Cơ chế, chính sách đặc thù giúp phát huy tốt lợi thế, tiềm năng của TP Hồ Chí Minh

Ngày 10/5, HĐND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức giám sát UBND Thành phố về tình hình thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố và Nghị quyết số 25/NQ-HĐND ngày 7/12/20217 của HĐND.

Chú thích ảnh
Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tich HĐND Thành phố phát biểu kết luận cuộc giám sát. 

Theo báo cáo của UBND Thành phố, với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên của các cơ quan Trung ương, công tác quán triệt, tuyên truyền, triển khai Nghị quyết số 54/2017/QH14 được thực hiện có hiệu quả, đạt được một số kết quả tích cực, tạo sự chủ động nhiều hơn cho Thành phố. Đồng thời, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm; chính sách thu hút đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và người tài năng đặc biệt, các chính sách hỗ trợ tăng thu nhập tăng thêm cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tạo sự phấn khởi, đồng thuận chung trong cả hệ thống chính trị. Việc đẩy mạnh ủy quyền cho các cơ quan chuyên môn, địa phương đã nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trên địa bàn, góp phần phục vụ tốt hơn, nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với cơ quan, tổ chức của Thành phố. Việc tiếp tục thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đóng vai trò quan trọng giúp Thành phố phát huy tốt hơn lợi thế tiềm năng, phát triển nhanh, bền vững. Vì vậy, Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 để địa phương được tiếp tục thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù, đảm bảo tính liên tục của các chính sách đã và đang thực hiện; tiếp tục phát huy những thành quả đạt được trong thời gian qua. 

Kết luận buổi khảo sát, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND Thành phố cho rằng, qua hơn 4 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết số 54/2017/QH14 đã phát huy được một số kết quả nhất định trên các lĩnh vực. Trong lĩnh vực quản lý đất đai, đã rút ngắn được thời gian lập hồ sơ gửi các bộ chức năng có ý kiến thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Cơ chế, chính sách đặc thù đã giúp Thành phố đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án nhóm A sử dụng ngân sách Thành phố, nâng cao hiệu quả quản lý và phát huy hiệu quả nguồn vốn ngân sách địa phương trong đầu tư công.

Việc ủy quyền đã giúp các sở, ngành, UBND các quận, huyện chủ động trong công tác tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao, phát huy vai trò của người đứng đầu trong công tác quản lý, điều hành và nâng cao tinh thần trách nhiệm cho cán bộ, công chức, viên chức khi thực thi nhiệm vụ. Đồng thời, giúp rút ngắn thời gian giải quyết, giảm khâu trung gian, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính, nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Việc triển khai chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức của Thành phố đã tạo động lực, góp phần giảm bớt khó khăn, cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức; khơi gợi tinh thần lao động sáng tạo, nâng cao hiệu quả làm việc, củng cố và nâng cao chất lượng bộ máy nhà nước trên các lĩnh vực; cùng Thành phố vượt qua khó khăn, đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch COVID-19 và giai đoạn phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch. 

Theo bà Nguyễn Thị Lệ, thực tế cho thấy, một số nội dung Nghị quyết 54/2017/QH14 triển khai còn chậm so với kế hoạch dự kiến. Cơ chế, chính sách đặc thù chưa phát huy, triển khai đầy đủ, kịp thời như mong đợi. Các quy trình, thủ tục triển khai thực hiện tiếp theo trong công tác quản lý đất đai còn chậm, chưa chuẩn bị tốt; các dự án thực hiện theo cơ chế chính sách đặc thù của Nghị quyết 54/2017/QH14 đều chậm tiến độ; công tác xây dựng, triển khai Đề án thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất đối với một số hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường không đúng tiến độ; chưa xây dựng Đề án thực hiện sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư. Công tác thu hút chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt vẫn chưa đạt hiệu quả…

Chú thích ảnh
 Đại diện các sở, ngành của UBND Thành phố báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh. 

Thời gian tới, HĐND Thành phố kiến nghị UBND Thành phố tiếp tục phát huy tính năng động, sáng tạo, tinh thần quyết liệt, kiên trì trong lãnh đạo, chỉ đạo các chủ trương, chính sách; đồng thời huy động sức mạnh tối đa của cả hệ thống chính trị, nhằm tiếp tục vận động, tạo sự đồng thuận trong nhân dân; tiếp tục tăng cường sự ủng hộ, đồng tình, hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ của các ban, bộ, ngành Trung ương. UBND Thành phố đánh giá tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 làm cơ sở để tiếp tục kiến nghị Quốc hội ban hành một nghị quyết mới về cơ chế, chính sách phát triển phù hợp; trong đó kế thừa những nội dung của Nghị quyết số 54/2017/QH14 và bổ sung thêm một số nội dung mới. 

Thay mặt HĐND Thành phố, bà Nguyễn Thị Lệ đề nghị UBND TP Hồ Chí Minh quan tâm giải quyết, đảm bảo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đang triển khai theo cơ chế, chính sách đặc thù; rà soát lại tình hình thực hiện của từng dự án có thu hồi đất lúa trên 10 ha, xem xét tính khả thi, tính cần thiết tiếp tục thực hiện để đẩy nhanh tiến độ hoặc trình HĐND Thành phố hủy bỏ danh mục nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Đồng thời, tổng hợp, đánh giá, phân tích những nội dung thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 còn hạn chế, chưa thực hiện được, chưa thực hiện đầy đủ để xác định nguyên nhân, trách nhiệm của cá nhân, đơn vị có liên quan, làm cơ sở để xây dựng cơ chế, chính sách mới nhằm phát triển Thành phố, thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XI.

Tin, ảnh: Xuân Khu  (TTXVN)
Cần chính sách đặc thù để phát triển ngành thép
Cần chính sách đặc thù để phát triển ngành thép

Bộ Công Thương vừa có báo cáo số 2152/BCT-CN gửi Thủ tướng Chính phủ về đề xuất xây dựng “Chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN