn chỉnh công tác chống dịch ở một số địa bàn như Quận 8, thành phố Thủ Đức bằng hình thức kỷ luật hoặc xử lý hình sự lãnh đạo, cán bộ phường nhằm siết chặt kỷ cương và tạo niềm tin cho nhân dân; chấn chỉnh sai sót trong cung ứng hàng hóa, chính sách hỗ trợ cho người dân tại quận Bình Tân, huyện Hóc Môn…
Trong khi đó, để xử lý các phát sinh trong quá trình phát hiện, chăm sóc và điều trị người mắc COVID-19, từ ngày 23/8, Thành phố đã tích cực triển khai kế hoạch cho người dân tự lấy mẫu xét nghiệm tại nhà và triển khai xét nghiệm diện rộng trên toàn Thành phố, trong đó tập trung tại các khu vực có nguy cơ cao và rất cao với mục tiêu nhanh chóng tìm được các ca F0 trong cộng đồng.
Thành phố đã chuyển hướng tập trung hơn cho công tác điều trị ở tuyến cơ sở, xây dựng và ban hành Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0; trong đó bao gồm xây dựng các gói thuốc điều trị mẫu (gói A, B, C), giúp điều trị kịp thời cho các trường hợp F0 mới phát hiện, giảm tỷ lệ chuyển nặng và tử vong. Từ đó giảm tải cho các cơ sở cách ly tập trung và các bệnh viện dã chiến, đồng thời giúp giảm bớt sang chấn tâm lý cho người bệnh, giúp họ nhanh chóng hồi phục.
Siết chặt công tác phòng, chống dịch, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, nỗ lực chăm sóc, điều trị bệnh nhân để giảm tử vong, thực hiện các chính sách an sinh xã hội… đã được thành phố triển khai mạnh mẽ trong một tháng qua. Bước đầu, các giải pháp đã cho “quả ngọt”, nhiều địa phương đã cơ bản kiểm soát được dịch, “vùng xanh” đang dần được mở rộng.
Bài 3: Thiết lập và kiểm soát bản đồ COVID-19