Nguy hiểm rình rập
Giám đốc Trung tâm Y tế Nậm Nhùn Lò Thế Khánh đưa tôi đi xem trụ sở bệnh viện tạm, ông lo lắng cho người dân phải đến khám, chữa bệnh tại đây, vì nền sụt nún nên tường nhà nứt sẽ sập đổ bất cứ lúc nào. Chỉ tay lên những vết nứt kéo dài, ông nói: “Tường và trần nhà nứt quá nhiều, chúng tôi phải khắc phục dùng vữa trét vào để người bệnh yên tâm nằm điều trị, nhưng trong lòng không khỏi suy nghĩ một ngày còn chưa chuyển đến địa điểm mới thì nguy hiểm đến tính mạng con người”.
Năm 2013, tỉnh Lai Châu thành lập huyện Nậm Nhùn, do không có trụ sở, Trung tâm Y tế huyện, trong đó có Bệnh viện Đa khoa phải mượn tạm các gian nhà của công nhân thủy điện Lai Châu để thực hiện nhiệm vụ. Tổng có 40 phòng (6 phòng cho bệnh nhân nằm điều trị nội trú), do thiếu phòng nên một số phòng ban còn hoạt động ghép. Tuy nhiên, các dãy nhà này được xây dựng với mục đích tạm cho công nhân ở xây dựng công trình thủy điện nên nhanh xuống cấp, tường nứt gãy, sụt lún… Cán bộ, y bác sỹ Trung tâm y tế Nậm Nhùn đã khắc phuc khó khăn, tổ chức khám, chữa bệnh cho nhân dân. Đa số cán bộ, y bác sĩ ở huyện khác chuyển đến hay từ tỉnh tăng cường vào phải ra ngoài thuê trọ, nhường phòng cho bệnh nhân điều trị nội trú.
Trụ sở xuống cấp trầm trọng, nguy hiểm đến tính mạng cán bộ và y bác sỹ, người bệnh. |
Theo thống kê của Bệnh viện Đa khoa Nậm Nhùn, năm 2015, có 5.219 lượt người đến khám, chữa bệnh và 607 bệnh nhân phải chuyển tuyến, 2 ca tử vong trên đường chuyển lên tuyến tỉnh. Ông Khánh cho biết: “Do trụ sở chưa có, nhà dột nát nên Sở y tế chưa dám đầu tư máy móc khám chữa bệnh hiện đại, vì vậy nhiều bệnh nhân phải vất vả chuyển tuyến tỉnh hơn 100 km và không được cứu chữa kịp thời”. Ông Khánh kể, dãy nhà mượn vừa được sửa sang xong, đêm 6/5/2013 gió lốc đổ về cuốn bay hết mái nhà, tất cả trang thiết bị đều bị nước mưa giội ướt hết. Cán bộ, y bác sĩ thức trắng đêm di chuyển, bảo vệ máy móc, trang thiết bị. Cơn lốc đi qua, các dãy nhà trông như một đống đổ nát, cán bộ, y bác sĩ lại xắn tay dọn dẹp và đầu tư hơn 100 triệu đồng để sửa chữa.
Bệnh viện nằm xa khu dân cư, đường vào đất lồi lõm gồ ghề. Để có chỗ nấu ăn cho người nhà về chăm sóc bệnh nhân, cán bộ trung tâm lấy gỗ và mua tôn dựng tạm một cái lán, diện tích khoảng 10 m2. Chiều đến, mọi người tấp nập nhóm bếp chuẩn bị bữa cơm tối. Anh Vàng A Dơ, dân tộc Mông ở bản Huổi Van 2, xã Nậm Hàng (Nậm Nhùn) xuống chăm bố là ông Vàng A Sung, 84 tuổi đang nằm điều trị tại bệnh viện. Anh Giơ cho biết: “Tôi xuống chăm bố một tuần rồi. Bố có cơm của bệnh viện, tôi phải tự nấu ăn. Buổi tối, tôi trải chiếu xuống nền đất để ngủ”. Anh Dơ cũng muốn chuyển bố ra tỉnh, điều kiện chăm sóc và chữa trị tốt hơn, nhưng không có tiền. Dơ chỉ tay lên vết tường nứt dài nói: “Nhìn thấy thế này cũng sợ lắm! Nhà nước sao không đầu tư xây bệnh viện mới cho người dân bớt khổ?”.
Chờ kinh phí sửa chữa
Trong thời gian chờ được đầu tư xây dựng trụ sở mới khang trang cho Trung tâm Y tế, huyện Nậm Nhùn tiếp tục tính cách “giật gấu vá vai”. Theo phương án họp bàn giữa Sở Y tế Lai Châu và UBND huyện Nậm Nhùn, Trung tâm Y tế Nậm Nhùn sẽ tiếp tục được bàn giao khu nhà làm việc của Công ty Sông Đà 908. Tuy nhiên, theo ông Lò Thế Khánh đến địa điểm mới mà không có kinh phí sửa chữa, cải tạo và nâng cấp các hạng mục phù hợp với công tác chuyên môn của một bệnh viên tuyến huyện thì đành ở chỗ cũ.
Theo thống kê của Sở Y tế Lai Châu, phải mất 9 tỷ đồng để cải tạo và sửa chữa các dãy nhà vừa được bàn giao. Trong đó, đầu tư xây lò đốt xử lý nước thải bằng hóa chất và các hạng mục phụ trợ khác; cải tạo thành 2 phòng mổ theo tiêu chuẩn ngành, sửa chữa các phòng phù hợp với các khoa chuyên môn và khu nhà hành chính.
Trao đổi với ông Nguyễn Văn Đối, Giám đốc Sở Y tế Lai Châu, được biết Trung tâm Y tế Nậm Nhùn là nơi khám, điều trị, phục hồi chức năng, do cơ sở vật chất chưa được đầu tư nên không thực hiện được việc cấp cứu, phẫu thuật tại chỗ. Bệnh nhân đến điều trị phải chuyển lên tuyến trên và các cơ sở Y tế các vùng lân cận, gây rất nhiều khó khăn và nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Dãy nhà mượn tạm để làm trụ sở đến nay đã lún, nứt, trần và mái sập sệ, gây nguy hiểm cho bệnh nhân khi đến khám, điều trị và không an toàn cho cán bộ, y bác sỹ của trung tâm.
“Địa điểm cũ đã xuống cấp trầm trọng, chúng tôi muốn chuyển đến nơi mới cho an toàn, nhưng đang chờ kinh phí để sửa chữa và xây dựng thêm phòng chức năng. Sau khi cải tạo xong, Sở Y tế Lai Châu sẽ ưu tiên điều động một số trang thiết bị của các đơn vị trong ngành để lắp đặt cho Trung tâm Y tế Nậm Nhùn và tăng cường cán bộ y bác sỹ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh giúp chuyển giao kỹ thuật”, ông Nguyễn Văn Đối cho biết.