Tại sự kiện, hai Sở ký kết hợp tác tập trung ở một số nội dung: giáo dục nghề nghiệp và phát triển nguồn nhân lực, hoạt động việc làm - an toàn lao động, người có công với cách mạng, công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới...
Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ - Nguyễn Thực Hiện nhận định, việc ký kết hợp tác nhằm tăng cường sự phối hợp giữa hai cơ quan trong cung cấp, trao đổi thông tin về công tác tổ chức thực hiện chính sách, hoạt động và phương án giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện công việc thuộc lĩnh vực lao động, người có công và xã hội; đồng thời, tạo điều kiện để hai địa phương cùng nhau hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ được phân công, góp phần phát triển ngành Lao động - Thương binh và Xã hội của hai thành phố.
Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hai bên hợp tác nhằm chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình thực thi các quy định, học hỏi các mô hình hay đã áp dụng trong thực tiễn tại địa phương, các giải pháp phát huy thế mạnh của mỗi thành phố trong lĩnh vực phát triển thị trường lao động, việc làm linh hoạt, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội; triển khai công tác chăm lo người có công, các đối tượng yếu thế cần sự giúp đỡ của xã hội.
Đơn vị đã chuẩn bị 53 văn bản, tài liệu cách làm, mô hình mà Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đã tham mưu cho UBND Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện từ năm 2021 đến nay, chia sẻ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Cần Thơ để nghiên cứu, vận dụng vào điều kiện thực tiễn của địa phương.
Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ là hai trung tâm kinh tế, văn hóa lớn của cả nước. Với tiềm năng và lợi thế riêng, hai thành phố đã đạt được nhiều thành tựu trong các lĩnh vực về phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hai địa phương cũng đang đối mặt với thách thức giải quyết các vấn đề về lao động, an sinh xã hội, công tác chăm lo các đối tượng chính sách người có công...
Thời gian qua, các chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã đạt nhiều kết quả tích cực như: tạo cầu nối để doanh nghiệp các bên liên kết, hợp tác; thúc đẩy hợp tác công-tư trên nguyên tắc cùng có lợi và đóng góp vào sự phát triển chung của các bên; trao đổi kinh nghiệm về cải cách hành chính, quản lý nhà nước và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, nâng cao đời sống của người dân.