Y tế dự phòng- Bài 4: Sự thầm lặng của những 'chiến sĩ' chống dịch

Luôn phải xông pha nơi tuyến đầu mỗi khi dịch, bệnh bùng phát nên những cán bộ y tế dự phòng thường xuyên phải đối diện với nguy cơ lây nhiễm, thậm chí bị tử vong bởi những bệnh dịch nguy hiểm. Công việc vất vả là vậy nhưng đời sống của nhiều cán bộ y tế dự phòng đang gặp rất nhiều khó khăn.

 

Thu nhập thấp


GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ TƯ cho biết: “Có thể nói bất cứ ở đâu có dịch bệnh thì cán bộ y tế dự phòng (YTDP) của chúng tôi đều có mặt để sát cánh cùng các cán bộ y tế địa phương thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh cho cộng đồng. Vậy nên, dù đã thực hiện đúng các quy định của Bộ Y tế về nhưng sau khi đi chống dịch về, một số cán bộ của Viện vẫn bị mắc bệnh rất nặng, thậm chí có người đã bị nguy hiểm đến tính mạng”.


Chỉ khi nào YTDP được đầu tư ngang bằng so với hệ điều trị thì mới hạn chế được bệnh dịch và tình trạng quá tải bệnh viện.

 

Theo GS Nguyễn Trần Hiển, khi có dịch bệnh xảy ra, cán bộ YTDP là người đầu tiên đi vào vùng dịch, trực tiếp tiếp xúc với người bệnh để điều tra dịch tễ, lấy mẫu bệnh phẩm... Quá trình xử lý, xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm đều có nguy cơ lây nhiễm cao. Nguy hiểm nhất là những khi dịch bệnh mới xuất hiện (SARS, dịch cúm A/H1N1...), trong giai đoạn đầu của dịch còn chưa biết là bệnh gì, đường lây ra sao thì những cán bộ YTDP vẫn phải thực hiện những hoạt động thường quy để sớm tìm ra nguyên nhân và đề xuất các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho cộng đồng.


Còn khi bình thường, các hoạt động giám sát dịch, bệnh lây nhiễm vẫn phải triển khai thường xuyên. Các cán bộ YTDP tiếp tục kiểm tra các ổ dịch cũ hoặc vào các vùng có nguy cơ dịch bùng phát cao để giám sát bệnh nhân, giám sát côn trùng, giám sát vật chủ truyền bệnh...


Nguy cơ lây nhiễm bệnh, dịch nguy hiểm luôn cận kề, song điều đáng buồn là ít ai hiểu được vai trò quan trọng cũng như những khó khăn mà cán bộ YTDP luôn phải đối mặt. Đó là lý do vì sao ngành YTDP nói chung và cán bộ YTDP nói riêng chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức. Và cũng bởi do thu nhập thấp, nhiều cán bộ YTDP vì vậy luôn tìm cơ hội “nhảy việc” sang hệ điều trị.


BS Dương Văn Đẳng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, cho biết: “Cùng là bác sĩ nhưng thu nhập của các bác sĩ làm tại bệnh viện thường hơn hẳn so với anh em YTDP. Bên hệ điều trị có nguồn thu từ viện phí nên ngoài lương, các BS còn được thưởng hàng triệu đồng mỗi tháng. Nhưng cán bộ YTDP thì hầu như không có nguồn thu nào khác ngoài lương, 40% phụ cấp lương và một khoản rất nhỏ từ Chương trình mục tiêu quốc gia. Tết Dương lịch 2013 vừa qua, mỗi cán bộ dự phòng chỉ được thưởng 100.000 đồng, còn Tết Âm lịch này cũng chỉ vẻn vẹn khoảng 500.000 đồng/người”.


Đến ngay như BS Đẳng, người cao tuổi nhất TTYT huyện Chiêm Hóa thì tổng thu nhập mỗi tháng cũng chỉ khoảng 8 triệu đồng, còn thu nhập của cán bộ YTDP mới vào nghề chỉ vẻn vẹn khoảng 2 triệu đồng/tháng. Với thời giá thị trường hiện nay thì mức thu nhập này quả không thấm tháp gì. Cũng bởi nhìn thấy những “tấm gương” nhãn tiền, luôn phải “vượt khó” để phòng, chống dịch như vậy nên lớp trẻ ngày nay cũng chẳng mặn mà gì việc học hoặc về công tác cho hệ thống YTDP.


“Nếu hệ điều trị chữa khỏi bệnh cho từng cá thể thì hệ dự phòng có thể phòng, chống bệnh tật cho cả cộng đồng. Nhưng việc làm của cán bộ YTDP thường chẳng được mấy ai nhắc đến, chế độ đãi ngộ cũng hạn chế. Ví như, cùng học một trường, cùng là bác sĩ nhưng chúng tôi không thể mở phòng mạch tư, thu nhập chỉ trông vào mỗi lương. Ngày 27/2 trong khi các BS hệ điều trị nườm nượp hoa và những lời chúc tụng, còn cán bộ YTDP chúng tôi thường... tự chúc mừng lẫn nhau. Lắm khi cũng chạnh lòng lắm chứ vì cùng là BS mà sao mình thiệt thòi đủ bề...”, một bác sĩ làm công tác YTDP tuyến huyện tâm sự.

 

Không yên tâm “bám nghề”


Theo điều tra của Bộ Y tế, phần lớn cán bộ YTDP đang phải làm việc trong những điều kiện khó khăn. 80% số trung tâm YTDP tuyến tỉnh đang cần được nâng cấp sửa chữa và xây mới. Hệ thống phòng xét nghiệm lạc hậu, thiếu đồng bộ. Tại tuyến huyện, theo điều tra tại 293 trung tâm y tế tuyến huyện thì có rất nhiều đơn vị chưa được cấp đất để xây dựng trụ sở làm việc, hơn 40% số đơn vị cần nâng cấp trụ sở làm việc; hơn 90% số trung tâm không có đủ trang thiết bị tối thiểu theo quy định, phần lớn xét nghiệm dựa vào tuyến tỉnh. Đặc biệt, do chế độ đãi ngộ thấp cho nên việc thu hút nhân lực về công tác tại các đơn vị thuộc hệ thống YTDP rất khó khăn.


BS La Đăng Tái, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang, cho biết: “Từ năm 2007 đến nay (sau khi có sự chia tách đồng loạt Trung tâm Y tế huyện thành Bệnh viện huyện và Trung tâm Y tế dự phòng huyện), Trung tâm Y tế huyện Na Hang được “ở riêng” trong điều kiện khó khăn về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế. Trung tâm có chức năng quản lý sức khỏe lao động nhưng hiện chưa có máy xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm sinh hóa máu… Nhưng giả dụ có được cấp trang thiết bị ngay thì Trung tâm cũng chưa có cán bộ biết cách sử dụng. Hơn nữa, phải chờ khi nào có cơ sở vật chất, nhà trạm “ổn ổn” thì cũng mới có thể tiếp nhận các trang thiết bị y tế đó”.


Theo BS Tái thì chưa thể khẳng định được khi nào TTYT huyện Na Hang chính thức có trụ sở mới. Điều đó cũng có nghĩa, các cán bộ YTDP huyện Na Hang sẽ tiếp tục phải làm việc nhiều năm nữa trong khu nhà cấp 4 lụp xụp, được ghép bằng những tấm ván gỗ sơ sài, trống huơ trống hoác; còn trang thiết bị thì “thiếu đơn, thiếu kép”.


BS Dương Văn Đẳng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, cũng cho biết: Từ năm 2007 đến nay, TTYT huyện Chiêm Hóa cũng phải chuyển trụ sở 2 lần, ban đầu là “ở nhờ” trụ sở của bệnh viện và nay là ở nhờ trụ sở cũ của một trường mầm non.


“Việc thay đổi trụ sở liên tục như vậy ảnh hưởng tới tâm lý của cán bộ, khiến họ không yên tâm công tác và gặp khó khăn hơn trong việc thực hiện các hoạt động chuyên môn. Ví dụ, Trung tâm có chức năng chăm sóc sức khỏe sinh sản, thực hiện các thủ thuật cho người bệnh. Nhưng do nhà trạm thô sơ, thiếu trang thiết bị nên người bệnh không muốn tới để điều trị...”, BS Đằng cho hay.


“Cán bộ YTDP không có nơi làm việc đàng hoàng hoặc đủ điều kiện để đặt trang thiết bị thì làm sao có thể làm việc hiệu quả. Và ngay đến cả chỗ ngồi còn không có thì làm sao có thể tuyển được người về công tác. Đó là chưa nói đến việc mỗi khi có dịch xảy ra thì các đơn vị mới xin được nguồn ngân sách. Nhưng phải sau đó mấy tháng thì tiền chống dịch mới về, vậy làm sao có thể khống chế dịch hiệu quả, làm sao dự báo trước được vụ dịch. Vì vậy, chỉ khi nào các cấp lãnh đạo quan tâm, đầu tư ngân sách đúng mức cho hệ YTDP thì hiệu quả hoạt động phòng chống dịch mới có thể khởi sắc hơn được”, GS.TS Trịnh Quân Huấn, chuyên gia cao cấp của Bộ Y tế nhấn mạnh.



Phương Liên

 


Y tế dự phòng - Bài 3: Chớ nên 'buộc chỉ chân voi'
Y tế dự phòng - Bài 3: Chớ nên 'buộc chỉ chân voi'

Bất cứ người nào cũng nói được câu“Phòng bệnh hơn chữa bệnh”; nhưng thực tế hệ thống y tế dự phòng chưa được nhiều địa phương và chính ngành y tế quan tâm, đầu tư đúng mức.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN