Để giải quyết vấn đề này, Thành phố đã có nhiều chính sách, dự án để xử lý các điểm ngập và tìm giải pháp căn cơ lâu dài để chấm dứt hoàn toàn tình trạng ngập nước trên địa bàn.
Bài 1: Các công trình, giải pháp phát huy hiệu quả
Công tác chống ngập luôn là ưu tiên hàng đầu và là nhiệm vụ cấp bách của Thành phố Hồ Chí Minh từ hơn 15 năm qua. Riêng giai đoạn 2016-2020, Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện nhiều biện pháp công trình, phi công trình giúp kéo giảm mạnh cả về số tuyến đường ngập, chiều sâu ngập lẫn thời gian ngập, đặc biệt xóa hẳn những “rốn ngập” tồn tại dai dẳng nhiều năm. Bên cạnh đó, Thành phố cũng tích cực triển khai nhiều dự án cải tạo, hồi phục các tuyến kênh, rạch bị lấn chiếm, bồi lấp trên địa bàn nhằm tăng khả năng thoát nước cho đô thị, góp phần chống ngập và đảm bảo chất lượng sống của người dân.
Giảm ngập cả về khu vực lẫn mức độ, thời gian
Theo ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Chương trình Giảm ngập nước là một trong những chương trình đột phá của Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh hai nhiệm kỳ liên tiếp. Trong 5 năm triển khai Chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2016 - 2020, Thành phố đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 44 dự án chống ngập với tổng mức đầu tư 5.453 tỷ đồng. Đến nay, tổng số kinh phí đã đầu tư cho công tác chống ngập là gần 26.000 tỷ đồng.
Chương trình đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng từ người dân, rõ nhất là qua việc tích cực thực hiện cuộc vận động “Người dân Thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước” theo Chỉ thị 19-CT/TU của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Những dự án chống ngập lớn đã đi vào hoạt động có thể kể đến như hệ thống đê bao 4 đoạn khu vực quận Thủ Đức thuộc bờ tả sông Sài Gòn; hệ thống thoát nước đường An Dương Vương (Quận 5); các cống kiểm soát triều Bình Triệu, Bình Lợi, Rạch Lăng, Rạch Nhảy - Ruột Ngựa, Nhiêu Lộc - Thị Nghè và trạm bơm tại đường Nguyễn Hữu Cảnh; hệ thống thoát nước Quốc lộ 1A đoạn từ cầu vượt An Sương đến Nguyễn Văn Quá… Nhờ những dự án này, công tác chống ngập của Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận: số lượng điểm ngập giảm rõ rệt, chiều sâu ngập, thời gian ngập giảm. Nếu như trước đây, thời gian ngập có thể kéo dài 4 - 6 tiếng nhưng hiện nay ngập chỉ kéo dài 15 - 40 phút sau mưa.
Cụ thể, từ đầu năm 2020 đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh có hàng chục trận mưa lớn từ 70 mm đến 115 mm đã gây ngập 22 tuyến đường, trong khi năm 2008 cũng với lượng mưa tương tự đã gây ngập đến 126 tuyến đường. Nhiều tuyến đường trước đây thường bị ngập khi có mưa lớn, nay đã được xử lý triệt để như Ba Tháng Hai, Âu Cơ, Đồng Đen, Bình Thới, Nơ Trang Long, Kinh Dương Vương, Vòng xoay Cây Gõ, khu vực Công viên Đầm Sen, khu vực bến xe Chợ Lớn...
Tính đến hết quý III năm 2020, Thành phố Hồ Chí Minh đã giải quyết ngập ở 25/36 tuyến đường trục chính, đạt gần 70% chỉ tiêu giai đoạn 2016–2020. Các quận, huyện đã hoàn thành giải quyết ngập 179/179 tuyến hẻm, đạt 100% so với chỉ tiêu giai đoạn 2016–2020. Ngoài ra, Thành phố đã hoàn thành thêm 1.164 tuyến hẻm kết hợp chỉnh trang, kết nối đồng bộ hệ thống thoát nước chính.
Đối với các tuyến đường trục chính bị ngập do triều, dự kiến đến cuối năm 2020, Thành phố sẽ xóa ngập ở 9/9 tuyến đường (Lương Định Của, Nguyễn Văn Hưởng, Xa lộ Hà Nội, Huỳnh Tấn Phát, Lê Văn Lương, Trần Xuân Soạn, Tỉnh lộ 10, Đường 26 và Quốc lộ 50), đạt 100% chỉ tiêu giai đoạn 2016 - 2020 và tiến tới giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nước tại lưu vực trung tâm và một phần của 5 lưu vực ngoại vi (Bắc, Tây, Nam, một phần Đông Bắc, Đông Nam) rộng 550 km2 với khoảng 6,5 triệu dân. Cùng với đó là thực hiện tốt các mục tiêu cải thiện môi trường nước, tăng không gian trữ nước và tạo cảnh quan đô thị, góp phần cải thiện đời sống dân sinh, bảo vệ môi trường thành phố.
Nỗ lực hồi sinh các tuyến kênh, rạch bị ô nhiễm, lấn chiếm
Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ năm 2016 đến nay, Thành phố đã cải tạo hệ thống thoát nước, nạo vét được gần 100 km sông, kênh, rạch với tổng số 229 tuyến; vận động người dân tham gia nạo vét, khơi thông 193 tuyến kênh, rạch với chiều dài gần 60 km, góp phần làm thông thoáng dòng chảy, cải thiện vệ sinh môi trường. Hiện đã giảm 21% tải lượng chất ô nhiễm thải vào nguồn nước mặt.
Ngoài ra, Thành phố đang đẩy nhanh tiến độ, hoàn tất các thủ tục cải tạo rạch Xuyên Tâm; chuẩn bị đầu tư các dự án cải tạo rạch khu vực nội đô, gồm: Bùi Hữu Nghĩa, Văn Thánh, Bà Tiếng, Liên Xã, Ông Búp... Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý tình trạng xả thải gây ô nhiễm nguồn nước sông, kênh, rạch liên vùng.
Một trong những điển hình của việc phục hồi kênh rạch thành công là rạch Lăng (Quận Bình Thạnh). Theo Ủy ban nhân dân quận Bình Thạnh, nhiều năm trước, con rạch dài 1.200 m này thường xuyên khiến người dân khổ sở vì dòng nước bị tắc nghẽn, nước mưa ứ đọng, rác thải bốc mùi hôi thối nồng nặc. Sau khi Thành phố tiến hành nạo vét sạch 20.000 m3 bùn đất, rác thải, nay dòng chảy đã được khơi thông, nước rạch đã đổi màu, không còn bốc mùi hôi thối. Người dân đã có thể dạo bước thảnh thơi bên con rạch vừa “hồi sinh”.
Con kênh Tân Hóa – Lò Gốm (đoạn qua Quận 6) đã từng được biết đến là một trong những dòng kênh ô nhiễm nặng nhất Thành phố do tình trạng lấn chiếm, xây nhà trái phép, xả rác bừa bãi. Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai cải tạo từ 2016 đến nay, toàn bộ dòng kênh này đã được hồi sinh. Người dân khu vực không giấu được niềm vui khi chứng kiến dòng kênh “chết” giờ đã khoác trên mình chiếc áo mới. Dọc hai bên bờ kênh, vào những buổi chiều tối, nhiều người ra bờ sông tập thể dục, ngắm cảnh và trò chuyện.
Bên cạnh công tác phục hồi kênh, rạch, cống thoát nước, việc thực hiện Chỉ thị 19-CT/TU của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về thực hiện cuộc vận động “Người dân Thành phố không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước” đã tạo được sự chuyển biến tích cực về ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân, góp phần giải quyết tình trạng kênh, rạch ô nhiễm.
Tại nhiều khu vực quận, huyện trên địa bàn, đông đảo người dân đã tham gia cải tạo các khu đất trống ven kênh, rạch; thực hiện mô hình sản xuất túi ni-lông tự hủy để giảm tác động lên môi trường; tổ chức các đợt ra quân thu gom rác thải, phát quang cỏ dại, trồng lại cây xanh ven kênh rạch. Người dân tham gia cùng chính quyền địa phương vận động doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cam kết có trách nhiệm trong việc giữ vệ sinh môi trường kênh rạch… Qua đó, đã góp phần tạo nên diện mạo mới cho nhiều tuyến kênh, rạch trên địa bàn.
Theo kế hoạch điều chỉnh quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước Thành phố Hồ Chí Minh, đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050, Thành phố sẽ mở rộng quy hoạch thoát nước gấp 3 lần so với hiện trạng (từ 650 km2 lên 2.095 km2). Vì vậy, công tác nạo vét, khơi thông và khôi phục nguyên trạng các tuyến kênh rạch bị ô nhiễm, lấn chiếm để tăng khả năng trữ, thoát nước sẽ tiếp tục là một trong những nhiệm vụ được thành phố ưu tiên thực hiện trong thời gian tới.