Báo cáo tại buổi làm việc, bác sĩ Phan Văn Báu, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết, tất cả bác sĩ và nhân viên y tế tại đây đều có phương án sắp xếp mọi chuyện để sẵn sàng ở lại bệnh viện nếu không may trường hợp bị phong tỏa. “Nhân viên y tế đã chuẩn bị sẵn sàng vali để người nhà gửi vào nếu trường hợp bệnh viện bị phong tỏa”, Giám đốc Bệnh viện nói.
Trong công tác phòng chống dịch bệnh, Bệnh viện Nhân dân 115 xây dựng một khu vực sàng lọc tách rời hẳn so với khối nhà điều trị. Phòng Cấp cứu cũng sẵn sàng một phòng sàng lọc. Hiện tại, việc di chuyển trong bệnh viện của bác sĩ, nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà được khoanh gọn trong từng tầng lầu. Đây là phương án được đưa ra nếu chẳng may bị phong tỏa, sẽ chỉ có từng tầng lầu bị ảnh hưởng, những khu vực khác sẽ được đảm bảo an toàn.
Bác sĩ Phan Văn Báu cũng cho biết, bệnh viện hiện có 84 máy thở, tuy nhiên khi dịch bùng phát, số máy thở này là không đủ. Bệnh viện cũng xin được cung cấp kit test nhanh vì nếu đấu thầu thì rất lâu.
Sau khi kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Bệnh viện Nhân dân 115, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đánh giá cao công tác phòng chống dịch bệnh của bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện đã tổ chức khu khám sàng lọc ngoài khu điều trị, tổ chức khai báo y tế người bệnh chặt chẽ và truy xuất nhanh chóng ngay cả thân nhân người bệnh. Theo đó, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị ngành y tế thành phố nên nhân rộng mô hình khu sàng lọc ở ngoài khu điều trị ở một số bệnh viện khác.
Ông Nguyễn Thành Phong cho rằng, dù bệnh viện đã có 93% nhân viên được tiêm một mũi vaccine phòng COVID-19 nhưng vẫn cần phải có phương án yểm trợ cho đội ngũ này về công tác phòng hộ. Bên cạnh đó, rút kinh nghiệm từ bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), bệnh viện cần phải kiểm soát chặt các đơn vị cung ứng bên ngoài và kiểm soát người nuôi bệnh, hạn chế thay đổi người nuôi bệnh.
Đối với Bệnh viện Chợ Rẫy, báo cáo về công tác phòng chống dịch COVID-19, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc bệnh viện cho biết, Bệnh viện Chợ Rẫy là bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt, tuyến cuối của các tỉnh phía Nam, nơi tiếp nhận hầu hết các bệnh nhân nặng nên trong mùa dịch, mỗi ngày Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận khám và điều trị nội trú cho gần 10 nghìn lượt bệnh nhân.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 cũng như các tình huống vừa xảy ra tại các bệnh viện của cả nước, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp tục duy trì và nâng cao cảnh giác trong mọi công tác phòng chống dịch như tiêm phòng vaccine cho nhân viên y tế; xây dựng tuyến phòng thủ cho Trung tâm truyền máu Bệnh viện Chợ Rẫy nhằm đảm bảo nhiệm vụ cung cấp nguồn máu cho toàn miền Nam trong trường hợp xấu nhất xảy ra.
Bệnh viện cũng đã thực hiện nghiêm việc không cho thăm bệnh, sử dụng dấu vân tay để kiểm soát người nuôi bệnh, hạn chế tối thiểu việc thay đổi người nuôi bệnh; xét nghiệm tầm soát COVID-19 cho tất cả các bệnh nhân nhập viện; xét nghiệm ngẫu nhiên ở một số thân nhân bệnh nhân; xây dựng các phòng cách ly đệm tại các khoa; kiểm soát quy trình di chuyển và làm việc trong bệnh viện của các bộ phận dịch vụ hợp đồng như công ty làm sạch, bộ phận giao nhận…
Đặc biệt, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã xây dựng và chuẩn bị cho các tình huống xấu nhất có thể xảy ra như phong tỏa khoa hay cách ly bệnh viện… Theo đó, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tính toán phương án nếu xảy ra bị phong tỏa, sẽ có khoảng 5.000 người buộc phải ở lại bên trong bệnh viện. Để chuẩn bị cho trường hợp không mong muốn này, Bệnh viện Chợ Rẫy đã chuẩn bị các phương án chia tua trực, quần áo, vệ sinh, thức ăn... Hiện tại, Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện xét nghiệm COVID-19 cho tất cả bệnh nhân có chỉ định điều trị nội trú.
Sau khi lắng nghe chia sẻ của Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cùng góp ý của các thành viên trong đoàn kiểm tra, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã biểu dương tinh thần “chống dịch như chống giặc”, chủ động các phương án phòng ngừa chống dịch của Bệnh viện Chợ Rẫy; trong đó có nhiều phương án linh hoạt phù hợp với tình hình thực tế của bệnh viện, góp phần nâng cao vai trò phòng chống dịch cho “tuyến phòng thủ” cuối cùng.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: “Bệnh viện Chợ Rẫy đã làm rất tốt vai trò của bệnh viện tuyến cuối, thời gian qua đã nỗ lực “chi viện” cho các tỉnh phòng chống dịch COVID-19. Đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện có chuyên môn sâu, tấm lòng đối với bệnh nhân nên cần phải được yểm trợ một cách tốt nhất. Bệnh viện cần xây dựng một đội phản ứng nhanh dành riêng cho nội viện, khẩn cấp đáp ứng khi xảy ra các tình huống dịch bệnh xâm nhập”.
Theo ông Nguyễn Thành Phong, dù Bệnh viện Chợ Rẫy trực thuộc Bộ Y tế nhưng là bệnh viện đóng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, chăm sóc sức khỏe cho người dân thành phố nên việc Thành phố hỗ trợ cho Bệnh viện Chợ Rẫy bảo toàn “tuyến phòng thủ” là việc làm đương nhiên của thành phố.
“Đã là bệnh viện đóng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh dù thuộc trung ương thì tất cả đều là công dân thành phố. Thành phố sẽ làm hết sức mình để bảo toàn cho “tuyến phòng thủ” này. Vì vậy, cần phải kết nối chặt chẽ để đảm bảo cho sự an toàn của tất cả mọi người và trong tình hình thực tế của “cuộc chiến” này, đặc biệt ưu tiên bảo vệ cho đội ngũ tuyến đầu là nhân viên y tế”, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh khẳng định
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã giao Sở Y tế cùng các ban, ngành phối hợp hỗ trợ Bệnh viện Chợ Rẫy giữ an toàn cho "tuyến phòng thủ" này, từ nguồn máu dự trữ tại Trung tâm Truyền máu cho đến đội ngũ nhân viên y tế cùng các phương án điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng… Đặc biệt, theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, đội ngũ nhân viên y tế của Bệnh viên Chợ Rẫy có chuyên môn sâu nên bên cạnh công tác hỗ trợ các tỉnh thành chống dịch, Bệnh viện cũng cần xây dựng một đội phản ứng nhanh dành riêng cho nội viện.